Sau khi Hạ viện thông qua, dự luật sẽ được chuyển đến Thượng viện trước khi trình lên Quốc vương ký ban hành.
Theo luật sửa đổi, áp dụng hồi tố, 11 tội danh trước đây có hình phạt tử hình bắt buộc sẽ có các hình phạt thay thế, bao gồm phạt roi và phạt tù từ 30 đến 40 năm.
Các biện pháp mới cũng sẽ loại bỏ hình phạt tử hình như một lựa chọn đối với một số tội phạm nghiêm trọng không gây chết người, chẳng hạn như buôn bán vũ khí và bắt cóc.
“Việc bãi bỏ án tử hình bắt buộc nhằm mục đích tôn trọng quyền sống của mọi cá nhân ở Malaysia” Thứ trưởng Bộ Pháp luật Ramkarpal Singh cho biết trong buổi tổng kết các cuộc thảo luận tại Quốc hội về dự luật. “Nguyên tắc cơ bản cho mọi bản án ở Malaysia là cải tạo để họ có thể trở lại xã hội và trở thành những người có thể phục vụ gia đình, cộng đồng và đất nước sau khi mãn hạn tù”.
Mặc dù dự luật mới không loại bỏ hoàn toàn hình phạt tử hình, vốn vẫn áp dụng cho các tội phạm từ buôn bán ma túy, khủng bố đến giết người, nhưng cho phép các thẩm phán toàn quyền thông qua các lựa chọn thay thế.
“Chúng tôi khen ngợi chính phủ đã thể hiện ý chí chính trị và quyết tâm cải cách”, Ngeow Chow Ying, thành viên ủy ban điều hành của Mạng lưới Chống tử hình châu Á, nói với Arab News. Tuy nhiên, ông Ying cho rằng Malaysia có thể làm nhiều hơn nữa trong nỗ lực cải cách hệ thống tư pháp hình sự, vì việc sử dụng roi vẫn là một “hình phạt tàn nhẫn”.
Quỳnh Vũ
Theo Arab News