Với mong muốn xây dựng môi trường giáo dục an toàn, lành mạnh, thân thiện; học sinh, học viên và cán bộ, giáo viên, nhân viên được yêu thương, tôn trọng, chia sẻ và thấu hiểu; ngăn ngừa, đấu tranh với các hành vi thiếu chuẩn mực về đạo đức, lối sống, Sở GD-ĐT Hà Nội xây dựng bộ tiêu chí “Trường học hạnh phúc” để giúp các nhà trường có cơ sở đối chiếu, tự đánh giá và có giải pháp phấn đấu đạt được các tiêu chí để xây dựng Trường học hạnh phúc.
Dự thảo bộ tiêu chí “Trường học hạnh phúc” dùng trong các cơ sở giáo dục phổ thông trên địa bàn thành phố Hà Nội gồm 3 tiêu chuẩn: Về con người; về dạy học và hoạt động giáo dục; về môi trường. Mỗi tiêu chuẩn lại bao gồm nhiều tiêu chí cụ thể, với tổng số 15 tiêu chí.
Được biết, trước đó, bộ tiêu chí “Trường học hạnh phúc” dành cho cấp học mầm non đã được ban hành, áp dụng và đem lại hiệu quả tích cực, tạo chuyển biến rõ nét về chất lượng chăm sóc, giáo dục, nuôi dưỡng trẻ.
Tại hội nghị, ý kiến của đại diện các cụm trường trung học phổ thông, trung tâm giáo dục thường xuyên, các trường chuyên biệt và các phòng giáo dục và đào tạo cơ bản đồng thuận với bộ tiêu chí, bao quát được khá toàn diện về các hoạt động trong nhà trường và mục tiêu hướng đến hiện nay.
Đánh giá về bộ tiêu chí, Hiệu trưởng trường THPT Hoàng Cầu- Đống Đa Lưu Thị Lập cho rằng, các tiêu chí trường học hạnh phúc là nội dung quan trọng để các nhà trường căn cứ điều kiện cụ thể về cơ sở vật chất, đội ngũ nhà giáo, học sinh và tình hình thực tế tại địa phương để đưa ra những nội dung phù hợp và phấn đấu đạt được, giúp các nhà trường phát triển toàn diện.
Ý kiến của đại biểu đều xác định, đây là nội dung quan trọng để các nhà trường căn cứ điều kiện cụ thể về cơ sở vật chất, đội ngũ nhà giáo, học sinh và tình hình thực tế tại địa phương để đưa ra những nội dung phù hợp và phấn đấu đạt được, giúp các nhà trường phát triển toàn diện.
Tuy nhiên, đại diện lãnh đạo các trường học, phòng giáo dục và đào tạo, hội Tâm lý giáo dục cho rằng cần bổ sung tiêu chí về sự hài lòng của học sinh, cha mẹ học sinh với nhà trường; xem xét đưa tiêu chí về việc khen thưởng, kỷ luật học sinh sao cho phù hợp với bối cảnh giáo dục hiện nay.
Sở GD-ĐT Hà Nội sẽ tiếp tục xin ý kiến các chuyên gia, nhà khoa học để hoàn thiện bộ tiêu chí, từ đó có thêm giải pháp để việc triển khai hiệu quả hơn.