Trong bối cảnh này, ngày 21.4, Báo Đại biểu Nhân dân tổ chức Tọa đàm “Tạo lập khuôn khổ pháp lý đồng bộ về xử lý nợ xấu” nhằm ghi nhận ý kiến của các đại biểu Quốc hội, các chuyên gia, các ngân hàng về: kết quả thực hiện cũng như sự cần thiết phải luật hóa Nghị quyết 42; lấy ý kiến đóng góp và đánh giá tác động đối với các đề xuất chính sách của Ngân hàng Nhà nước; trao đổi kinh nghiệm xử lý nợ xấu của quốc tế và bài học cho Việt Nam, nhất là về xử lý tài sản bảo đảm… Qua đó, góp phần đẩy nhanh tiến trình xử lý nợ xấu và tài sản bảo đảm sẽ diễn ra nhanh hơn, góp phần khơi thông nguồn vốn tín dụng trong nền kinh tế.
Chia sẻ tại Tọa đàm, Bà Nguyễn Thị Phương, Giám đốc ban pháp chế, Ngân hàng Thương mại cổ phần Đầu tư và Phát triển Việt Nam (BIDV) cho biết: Theo thống kê, năm 2025, ngành ngân hàng đặt mục tiêu tăng trưởng tín dụng cao nhằm hỗ trợ nền kinh tế đạt mức tăng trưởng trên 8%. Tuy nhiên, diễn biến nợ xấu phức tạp đặt ra bài toán cho các ngân hàng là phải cân đối giữa tăng trưởng tín dụng và kiểm soát rủi ro.

Theo phản ánh của các ngân hàng, từ khi Nghị quyết 42 về thí điểm xử lý nợ xấu hết hiệu lực và nhiều quy định về xử lý nợ xấu không được đưa vào Luật Các tổ chức tín dụng 2024 khiến việc thu hồi, xử lý nợ xấu của các ngân hàng gặp khó khăn, gần 200.000 tỷ đồng là tài sản bảo đảm cho các khoản nợ xấu tồn đọng, thậm chí con số thực tế còn lớn hơn.
Tại cuộc họp Thường trực Chính phủ với các tổ chức tín dụng, Thủ tướng Chính phủ đã giao NHNN khẩn trương xây dựng hồ sơ, trình Quốc hội trong kỳ họp tháng 5 tới để luật hóa Nghị quyết 42.
Trong dự thảo trình Chính phủ, NHNN nhấn mạnh việc luật hóa các quy định tại Nghị quyết 42 nhằm tạo lập khuôn khổ pháp lý đồng bộ về xử lý nợ xấu, bảo đảm phù hợp với thực tiễn và tháo gỡ các vướng mắc pháp lý đang cản trở tổ chức tín dụng, tổ chức mua bán nợ, xử lý nợ thực hiện quyền hợp pháp của mình trong thu hồi nợ và xử lý tài sản bảo đảm.
Bà Nguyễn Thị Phương cho biết thêm, giải pháp đòi nợ lớn nhất hiện nay là kiện ra tòa nhưng trên thực tế, các tòa tiếp nhận rất ít hồ sơ vì quá tải. Cũng theo chuyên gia này, ngân hàng chỉ xoay quanh các biện pháp chính, thứ nhất là quy định về bán nợ xấu, bán tài sản bảo đảm, thứ 2 là thực hiện mua bán nợ cho các tổ chức có chức năng và phương thức chính vẫn là phương thức thỏa thuận với khách hàng. Và phương pháp cuối cùng khi không áp dụng được các biện pháp trên sẽ kiện tại tòa. Khi triển khai 4 biện pháp này, các ngân hàng cũng gặp nhiều vướng mắc, ví dụ Nghị quyết 42 có quy định về quyền thu giữ, nhưng sau 6 năm thì BIDV chỉ thực hiện được 85 hồ sơ theo quy định này và thủ tục tố tụng rút gọn khi đưa ra tòa chỉ được 8 hồ sơ nhưng chỉ được giải quyết 3 hồ sơ.
Có thể thấy, việc áp dụng các biện pháp mạnh không phải là cây gậy thần hay một đặc quyền đối với các tổ chức tín dụng. Khi thực hiện các biện pháp mạnh như thu giữ thì các tổ chức tín dụng cũng phải suy xét và cẩn trọng, đi kèm với các giao dịch trước đó cần hợp pháp và bảo đảm sự hài hòa, cân đối giữa lợi ích của các bên chứ không thể lạm quyền. Trong khi các ngân hàng không được quyền thu giữ tài sản bảo đảm nên nhiều khách hàng cố tình chống đối không trả nợ, không bàn giao tài sản bảo đảm… ảnh hưởng đến quá trình xử lý nợ xấu, tái cơ cấu.
Cũng theo bà Phương, Với công cụ mà nghị quyết 42 đưa ra, các tổ chức tín dụng có lựa chọn hay không cũng cần suy xét kỹ càng để hài hòa lợi ích của tất cả các chủ thể. Đây cũng chỉ được xem là liệu pháp tâm lý đối với khách hàng để bảo đảm về mặt pháp lý và là công cụ pháp lý để tránh bội tín hợp đồng và để khách hàng có trách nghiệm hơn về khoản vay của mình, có ý thức trả nợ.
Nói về tầm quan trọng của việc luật hóa Nghị quyết này, đại diện ngân hàng BIDV cho rằng, các tổ chức tín dụng mang một trọng trách xã hội rất lớn và là những công ty đại chúng. Việc kinh doanh của ngân hàng không chỉ nhằm thu lợi cho các ngân hàng đó mà còn bảo đảm lãi và gốc cho những người gửi tiền. Tiền để ngân hàng cho vay chính là tiền huy động từ người dân chứ không từ vốn điều lệ của tổ chức tín dụng. Như vậy, khuôn khổ pháp lý không chỉ cho các ngân hàng mà để thiết lập lại trật tự an toàn pháp lý cho cả xã hội.