Dân đi lòng vòng
Nghị định 123/2015 quy định: Cá nhân có trách nhiệm chứng minh về tình trạng hôn nhân của mình, nhất là đối với người đã qua nhiều nơi cư trú khác nhau. Trường hợp người dân khó khăn trong việc tự chứng minh về tình trạng hôn nhân (do không nhớ rõ địa chỉ, không có giấy tờ chứng minh...) thì UBND cấp xã (nơi nhận hồ sơ) có văn bản đề nghị nơi thường trú trước đây xác minh. Nếu công dân có thời gian cư trú ở nước ngoài thì cũng phải xác minh tình trạng hôn nhân trong thời gian cư trú ở nước ngoài (qua cơ quan đại diện Việt Nam ở nước ngoài). |
Theo quy định của Luật Hộ tịch, từ ngày 1.1.2016, việc đăng ký kết hôn, khai sinh, khai tử, nhận cha mẹ cho con, ghi chú kết hôn, ghi chú ly hôn… có yếu tố nước ngoài sẽ do UBND cấp huyện thực hiện thay vì Sở Tư pháp như trước đây. Việc giao cho cấp quận, huyện thẩm quyền thực hiện các thủ tục này nhằm tránh tình trạng dồn hết về Sở Tư pháp, gây ùn ứ. Ví dụ, khi kết hôn với người nước ngoài, người dân chỉ cần đến UBND xã yêu cầu cấp giấy xác nhận tình trạng hôn nhân chứ không cần trải qua vòng phỏng vấn tại Sở Tư pháp như trước. Những quy định này giúp giảm thiểu thời gian đi lại và tạo điều kiện thuận lợi hơn cho người dân nhưng do nhận thức cũng như thiếu thống nhất trong quá trình thực hiện của cơ quan nhà nước nên người dân gặp không ít khó khăn trong quá trình xác nhận tình trạng hôn nhân.
Sau nhiều lần chuyển chỗ ở, cuối cùng chị Nguyễn Lan Anh ở huyện Quốc Oai, TP Hà Nội cũng tìm cho gia đình mình một chỗ vừa thuận tiện làm ăn vừa thuận cho con cái học hành. Thế nhưng, hành trình đi xin xác nhận độc thân để bổ sung cho giấy tờ nhà đất khiến chị không khỏi lúng túng.
“Hộ khẩu hiện tại của tôi ở huyện Quốc Oai. Tôi đến UBND xã thì cán bộ tư pháp không xác nhận được vì tôi mới chuyển hộ khẩu về nơi đây, phải bổ sung giấy xác nhận cho khoảng thời gian trước khi chuyển. Tôi đã chuyển hộ khẩu ba lần (ba quận, huyện trong TP Hà Nội) nên phải quay về các UBND phường (nơi từng có hộ khẩu) để xác nhận. Với yêu cầu này tôi đã phải đi lại không biết bao nhiêu lần trong suốt 4 tháng mới có được tờ xác nhận độc thân" - chị Lan Anh nói.
![]() | |
Ảnh minh họa | Nguồn: ITN |
Tương tự, chị Nguyễn Minh Anh cùng thường trú tại huyện Quốc Oai, TP Hà Nội chưa thể làm thủ tục kết hôn với người nước ngoài cũng chỉ vì chưa xin được xác nhận tình trạng độc thân. Theo phản ánh của chị Minh Anh lý do UBND phường không xác nhận tình trạng độc thân cho chị vì trong khoảng thời gian 3 năm chị đi học ở nước ngoài, UBND phường không thể xác nhận chị độc thân hay đã lập gia đình dù chị đã làm cam kết trước pháp luật mình chưa kết hôn trong thời gian ở nước ngoài.
Trên đây chỉ là hai trong số rất nhiều trường hợp gặp khó khăn trong quá trình đi xác nhận tình trạng hôn nhân theo quy định của Luật Hộ tịch. Cán bộ Tư pháp hộ tịch phường Đồng Xuân, quận Hoàn Kiếm, TP Hà Nội Trịnh Quyết Thắng cho rằng, pháp luật hiện hành đã quy định nếu người dân gặp khó khăn trong việc tự chứng minh tình trạng hôn nhân thì UBND cấp xã (nơi nhận hồ sơ) có văn bản đề nghị nơi thường trú trước đây xác minh. Thế nhưng, vẫn chưa quy định cụ thể về thời gian trả lời xác minh dẫn tới tình trạng UBND cấp xã không nhận được văn bản xác minh hoặc nhận được văn bản trả lời quá muộn, gây khó trong việc giải quyết hồ sơ cho công dân.
“Ngày 12.5.2016, Cục Hộ tịch, quốc tịch và chứng thực (Bộ Tư pháp) đã có văn bản hướng dẫn về việc cấp lại giấy xác nhận tình trạng hôn nhân đối với những trường hợp này thì phải tập hợp hồ sơ từ UBND cấp xã. Trên cơ sở đó, Sở Tư pháp sẽ gửi Cục Hộ tịch, quốc tịch và chứng thực để trao đổi với cơ quan đại diện của nước ngoài tại Việt Nam. Điều này sẽ kéo dài thời gian khiến công dân phải chờ đợi, gây nên nhiều bức xúc” – ông Thắng dẫn chứng.
Cần linh động
Về việc chưa có sự thống nhất trong nhận thức và áp dụng của một số cơ quan đăng ký hộ tịch về cấp giấy xác nhận tình trạng hôn nhân cho công dân, Cục trưởng Cục Hộ tịch, quốc tịch, chứng thực Nguyễn Công Khanh cho biết, nhiều địa phương cũng phản ánh vướng mắc trong cấp giấy xác nhận tình trạng hôn nhân cho người đã qua nhiều nơi cư trú khác nhau.
Theo ông Khanh, trước những khó khăn, vướng mắc mà người dân gặp phải trong quá trình đi xác nhận tình trạng hôn nhân, Bộ Tư pháp đã ban hành Thông tư 15/2015/TT-BTP bảo đảm linh hoạt xử lý. Cụ thể, nếu hết thời hạn mà UBND cấp xã được yêu cầu không trả lời kết quả xác minh thì cho phép người yêu cầu lập văn bản cam đoan về tình trạng hôn nhân của mình và phải chịu trách nhiệm về việc cam đoan đó.
“Quy định như vậy vừa bảo đảm quyền lợi của công dân, vừa đề cao trách nhiệm của công dân và cơ quan nhà nước trong việc xác nhận đúng tình trạng hôn nhân, ngăn ngừa việc lợi dụng xác nhận không đúng nhằm mục đích vụ lợi, ảnh hưởng đến quyền, lợi ích hợp pháp của những người liên quan” - ông Khanh đánh giá.
Ông Khanh cho biết thêm, thời gian tới, Cục sẽ phối hợp rà soát và có văn bản hướng dẫn cụ thể để tháo gỡ những vướng mắc còn tồn tại. Đồng thời, mở rộng thí điểm đăng kí khai sinh và cấp số định danh cá nhân nhằm cung cấp kịp thời, chính xác thông tin vào Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư; trang bị đầy đủ phần mềm đăng kí, quản lý hộ tịch cho các địa phương được lựa chọn trong giai đoạn thí điểm.