Đó là nhấn mạnh của Chủ tọa Hội nghị chất vấn và trả lời chất vấn về kết quả thực hiện công tác xã hội hóa đầu tư nước sạch nông thôn do Thường trực HĐND tỉnh Đồng Tháp vừa tổ chức.
Đẩy nhanh lộ trình chuyển đổi khai thác nước ngầm sang nước mặt
Tại hội nghị, các đại biểu đã đặt câu hỏi liên quan đến các nhóm vấn đề về chất lượng nước, công suất nước, lượng nước cung cấp cho người dân, đặc biệt là những nơi thưa dân cư; lộ trình chuyển đổi khai thác từ nước ngầm sang nước mặt; giải pháp để đạt chỉ tiêu Nghị quyết số 43/NQ-HĐND về kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2023, quy định chỉ tiêu về môi trường đến năm 2025 và giải pháp khắc phục về chất lượng nguồn nước. Đại biểu cũng đề nghị làm rõ mức tính giá nước sạch, lý do vì sao trên địa bàn tỉnh áp dụng cùng lúc hai Quyết định quy định về giá nước sạch sinh hoạt ở nông thôn…
Trả lời chất vấn của đại biểu, lãnh đạo Sở Tài nguyên và Môi trường cho biết: ngày 11.9.2023, trên cơ sở tham mưu của sở, UBND tỉnh đã ban hành Công văn số 94 về tiếp tục thực hiện chuyển đổi nguồn nước theo kế hoạch của UBND tỉnh, đồng thời có hướng giải quyết cho các trường hợp đặc biệt. Căn cứ 2 tiêu chí cơ bản là chủ đầu tư nhà máy cấp nước phải sử dụng nước mặt và cấp nước đủ số lượng, chất lượng cho người dân sử dụng, công tác chuyển đổi nguồn nước được thực hiện với 3 hình thức cơ bản: chủ đầu tư Trạm cấp nước sử dụng nước dưới đất có đủ năng lực thực hiện chuyển đổi qua đầu tư Nhà máy nước mặt thay thế hoặc thỏa thuận đấu nối nước sạch đồng hồ tổng từ đơn vị cấp nước xung quanh sử dụng nguồn nước mặt; trường hợp không đủ năng lực thì phải chuyển giao Trạm cấp nước dưới đất cho đơn vị khác có năng lực đầu tư nhà máy cấp nước mặt.
Đối với những trường hợp không bảo đảm khả năng chuyển đổi khai thác nước dưới đất sang nước mặt đến hết năm 2023 theo lộ trình, UBND các huyện, thành phố rà soát, tổng hợp, đánh giá nguyên nhân chủ quan, khách quan đối với từng trường hợp cụ thể… làm cơ sở trình UBND tỉnh xem xét, cho ý kiến.
Thực hiện chính sách tiếp cận vốn đầu tư hệ thống cấp nước theo Nghị quyết số 380 ngày 8.12.2020 của HĐND tỉnh, các cơ chế về chính sách ưu đãi, khuyến khích đầu tư cấp nước sạch nông thôn trên địa bàn tỉnh Đồng Tháp được phổ biến rộng rãi và áp dụng triển khai thực hiện tốt. Các dự án cấp nước đều được ưu tiên ưu đãi về thuế, tiền thuê đất và được Quỹ Đầu tư phát triển tỉnh hỗ trợ cho vay; đến nay, đã có 15 dự án được Quỹ hỗ trợ với số tiền khoảng 50 tỷ đồng.
Về kết quả cung cấp nước sạch nông thôn so với chỉ tiêu đã đề ra tại nghị quyết của HĐND tỉnh, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Phước Thiện cho biết: năm 2021, tỉnh đề ra chỉ tiêu tỷ lệ 86% dân cư nông thôn sử dụng nước sạch, kết quả thực hiện đạt 86,36%; năm 2022, đề ra tỷ lệ 88%, kết quả đạt 88,97%; năm 2023, đề ra tỷ lệ 94%, kết quả rà soát đến 6 tháng đầu năm 2023 đạt 90,27%, ước thực hiện cả năm đạt 94%. Trong năm 2024, tỉnh đề ra tỷ lệ đạt 96,2%; năm 2025, đạt 98,1%.
Để hiện thực hóa mục tiêu này, UBND tỉnh đã ban hành kế hoạch tập trung triển khai. Trong đó, xác định bảo đảm công tác cung cấp nước sạch từ nguồn nước mặt đạt chất lượng, lưu lượng và cột áp; bảo vệ nguồn nước ngầm, chuyển nước ngầm thành nguồn nước dự trữ và hạn chế hiện tượng sụt lún nền đất do khai thác nước ngầm quá mức. Cùng với đó, cung cấp nước sạch không phân biệt khu vực đô thị và nông thôn, không phụ thuộc vào địa giới hành chính; phấn đấu toàn tỉnh luôn được sử dụng nước sạch đạt chuẩn chất lượng theo quy định…
Đối với nhóm vấn đề chất vấn về giá nước sạch sinh hoạt ở nông thôn, các mức tính giá nước sạch có bảo đảm sự công bằng giữa các nhà đầu tư, hài hòa giữa lợi ích của nhà đầu tư và quyền lợi của người tiêu dùng, lãnh đạo các sở, ngành liên quan cho biết chưa có sự đồng bộ về giá nước sạch sinh hoạt giữa khu vực nông thôn và thành thị.
Thực hiện chủ trương chuyển đổi từ nước ngầm sang nước mặt của tỉnh, Công Ty Cổ phần Cấp nước và Môi trường Đô thị Đồng Tháp (Dowasen) đã mua lại một số trạm nước ngầm ở khu vực nông thôn, thực hiện cấp nước sâu vào khu vực nông thôn nên có sự chênh lệch giá tiêu thụ nước sạch do Dowasen cung cấp và đơn vị cấp nước nông thôn. Khắc phục sự chênh lệch này thời gian tới, UBND tỉnh giao Sở Tài chính phối hợp các ngành chức năng yêu cầu Dowasen lập phương án giá để tính toán lại mức giá tại khu vực nông thôn cho phù hợp, đồng nhất với các đơn vị cấp nước khác, dự kiến điều chỉnh trong năm 2024.
Hài hòa lợi ích giữa nhà đầu tư và người tiêu dùng
Phát biểu tại phiên chất vấn và trả lời chất vấn, Phó Chủ tịch HĐND tỉnh Nguyễn Thị Kim Tuyến ghi nhận việc UBND tỉnh đã ban hành nhiều văn bản quán triệt, triển khai thực hiện chiến lược quốc gia cung cấp nước sạch và vệ sinh nông thôn trên địa bàn. Với mục tiêu đề ra đến năm 2023 chuyển đổi việc khai thác và sử dụng nước ngầm sang nước mặt, bảo đảm cung cấp nước sạch cho người dân sử dụng không phân biệt khu vực đô thị và nông thôn; phấn đấu đến năm 2025, toàn tỉnh được sử dụng nước sạch đạt chất lượng theo quy định. Các địa phương đã kêu gọi xã hội hóa, thu hút các nhà đầu tư xây dựng các trạm cung cấp nước sạch cho người dân sử dụng. Tuy nhiên, còn nhiều hạn chế, bất cập cần sớm có giải pháp tháo gỡ khó khăn, vướng mắc.
Để đạt các mục tiêu, chỉ tiêu tỉnh đã đề ra vào năm 2025, Phó Chủ tịch HĐND tỉnh Nguyễn Thị Kim Tuyến đề nghị, UBND tỉnh và các ngành, đơn vị liên quan, tập trung rà soát, khắc phục các nội dung thực hiện còn chậm, nhất là về quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất. Tiếp tục tập trung quan tâm chất lượng nguồn nước, tăng cường kiểm tra, đánh giá chất lượng nước. Đồng thời, quan tâm tháo gỡ khó khăn về các quy trình, thủ tục và hướng dẫn cho các nhà đầu tư… xã hội hóa đầu tư nước sạch nông thôn
Phó Chủ tịch HĐND tỉnh nhấn mạnh, UBND tỉnh cần sớm rà soát lại kế hoạch, lộ trình chuyển đổi nguồn nước dưới đất qua nước mặt đối với các trạm cấp nước, nhà máy cấp nước để tính toán lại lộ trình cho kế hoạch mới trong thời gian tới. Về giá nước sạch sinh hoạt ở nông thôn, các mức tính cần bảo đảm công bằng giữa các nhà đầu tư; hài hòa lợi ích giữa nhà đầu tư và người tiêu dùng.