Giải thưởng Văn nghệ dân gian Việt Nam năm 2023 xướng tên những hội viên có đóng góp lớn cho công tác điều tra sưu tầm, nghiên cứu, góp phần bảo vệ nền văn hóa truyền thống của dân tộc. Đáng chú ý là tác giả, nhà nghiên cứu Nguyễn Tiến Dũng, giảng viên Khoa Giáo dục Tiểu học, Trường Đại học Sư phạm Thành phố Hồ Chí Minh, lại có tên trong danh sách nhận giải thưởng.
Giải thưởng Văn nghệ dân gian Việt Nam năm 2022 đã gọi tên anh với 2 tác phẩm được trao giải Nhì B gồm 2 bộ sử thi (hơmon) Ba Na Giông, Giỡ tìm Bia Lũi và Giông, Giỡ bán ghè thần Rang Blo phát hành song ngữ Việt – Ba Na. Năm 2023, tác giả Nguyễn Tiến Dũng tiếp tục nhận đồng thời giải Nhì A với công trình sưu tầm giới thiệu sử thi Ba Na Giông thử tài (Giông long), song ngữ Việt - Ba Na và Nhì B cho công trình sử thi Ba Na Chàng Hơ Dang làm vòng (Dăm Hơ Dang weng kong). Cả hai công trình đều do hội viên Nguyễn Tiến Dũng sưu tầm, biên soạn, nghệ nhân A Lưu diễn xướng, A Jar phiên âm và dịch nghĩa.
Cả hai tác phẩm đạt Giải thưởng Văn nghệ dân gian Việt Nam năm 2023 của TS Nguyễn Tiến Dũng đều nằm trong bộ sử thi liên hoàn của người Ba Na ở Kon Tum. Sử thi Ba Na Giông thử tài được ghi âm từ năm 2021, sau đó văn bản hóa tiếng Ba Na và đến cuối năm 2023 được dịch sang tiếng Việt. Tác phẩm hội tụ ba chủ đề: làm lụng, đánh giặc, lấy vợ.
Theo các nhà nghiên cứu, A Jar đã có kinh nghiệm dịch nhiều tác phẩm sử thi nên ở hơmon này không chỉ dịch đúng mà dịch còn hay hơn nhiều so với những tác phẩm dịch trước đây, đặc biệt trong đó có nhiều lời nói vần.
Thực ra, năm 2017, hơmon này đã được tác giả Phan Thị Hồng cho xuất bản với tên gọi Giông thử thách, nghệ nhân hát kể là Yă Ngao, mẹ đẻ của A Lưu. Tuy nhiên, bản kể này của A Lưu dài hơn, chi tiết và phong phú hơn, dịch sang tiếng Việt hay hơn so với bản của Yă Ngao cung cấp. Công trình sử thi Ba Na Chàng Hơ Dang làm vòng có dung lượng bé hơn, song cũng có giá trị tương đương trong kho tàng sử thi đồ sộ của người Ba Na.
Chia sẻ cảm xúc khi liên tiếp nhận được giải thưởng cao do Hội Văn nghệ dân gian Việt Nam trao tặng (cả hai năm 2022, 2023, đều không có giải Nhất), tác giả Nguyễn Tiến Dũng cho biết đây là sự quan tâm, ghi nhận đặc biệt của Hội Văn nghệ dân gian Việt Nam đối với hội viên. Đồng thời, cũng cho thấy giá trị văn hóa Tây Nguyên, trong đó có sử thi Ba Na trong đời sống văn nghệ dân gian.
“Quả thực, sự ủng hộ, khuyến khích, ghi nhận và tạo điều kiện từ Hội Văn nghệ dân gian Việt Nam chính là nguồn lực và động lực để tiếp tục công việc sưu tầm đầy khó khăn này. Bởi lẽ trên thực tế để nghiên cứu, sưu tầm, phiên âm tiếng Ba Na sang tiếng Việt vô cùng khó khăn”, TS Nguyễn Tiến Dũng chia sẻ.
Theo Chủ tịch Hội Văn nghệ dân gian Việt Nam, GS.TS Lê Hồng Lý, việc sưu tầm, phiên âm tiếng Ba Na và dịch sang tiếng Việt góp phần bổ sung vào bộ sử thi liên hoàn của người Ba Na nói riêng và kho tàng sử thi Tây Nguyên nói chung. Cũng giống như sử thi của các dân tộc Tây Nguyên như Ê Đê, Gia Rai, sử thi Ba Na là hình thức sinh hoạt văn hóa dân gian truyền khẩu theo lối hát, kể chuyện bằng thơ, văn xuôi, là bức tranh thu nhỏ, sinh động về xã hội xưa.
Nếu như trường ca Đam San, sử thi nổi tiếng đầu tiên và được biết đến nhiều nhất của người Ê Đê, được phát hiện từ những năm 1930 thì phải đến tận cuối thập niên 80 của thế kỷ trước, sử thi Ba Na mới được biết đến và đưa vào nghiên cứu. Bởi vậy, việc nghiên cứu, sưu tầm những công trình sử thi Ba Na gặp nhiều khó khăn do sự biến đổi của đời sống xã hội khiến di sản dần mai một.
“Để gìn giữ sức sống lâu bền của di sản, bằng tình yêu, các nghệ nhân, nhà nghiên cứu đã và đang miệt mài giữ gìn, bảo tồn giá trị văn hóa của cộng đồng dân tộc. Việc ghi nhận công sức lao động của tác giả là động lực to lớn để họ tiếp tục nghiên cứu, sưu tầm những công trình sử thi, góp phần bảo tồn, phát huy giá trị của di sản đặc sắc này”, GS.TS Lê Hồng Lý nhận định.