Theo thông tin từ Hiếu Văn Ngư - Cultura Fish (dự án khơi gợi nét đẹp của nghệ thuật Việt Nam trong lòng khán giả), triển lãm "Alternative Identities: Masks of ASEAN & Korea" gồm các nội dung liên quan đến các loại hình nghệ thuật có sử dụng mặt nạ ở Hàn Quốc và Đông Nam Á (trong đó có nghệ thuật hát bội Việt Nam) đã được đăng tải lên nền tảng Google Arts & Culture.
Triển lãm do Trung tâm Mạng lưới và Thông tin quốc tế về di sản văn hóa phi vật thể khu vực châu Á - Thái Bình Dương trực thuộc UNESCO (ICHCAP-UNESCO) và Trung tâm Nghiên cứu văn hóa Đông Nam Á tại Hàn Quốc (ACH) đồng tổ chức.
Triển lãm gồm 5 phần: phần 1 giới thiệu nguồn gốc mặt nạ, giới thiệu các hình thức thực hành tín ngưỡng (shaman) và giải trí có sử dụng mặt nạ; phần 2 nói về các truyền thuyết và mặt nạ Đông Nam Á qua các câu chuyện dân gian; phần 3 giới thiệu hát bội Việt Nam như một hình thức diễn xướng có sử dụng kỹ thuật vẽ mặt (gần với mặt nạ); phần 4 giới thiệu mặt nạ Philippines xuất hiện trong các lễ hội cùng các tác phẩm đương đại và phần 5 giới thiệu nghệ thuật Talchum Hàn Quốc.
Google Arts & Culture là một nền tảng trực tuyến và ứng dụng di động do Google phát triển nhằm cung cấp truy cập đến hình ảnh chất lượng cao của tác phẩm nghệ thuật và các triển lãm từ các bảo tàng và thư viện trên khắp thế giới. Dự án bắt đầu năm 2011 và đã hợp tác với hơn 1.200 tổ chức văn hóa từ 70 quốc gia. Google Arts & Culture cho phép người dùng khám phá các tác phẩm nghệ thuật, di sản văn hóa, và các câu chuyện lịch sử thông qua các chức năng như xem ảnh cận cảnh, tham quan ảo, và các bài viết giáo dục.
Với triển lãm được đăng tải lên nền tảng Google Arts & Culture, khán giả từ khắp nơi có thể sử dụng bất kỳ thiết bị nào (có app Google Art & Culture) mà không cần có kính VR để tham quan không gian triển lãm cùng nhiều thông tin thú vị về các loại hình nghệ thuật, trong đó có nghệ thuật hát bội Việt Nam.