Thảo luận về chủ trương đầu tư Chương trình mục tiêu quốc gia về phát triển văn hóa giai đoạn 2025 - 2035 (Chương trình) chiều 8.6, các đại biểu tại Tổ 8 (gồm Đoàn ĐBQH TP. Cần Thơ và các tỉnh Điện Biên, Vĩnh Long, Bình Định) thống nhất cao với sự cần thiết đầu tư Chương trình.
Các đại biểu kỳ vọng khi được triển khai, Chương trình sẽ góp phần tăng cường nguồn lực đầu tư, đáp ứng yêu cầu phát triển con người toàn diện và xây dựng nền văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc, để văn hóa thực sự trở thành nền tảng tinh thần vững chắc của xã hội, là sức mạnh nội sinh, động lực phát triển đất nước và bảo vệ Tổ quốc…
Chương trình có tổng mức đầu tư lớn, thực hiện trong thời gian dài, với phạm vi tác động lớn, nhiều nội dung thành phần, rất nhiều chỉ tiêu, nhiệm vụ cụ thể và hoạt động chi tiết, đối tượng thụ hưởng rộng. Để Chương trình đạt mục tiêu, đi vào thực tiễn, tạo chuyển biến tích cực, theo ĐBQH Nguyễn Thị Quyên Thanh (Vĩnh Long), “là thách thức lớn”. Đại biểu đề nghị, cần quyết liệt hơn trong ban hành cơ chế, chính sách khi thực hiện Chương trình này; coi trọng đào tạo, tập huấn, bồi dưỡng, bố trí cán bộ ở cơ sở thực hiện các nhiệm vụ…
“Văn hóa là lĩnh vực rất rộng, liên quan đến tất cả lĩnh vực trong đời sống xã hội. Vì thế, cần có sự thống nhất cao, phối hợp và tham gia đồng bộ của các cấp, ngành, địa phương. Đặc biệt, cần giao nhiệm vụ, mục tiêu cho từng địa phương phù hợp với văn hóa vùng miền; cũng như cần đánh giá sơ kết, tổng kết để điều chỉnh kịp thời bất cập trong quá trình thực hiện”, đại biểu Nguyễn Thị Quyên Thanh đề nghị.
Trong 3 chương trình mục tiêu quốc gia đang triển khai đều có nội dung đầu tư về phát triển văn hóa. Thủ tướng Chính phủ cũng đã ban hành nhiều Chương trình liên quan đến phát triển văn hóa có nội dung trùng lặp về mục tiêu, đối tượng thụ hưởng, nguồn vốn thực hiện.
Để xử lý việc trùng lặp, Chính phủ kiến nghị chuyển Dự án số 6 của Chương trình mục tiêu quốc gia về phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi vào Chương trình này. Các chương trình, dự án đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt nhưng chưa được bố trí kinh phí hoặc chưa có kế hoạch triển khai trong giai đoạn 2026 - 2030 sẽ được thực hiện thống nhất trong Chương trình.
ĐBQH Nguyễn Thị Ngọc Ánh (Cần Thơ), ĐBQH Lò Thị Luyến (Điện Biên) nhất trí với phương án của Chính phủ để thống nhất quản lý các chương trình, dự án liên quan đến phát triển văn hóa. Có ý kiến lo ngại việc tích hợp như vậy sẽ ảnh hưởng đến tổng thể mục tiêu của các chương trình, nhưng theo đại biểu Lò Thị Luyến, trong quá trình thực hiện có sơ kết, tổng kết, qua đó nếu có vướng mắc thì sẽ điều chỉnh kịp thời.
Trên cơ sở Nghị quyết số 111/2024/QH15 của Quốc hội về một số cơ chế, chính sách đặc thù thực hiện các chương trình mục tiêu quốc gia, đại biểu Lò Thị Luyến mong muốn Chính phủ sẽ phân quyền cho địa phương phân bổ nguồn vốn. “Chính phủ chỉ cần quan tâm đánh giá sản phẩm đầu ra; còn lại tổng nguồn vốn đầu tư, nguồn vốn sự nghiệp thì giao cho địa phương chủ động”.
Đây cũng là ý kiến của đại biểu Nguyễn Thị Ngọc Ánh. Theo đó, để khắc phục khó khăn, lúng túng trong quá trình thực hiện, rút kinh nghiệm từ 3 chương trình mục tiêu quốc gia hiện hành, Chính phủ, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch nghiên cứu cơ chế Trung ương đặt ra mục tiêu và xây dựng cơ chế đánh giá; quá trình quản lý, điều hành, triển khai thực hiện chuyển về cho địa phương chủ động thực hiện.