Bữa ăn học đường: Nhà trường tự nấu hay chọn nhà cung cấp?

Trước thềm năm học mới, bên cạnh cơ sở vật chất, giáo viên, môi trường giáo dục, nhiều phụ huynh cũng rất quan tâm đến chất lượng bữa ăn học đường.

Lo lắng chất lượng suất ăn bán trú

Năm 2022, Bộ Giáo dục và Đào tạo đã ban hành Quyết định số 2195/QĐ-BGDĐT phê duyệt Hướng dẫn công tác tổ chức bữa ăn học đường kết hợp tăng cường hoạt động thể lực cho trẻ em, học sinh trong các cơ sở giáo dục mầm non và tiểu học; Quyết định số 4280/QĐ-BGDĐT phê duyệt Hướng dẫn công tác tổ chức bữa ăn học đường kết hợp tăng cường hoạt động thể lực cho học sinh Trung học Cơ sở.

Theo hướng dẫn này, thực đơn bữa ăn học đường cần bảo đảm đa dạng thực phẩm, nên đạt tối thiểu trên 10 loại thực phẩm khác nhau, có ít nhất 5 trong 8 nhóm thực phẩm theo khuyến cáo của Tổ chức Y tế Thế giới, trong đó nhóm chất béo là bắt buộc. Thực đơn phải mang tính khả thi, chế biến hợp lý, bảo đảm dinh dưỡng, an toàn thực phẩm, phù hợp theo quy định, điều kiện của từng cơ sở…

Sau quy định của Bộ GD-ĐT, theo đánh giá của nhiều phụ huynh, giáo viên, chất lượng bữa ăn tại trường học được cải thiện rõ rệt. Nhiều trường còn thành lập Tổ Giám sát an toàn thực phẩm, có Ban Đại diện cha mẹ học sinh tham gia; Ban Giám hiệu phân công lịch trực nhận thực phẩm cho các lớp, đến lớp nào trực thì đại diện Ban Phụ huynh lớp đó sẽ đến kiểm tra, giám sát. Có trường còn quản lý những người ra vào khu vực bếp, bảo đảm an toàn trong suốt quá trình chế biến.

Suất ăn của học sinh của Trường Tiểu học Thăng Long - Hà Nội
Suất ăn của học sinh của Trường Tiểu học Thăng Long - Hà Nội

Dù vậy trên thực tế, an toàn bữa ăn học đường vẫn luôn là nỗi lo lắng của phụ huynh khi vẫn còn những trường hợp ngộ độc hay suất ăn lèo tèo, không đảm bảo chất lượng. “Vẫn còn không ít vụ việc liên quan đến thực phẩm không đảm bảo chất lượng đã xảy ra tại các trường học trên cả nước. Điều này không chỉ ảnh hưởng đến sức khỏe của các con mà còn khiến chúng tôi hết sức lo lắng”- chị Trần Quỳnh Thương, phụ huynh sống tại quận Cầu Giấy, Hà Nội, chia sẻ.

Chị Nguyễn Phương Liên, một phụ huynh có hai con đang học tiểu học và mầm non tại quận Hoàng Mai, Hà Nội bày tỏ rất quan tâm đến chất lượng bữa ăn của các con tại trường học. “Việc ăn bán trú của các con tôi có sự khác nhau. Cháu mầm non thì nhà trường có nhân sự chuyên trách chế biến món ăn cho nên chúng tôi rất yên tâm” – chị Nguyễn Phương Liên nói.

Trước lo lắng này, bà Phạm Thị Lệ Hằng, Trưởng phòng GD-ĐT Hà Đông, cho hay nhiệm vụ bắt buộc của giáo dục mầm non là chăm sóc và nuôi dưỡng nên các trường mầm non được trang bị bếp ăn, ký hợp đồng với các cô nuôi… nên phụ huynh có thể yên tâm với các bữa ăn ấm nóng tại trường.

Trong hướng dẫn thực hiện nhiệm vụ năm học mới 2024-2025 đối với giáo dục mầm non, Thứ trưởng Bộ GD-ĐT Nguyễn Thị Kim Chi cũng nhấn mạnh các Sở GD-ĐT phối hợp với ngành y tế đảm bảo an toàn thực phẩm trong các cơ sở giáo dục mầm non, tuyệt đối không thực hiện hợp đồng dịch vụ cung cấp suất ăn cho trẻ tại các cơ sở giáo dục mầm non. Thay vào đó, bữa ăn phải được nấu ấm nóng tại trường, đảm bảo các điều kiện an toàn thực phẩm.

Nhà trường có nên nấu ăn?

Theo các chuyên gia, ở các quốc gia phát triển như Nhật Bản, Mỹ, chương trình bữa ăn học đường được quy định rõ ràng, cụ thể trong luật về tiêu chuẩn dinh dưỡng cho bữa ăn, điều kiện vệ sinh an toàn thực phẩm, cũng như các quy định về cơ sở vật chất, nhân lực đào tạo chuyên sâu để có thể thực hiện được bữa ăn học đường bảo đảm dinh dưỡng, khoa học và hợp lý trong trường học.

Bữa ăn học đường: Nhà trường tự nấu hay chọn nhà cung cấp? -0
Góc bếp nấu ăn của một Trường tiểu học trên địa bàn Hà Nội

Ở Việt Nam, việc luật hóa các vấn đề về sức khỏe học đường, dinh dưỡng học đường là giải pháp về lâu dài, nếu áp dụng ngay thì chưa thể phù hợp với điều kiện kinh tế, xã hội của Việt Nam. Tuy nhiên, trong bối cảnh hiện nay, để học sinh có bữa ăn học đường an toàn, lành mạnh, đủ dinh dưỡng rất cần sự phối hợp chặt chẽ giữa các ngành y tế, giáo dục từ Trung ương đến địa phương trong tất cả các hoạt động triển khai, giám sát, thanh tra và hỗ trợ chuyên môn cho các trường.

“Bữa ăn học đường không chỉ đảm bảo cho học sinh đủ sức khỏe học tập cả ngày ở trường mà còn có thể ảnh hưởng lâu dài tới học sinh đang ở tuổi ăn tuổi lớn. Năm học trước, chúng tôi phải thường xuyên phải tìm hiểu thông tin về bữa ăn bán trú của các con. Biết các con ăn ngon, sạch mới có thể thở phào nhẹ nhõm”- chị  Phan Quỳnh Mai, một phụ huynh sống tại quận Ba Đình, cho biết.

Theo quy định của Bộ GD-ĐT, các nhà trường có thể lựa chọn các hình thức hoạt động của bếp ăn trong trường học như: Bếp ăn do nhà trường trực tiếp quản lý, điều hành; Bếp ăn do đơn vị cung cấp dịch vụ nấu tại trường và cung cấp cho học sinh hay đặt suất ăn từ đơn vị cung cấp dịch vụ từ bên ngoài.

Mô hình nhà trường ký hợp đồng với đơn vị cung cấp suất ăn chuyên nghiệp được phần lớn các trường tiểu học và trung học cơ sở của Hà Nội thực hiện từ nhiều năm nay. Với mô hình này, nhà trường có thể yên tâm khi lựa chọn được đơn vị có năng lực, có chuyên môn về dinh dưỡng, kiểm soát chất lượng an toàn thực phẩm. Các phụ huynh được chủ động kiểm soát suất ăn hàng ngày cùng với nhà trường.

Trong khi đó, đơn vị cung cấp suất ăn chuyên nghiệp phải chịu trách nhiệm toàn bộ các khâu từ kiểm soát chất lượng nguồn gốc thực phẩm, kiểm soát nhân sự làm việc và chế biến tại bếp. Chịu trách nhiệm báo cáo các cơ quan chức năng về công tác phục vụ suất ăn bán trú.

Bữa ăn học đường: Nhà trường tự nấu hay chọn nhà cung cấp? -0
Hiệu trưởng là người chịu trách nhiệm chính về an toàn thực phẩm và dinh dưỡng suất ăn cho các con

Mô hình nhà trường mua thực phẩm, tự tổ chức nhân sự nấu tại trường chủ yếu được áp dụng đối với các trường mầm non. Chức năng chính của các trường mầm non chính là nuôi dạy nên nhà trường có nhân sự biên chế cô nuôi. Hiệu trưởng là người chịu trách nhiệm chính về an toàn thực phẩm và dinh dưỡng suất ăn cho các con, đơn vị cung cấp thực phẩm chỉ chịu trách nhiệm đối với chất lượng thực phẩm đã bàn giao cho nhà bếp.

Đánh giá về mô hình nấu ăn tại trường, chị Nguyễn Phương Liên, việc các trường mầm non tổ chức nấu ăn tại trường là khoa học, hợp lý, phụ huynh rất yên tâm do các cô được đào tạo bài bản. Tuy nhiên, nếu các trường tiểu học, trung học cơ sở cũng nấu ăn tại trường thì cũng đặt ra nhiều vấn đề cần quan tâm.

“Chức năng chính của các trường tiểu học và THCS là giảng dạy, giờ “ôm” thêm việc nấu ăn thì cả giáo viên và nhà trường đều mệt. Bộ GD-ĐT nói cần giảm tải cho giáo viên nên theo tôi nhà trường cứ tập trung vào việc chuyên môn, dạy và học thật tốt. Về bữa ăn bán trú, phương án tốt nhất nhà trường ký hợp đồng với nhà cung cấp suất ăn uy tín, chất lượng. Sau đó cả nhà trường và phụ huynh cùng tham gia giám sát quy trình ” – phụ huynh này nói.

Bà Phạm Thị Lệ Hằng, Trưởng phòng GD-ĐT Hà Đông thừa nhận thực tế ở cấp tiểu học, đa số các trường đóng trên địa bàn quận Hà Đông không đủ điều kiện nấu ăn cho học sinh.

“Cấp tiểu học không bắt buộc nấu ăn tại trường như mầm non, nên tùy theo điều kiện của từng trường có thể chọn các mô hình khác nhau. Tuy nhiên thực tế là đa số các cô không thể lo được việc nấu ăn cho học sinh, trong khi các trường không được định biên cán bộ làm công tác nấu ăn. Thậm chí có trường không có bếp ăn cũng là chuyện bình thường. Gần như các trường phải đi đi thuê các đơn vị nấu ăn phục vụ cho con em và cùng các phụ huynh giám sắt việc cung cấp suất ăn bán trú này” – bà Phạm Thị Lệ Hằng nói.

Hiệu trưởng một trường tiểu học đóng tại quận Hoàn Kiếm cũng cho hay  để tập trung vào công tác giảng dạy, từ nhiều năm qua trường đã cùng ban phụ huynh lựa chọn đơn vị cung cấp suất ăn chuyên nghiệp, uy tín. “Chúng tôi yên tâm với mô hình này. Nhờ đó các thầy cô giáo có thêm thời gian phục vụ công tác chuyên môn” – hiệu trưởng này cho biết. 

Giáo dục

Thầy và trò Trường THPT Chuyên Khoa học Xã hội và Nhân văn chung tay quyên góp, ủng hộ đồng bào khắc phục hậu quả bão số 3
Giáo dục

Thầy và trò Trường THPT Chuyên Khoa học Xã hội và Nhân văn chung tay quyên góp, ủng hộ đồng bào khắc phục hậu quả bão số 3

Ngày 16.9, Chi bộ, Ban Giám hiệu, Công đoàn, Đoàn TNCS Hồ Chí Minh Trường THPT Chuyên Khoa học Xã hội và Nhân văn (KHXH&NV), Đại học Quốc gia Hà Nội đã tổ chức phát động ủng hộ đồng bào các tỉnh, thành phố phía Bắc khắc phục hậu quả do cơn bão số 3 gây ra. 

Đồng Nai: Trường THPT Văn Lang tổ chức giảng dạy ở cơ sở chưa được cấp phép
Giáo dục

Đồng Nai: Trường THPT Văn Lang tổ chức giảng dạy ở cơ sở chưa được cấp phép

Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh Đồng Nai xác định, Trường THPT Văn Lang chưa chuyển đổi từ loại hình dân lập sang tư thục, thiếu nhiều phòng chuyên môn, tổ chức giảng dạy ở cơ sở chưa được cấp phép, trường không được giao chỉ tiêu tuyển sinh lớp 10 năm học 2024-2025 nhưng vẫn thu nhận hồ sơ là sai quy định.

Hai anh em tiểu học “đập lợn” ủng hộ 15 triệu đồng cho bạn mồ côi cha mẹ vì sạt lở đất
Giáo dục

Hai anh em tiểu học “đập lợn” ủng hộ 15 triệu đồng cho bạn mồ côi cha mẹ vì sạt lở đất

Thương cảm với hoàn cảnh em nhỏ trong vụ sạt lở đất ở Cuối Hạ - Kim Bôi (Hoà Bình) khi mất cả cha lẫn mẹ, hai anh em ruột Nguyễn Gia An - lớp 4A2 và Nguyễn Minh Tuấn - lớp 1A1, Trường Tiểu Học Trần Hưng Đạo, TP. Hoà Bình đã đập lợn tiết kiệm để góp tiền ủng hộ 15 triệu đồng.

Cao Bằng: 9 giáo viên, học sinh thiệt mạng do mưa lũ
Giáo dục

Cao Bằng: 9 giáo viên, học sinh thiệt mạng do mưa lũ

Giám đốc Sở GD-ĐT tỉnh Cao Bằng Nguyễn Ngọc Thư cho biết, sau đợt mưa lũ vừa qua, trên địa bàn tỉnh có 2 giáo viên và 7 học sinh thiệt mạng, 1 học sinh bị thương. Bên cạnh đó, 40 cơ sở giáo dục bị hư hỏng, ảnh hưởng do ngập nước, sạt lở.

Sẽ mở rộng di dời các cơ sở đại học tại Hà Nội và TP. Hồ Chí Minh
Giáo dục

Sẽ mở rộng di dời các cơ sở đại học tại Hà Nội và TP. Hồ Chí Minh

Quy hoạch mạng lưới cơ sở giáo dục đại học và sư phạm thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 được xây dựng theo quan điểm quy hoạch, sắp xếp, gắn với định hướng phát triển kinh tế - xã hội của từng vùng kinh tế, đáp ứng nhu cầu thị trường lao động và nhu cầu của người học. Riêng các thành phố lớn như Hà Nội, TP.HCM, quan điểm là "mở rộng, di dời" chứ không chỉ "di dời".