Đó là nhấn mạnh của Bộ trưởng GD-ĐT Nguyễn Kim Sơn tại cuộc họp Hội đồng thẩm định quy hoạch mạng lưới cơ sở giáo dục đại học và sư phạm thời kỳ 2021-2023, tầm nhìn đến năm 2050 ngày 13.9.
2 quy hoạch phát triển giáo dục
Tại phiên họp, Bộ trưởng Nguyễn Kim Sơn cho biết: Ngành Giáo dục có 2 quy hoạch đang được xây dựng là quy hoạch mạng lưới cơ sở giáo dục đại học và sư phạm và quy hoạch hệ thống trường chuyên biệt. Đây là 2 quy hoạch có ý nghĩa quan trọng, tác động lớn, sâu sắc và toàn diện, tái định hình, định hướng cho phát triển hệ thống giáo dục đại học và hệ thống giáo dục chuyên biệt.
Đối với quy hoạch mạng lưới cơ sở giáo dục đại học và sư phạm thời kỳ 2021-2023, tầm nhìn đến năm 2050, Bộ trưởng thông tin, thời gian qua, Ban soạn thảo đã thực hiện công phu, nghiêm túc, khoa học, thực tiễn, thận trọng và đã trình qua các bước. Đây không phải quy hoạch đầu tiên và ở từng thời điểm cụ thể quy hoạch mạng lưới là căn cứ phát triển hệ thống giáo dục đại học, góp phần thực hiện mục tiêu giáo dục đạt trình độ tiên tiến khu vực vào năm 2030, trình độ tiên tiến của thế giới vào năm 2045.
Nhấn mạnh xây dựng quy hoạch đã khó, thẩm định cũng khó, Bộ trưởng mong muốn thành viên Hội đồng thẩm định đánh giá khách quan, trao đổi chia sẻ ý kiến từ các góc nhìn khác nhau, hướng đến hoàn thiện để sớm trình Thủ tướng xem xét ban hành trong thời gian sớm nhất.
Trong đó, theo Bộ trưởng, mỗi quy hoạch có tính đặc thù riêng, việc xây dựng quy hoạch dựa trên sắp xếp không gian và chỉ số phát triển, tuy nhiên do đặc thù của giáo dục nên việc sắp xếp không gian chỉ là một trong những yếu tố, đặc biệt trong bối cảnh chuyển đổi số có nhiều thay đổi, do đó cần có góc nhìn ở thời kỳ chuyển đổi số để không cứng nhắc, dung hoà được các yếu tố.
Quy hoạch mạng lưới cơ sở giáo dục đại học và sư phạm thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 được xây dựng theo quan điểm quy hoạch, sắp xếp, nhấn mạnh gắn với định hướng phát triển kinh tế - xã hội của từng vùng kinh tế, đáp ứng nhu cầu thị trường lao động và nhu cầu của người học - ở đâu có việc làm và sẽ có nhiều việc làm, về lĩnh vực nào thì quy hoạch phát triển đại học, lĩnh vực đào tạo ở đó. Riêng các thành phố lớn như Hà Nội, TPHCM, quan điểm là "mở rộng, di dời" chứ không chỉ "di dời".
Quy hoạch phải có dự báo nhân lực
Tại phiên họp, các chuyên gia, nhà khoa học đã thảo luận, cho ý kiến một số vấn đề như: Quy mô, cơ cấu trình độ và lĩnh vực đào tạo, công tư; về định hướng phát triển đào tạo tiến sĩ gắn với các trường đại học định hướng nghiên cứu và tại các trung tâm về giáo dục đại học.
Các ý kiến cũng tập trung trao đổi một số mục tiêu cụ thể về cơ cấu và trình độ đào tạo, tỉ trọng các ngành đào tạo STEM; số lượng cơ sở giáo dục đại học, phân hiệu, cơ cấu công/tư, trung ương/địa phương, phương án sắp xếp cơ sở giáo dục đại học; quy hoạch phát triển các Đại học Quốc gia, Đại học Vùng…
Ghi nhận các ý kiến, Thứ trưởng Bộ GD-ĐT Hoàng Minh Sơn cho biết, sẽ chỉ đạo Ban soạn thảo tiếp tục hoàn thiện quy hoạch. Thứ trưởng nhấn mạnh, đây là quy hoạch khó, có tác động rộng. Do đó, nhiệm vụ xây dựng quy hoạch là đáp ứng yêu cầu quy định của luật, nghị định và yêu cầu thực tiễn.
Theo Thứ trưởng, làm quy hoạch phải có dự báo nhân lực. Tuy nhiên, biến động phát triển kinh tế - xã hội, khoa học và công nghệ rất lớn nên những lĩnh vực có thể dự báo được thì mới dự báo, nếu không có thể tác dụng ngược.
Bộ trưởng Nguyễn Kim Sơn cho biết, Ban soạn thảo nhận được đa chiều ý kiến góp ý; tuy nhiên các ý kiến đều thống nhất đánh giá quy hoạch được thực hiện công phu, khoa học, xuất phát từ các phân tích thực tiễn, có tính bao quát. Một số ý kiến lưu ý ban soạn thảo tính toán các giải pháp mang tính đột phá để thực hiện mục tiêu.