Phối hợp với Ban HĐND cấp dưới trong giám sát chuyên đề
Thực thi Luật Hoạt động giám sát của Quốc hội và HĐND, HĐND các cấp trên địa bàn tỉnh Đồng Nai đều ban hành Quy chế hoạt động toàn khóa, cụ thể các nội dung của Luật phù hợp với tình hình, yêu cầu nhiệm vụ thực tế của địa phương. Trong đó, đã mạnh dạn đề ra những quy định về trách nhiệm của HĐND cao hơn so với quy định trong Luật.
Điển hình, HĐND tỉnh Đồng Nai ban hành Nghị quyết số 26/NQ-HĐND ngày 31.8.2021 về chương trình hoạt động toàn khóa quy định HĐND tỉnh tổ chức giám sát chuyên đề mỗi năm ít nhất 1 nội dung. Nghị quyết số 24/NQ-HĐND ngày 30.7.2021 của HĐND tỉnh khóa X quy định: căn cứ vào chương trình công tác hàng năm của HĐND tỉnh, Tổ đại biểu HĐND tỉnh xây dựng chương trình hoạt động; kế hoạch khảo sát, giám sát việc thực hiện các văn bản của cơ quan nhà nước cấp trên, nghị quyết của HĐND cùng cấp trên địa bàn ít nhất một nội dung/năm, hoặc khảo sát, giám sát các nội dung khác do Thường trực HĐND tỉnh phân công…
Trong hoạt động xem xét báo cáo thuộc thẩm quyền của HĐND. Điều 59 quy định về trách nhiệm xem xét báo cáo của HĐND bao gồm các báo cáo thường kỳ 6 tháng, cả năm của HĐND, UBND, TAND, VKSND, cơ quan Thi hành án dân sự và các báo cáo mang tính chất chuyên đề; quy định này đã được HĐND 3 cấp tỉnh Đồng Nai chấp hành nghiêm túc. Riêng HĐND tỉnh, ngoài 5 báo cáo chuyên đề theo Luật, HĐND còn xem xét bổ sung 4 báo cáo chuyên đề khác như: tình hình thực hiện chính sách, pháp luật an toàn, vệ sinh lao động; kết quả thực hiện quyền trẻ em, giải quyết các vấn đề về trẻ em; công tác bảo vệ môi trường của năm và tổng quan về hiện trạng môi trường trên địa bàn tỉnh, báo cáo vào kỳ họp cuối năm của năm cuối nhiệm kỳ HĐND.
Đối với hoạt động giám sát chuyên đề của Ban HĐND các cấp, phương pháp giám sát được chú trọng đổi mới theo hướng: giám sát chuyên đề kết hợp với khảo sát để nắm bắt tình hình phục vụ cho giám sát. Ngoài chủ động xây dựng chương trình và tổ chức giám sát, các Ban còn phối hợp với Ban HĐND cấp dưới thông qua 2 hình thức: Ban HĐND cấp trên giám sát tại một số địa bàn, các địa bàn còn lại đề nghị Ban HĐND cấp dưới giám sát sau đó tổng hợp kết quả chung; Ban HĐND cấp dưới giám sát chuyên đề mời Ban HĐND cấp trên cùng tham gia để hỗ trợ, nâng cao chất lượng giám sát.
Đánh giá khách quan việc giải quyết kiến nghị của cử tri
Điểm nhấn nữa là hoạt động giám sát việc giải quyết kiến nghị của cử tri. HĐND 3 cấp đã giám sát 100% kết quả giải quyết các ý kiến, kiến nghị của cử tri, báo cáo kết quả giám sát tại các kỳ họp thường lệ và phân loại, đánh giá kết quả trả lời ở 3 mức độ: (1). Đã được các cơ quan giải quyết hoàn thành; (2). Đang được các cơ quan chức năng tiếp tục chỉ đạo giải quyết do cần có lộ trình để triển khai thực hiện (3). Những ý kiến, kiến nghị cơ quan trả lời cho rằng đã thực hiện theo quy định nhưng cử tri chưa đồng thuận và đề nghị cần rà soát, điều chỉnh cho kịp thời. Theo đó, những nội dung trả lời ở mức độ 2 và 3 sẽ được Thường trực HĐND chuyển UBND cùng cấp đề nghị tiếp tục giải quyết và HĐND tiếp tục giám sát, đôn đốc để có kết quả trả lời đến cử tri.
Về hình thức giám sát do Thường trực HĐND thực hiện sau khi có kết quả thẩm tra của các Ban HĐND. Riêng đối với cấp tỉnh, Thường trực HĐND giao các Ban HĐND giám sát theo lĩnh vực chuyên môn, Tổ đại biểu giám sát theo địa bàn ứng cử sau đó Văn phòng tổng hợp kết quả; đối với những nội dung còn ý kiến khác nhau, Thường trực HĐND có ý kiến sau cùng. Theo sự phân công này, các chủ thể xem xét, xây dựng kế hoạch giám sát và tổ chức các hoạt động giám sát theo hình thức phù hợp; đồng thời, báo cáo kết quả về Thường trực HĐND.
Trong trường hợp việc trả lời chưa thỏa đáng, rõ ràng, Thường trực HĐND tổ chức giám sát, tiếp tục đề nghị cơ quan có trách nhiệm trả lời cử tri, hoặc đề nghị đưa ra phiên giải trình hoặc chất vấn trực tiếp tại kỳ họp. Trong trường hợp ý kiến có nhiều bức xúc, Thường trực HĐND trực tiếp hoặc phân công cho các Ban của HĐND tổ chức Đoàn giám sát, khảo sát để trả lời với cử tri và kiến nghị cơ quan có thẩm quyền. Theo kinh nghiệm của HĐND tỉnh Đồng Nai, giám sát được tiến hành song trùng giúp cho việc đánh giá được toàn diện, khách quan và cũng là cách thức để tác động đối với việc nâng cao chất lượng giải quyết, trả lời ý kiến cử tri của cơ quan có trách nhiệm.