UBND tỉnh Bắc Ninh vừa có quyết định xử phạt vi phạm hành chính với Công ty TNHH sản xuất và thương mại Ngọc Minh Giang do ông Nguyễn Văn Tân, giám đốc là người đại diện theo pháp luật.
Doanh nghiệp này không có giấy phép môi trường theo quy định, vi phạm điểm điểm c, khoản 3, Điều 14 của Nghị định số 45/2022/NĐ-CP ngày 07/7/2022 của Chính phủ Quy định về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực bảo vệ môi trường.
Từ đó, UBND tỉnh Bắc Giang đã xử phạt doanh nghiệp 320 triệu đồng. Đồng thời, căn cứ quy định tại điểm a, khoản 5, Điều 14 của Nghị định số 45/2022/NĐ-CP ngày 07/7/2022: Đình chỉ hoạt động của nguồn phát sinh chất thải mà không có giấy phép môi trường của Công ty TNHH sản xuất và thương mại Ngọc Minh Giang trong thời gian 4,5 tháng.
Công ty TNHH sản xuất và thương mại Ngọc Minh Giang phải nghiêm chỉnh chấp hành Quyết định xử phạt này trong thời hạn 10 ngày kể từ ngày nhận được quyết định xử phạt. Nếu quá thời hạn mà Công ty TNHH sản xuất và thương mại Ngọc Minh Giang không tự nguyện chấp hành thì sẽ bị cưỡng chế thi hành theo quy định của pháp luật.
Liên quan đến tình trạng doanh nghiệp gây ô nhiễm môi trường khiến dư luận bức xúc tại tỉnh Bắc Ninh, mới đây nhất, Sở Nông nghiệp và phát triển nông thôn (NN&PTNT) tỉnh Bắc Ninh vừa có công văn do ông Đặng Công Hưởng - Phó giám đốc gửi Sở TN&MT, UBND các huyện, thành phố và Công ty TNHH MTV KTCTTL Bắc Đuống, Nam Đuống cho biết: Theo báo cáo của Chi cục Thủy lợi và các Công ty TNHH MTV Khai thác công trình thủy lợi Bắc Đuống, Nam Đuống hiện nay tại một số khu công nghiệp trên địa bàn tỉnh có 17 doanh nghiệp sản xuất kinh doanh không thực hiện ra hạn giấy phép và 1 doanh nghiệp chưa được cấp phép vẫn tiếp tục xả thải ra hệ thống công trình thủy lợi, không báo cáo quan trắc chất lượng nước xả thải định kỳ theo quy định gây ô nhiễm môi trường và ảnh hưởng đến chất lượng nước tưới cho cây trồng phục vụ sản xuất nông nghiệp.
Các doanh nghiệp sai phạm được Sở NN&PTNT nêu cụ thể gồm:
Tại TP Từ Sơn: Công ty Cổ phần và xuất nhập khẩu bao bì Thăng Long (điểm xả - Kênh tiêu 6) hết hạn giấy phép.
Tại huyện Tiên Du: Công ty Cổ phần tập đoàn C.E.O (điểm xả - Kênh tiêu Trịnh Xá) hết hạn giấy phép
Tại huyện Quế Võ: Công ty cổ phần VIEPAC và Công ty cổ phần tập đoàn DABACO (điểm xả - đều tại Kênh tiêu Kim Đôi 7) hết hạn giấy phép.
Tại huyện Yên Phong: Công ty đầu tư phát triển hạ tầng Viglacera - Chi nhánh Tổng công ty Viglacera (điểm xả - Kênh tiêu chính trạm bơm Vạn An - Đặng Xá) hết hạn giấy phép.
Tại huyện Thuận Thành: Công ty CP KCN Khai Sơn; Công ty CP dịch vụ kỹ thuật KVC (điểm xả - Kênh tiêu Sông Đông Côi - Đại Quảng Bình) và Công ty TNHH&Thương mại quốc tế Việt Sinh (điểm xả - Kênh G2) hết hạn giấy phép.
Trung tâm điều dưỡng thương binh Thuận Thành (điểm xả - Kênh G16); Công ty TNHH Phát triển nhà đất Shun - Par (điểm xả - Cống tiêu Ngọ Xá); Bệnh viện đa khoa Thuận Thành (điểm xả ra Kênh tiêu L6) và Công ty Thực phẩm Farina (điểm xả - Tại K1+500, bờ tả kênh tiêu S5 ra sông dâu) đều hết hạn giấy phép.
Tại huyện Gia Bình: Công ty CP TM và VLXD Phú Bình (Xã Quỳnh Phú); Bệnh viện Đa Khoa Gia Bình (điểm xả - Kênh tiêu N9); Công ty cổ phần xốp 76; Công ty CP Đông Bình (Thị trấn Gia Bình) (điểm xả - Hệ thống thoát nước Thị trấn ra kênh tiêu N9) đều hết hạn giấy phép.
Tại huyện Lương Tài: Công ty TNHH MTV DHA (điểm xả - Hồ thủy lợi Táo đôi Thôn Bùi TT Thứa) hết hạn giấy phép.
* Báo điện tử Đại biểu Nhân dân kính đề nghị Tỉnh uỷ - HĐND - UBND tỉnh Bắc Ninh chỉ đạo làm rõ, xử nghiêm những tổ chức, cá nhân sai phạm. Báo Đại biểu Nhân dân sẽ tiếp tục giám sát và thông tin kết quả thực thi pháp luật của các cơ quan liên quan đến bạn đọc và cử tri cả nước.