Giữ lửa nghề truyền thống
Từ sáng khi mặt trời chưa lọt qua khe núi đầu làng, người đàn ông trong gia đình ở xã Phúc Sen đã bắt đầu nhóm than cho lò rèn đỏ lửa. Một ngày mới, tiếng búa, tiếng đe, tiếng mài đã xô vào núi đá bùng binh rộn rã.
Lò rèn của gia đình ông Nông Văn Hùng ở xóm Pác Rằng, xã Phúc Sen, huyện Quảng Uyên. (Ảnh: Lương Xuân) |
Đến thăm gia đình anh Nông Văn Hùng, thôn Pác Rằng, xã Phúc Sen khi đứa con trai thứ của anh đang nhen lửa cho lò rèn. Qua lời kể trước đó của Tổ trưởng Tổ tiết kiệm và vay vốn Lương Văn Bạch, được biết, gia đình anh Hùng tiếp cận vốn tín dụng chính sách từ đầu năm 2016 qua chương trình hộ nghèo, có vốn anh Hùng dành 1 phần đầu tư mua máy rập cho nghề rèn và 1 phần đầu tư nuôi đàn lợn con. Trong xúc động, anh Hùng chia sẻ: “Khi đứa con trai cả bị bạo bệnh, cả nhà dồn lực vào chữa chạy cho con, lúc bệnh của con đỡ hơn thì cũng là lúc kinh tế gia đình trở nên khánh kiệt, nhờ đồng vốn ý nghĩa này, gia đình có điều kiện tiếp tục sản xuất, tạo thêm việc làm cho đứa con trai thứ hai đây, còn vợ có điều kiện chăn nuôi đàn lợn, do vậy nỗi vất vả của gia đình cũng đã đi qua.”
Cùng thôn với anh Hùng, gia đình chị Lương Thị Mân, cũng có điều kiện phát triển kinh tế, vượt qua khó khăn nhờ vốn vay ưu đãi. Chị Mân phấn khởi cho hay: Năm 2012 nhờ nguồn vốn vay 30 triệu đồng từ NHCSXH mà tôi có điều kiện đầu tư mua 1 trâu, 1 bò. Chịu khó làm ăn, nuôi trâu, nuôi bò, sau 1 thời gian khi bò đẻ ra bê bán đi, gia đình có thêm vốn đầu tư vào nuôi lợn. Hiện tại kinh tế của gia đình đã bớt khó khăn, cuộc sống ổn định hơn”.
Trao đổi với chúng tôi về ý nghĩa của vốn tín dụng chính sách trong công tác giảm nghèo của xã, Phó Chủ tịch UBND xã Phúc Sen Sạch Văn Long cho biết: “Phải khẳng định, tín dụng chính sách đã góp phần trong phát triển kinh tế của xã, đi khắp các bản làng, chòm xóm ở Phúc Sen có thể thấy rõ sự thay đổi, sự tiến bộ rõ rệt trong đời sống của bà con nhờ sự đầu tư của nguồn vốn tín dụng chính sách; con em được học hành đến nơi đến chốn; kinh tế mặt bằng chung toàn xã đồng đều không có sự chênh lệch giàu nghèo. Hiện dư nợ NHCSXH trên toàn xã là hơn 8 tỷ, với 11 Tổ tiết kiệm và vay vốn; tỷ lệ hộ nghèo tiêu chí cũ chỉ còn 6,7%. Để đạt được kết quả tích cực này bên cạnh việc nghiên cứu, xây dựng chương trình phát triển kinh tế - xã hội sát với đặc điểm, điều kiện của địa phương, cấp ủy, chính quyền xã còn chú trọng lãnh đạo phát huy tốt vai trò của cán bộ, đảng viên và các tổ chức, đoàn thể tham gia nhận ủy thác vốn vay và định hướng, giúp đỡ người dân lựa chọn phương án sử dụng đồng vốn ưu đãi có hiệu quả cao nhất. Điều quan trọng, tại nơi non cao đây, nguồn vốn tín dụng giúp các gia đình nghèo có điều kiện giải quyết việc làm cho các thành viên gia đình đến tuổi lao động, giúp thu nhập ổn định và bà con cảm nhận rõ sự quan tâm của Nhà nước qua các chương trình vay vốn chính sách”.
“Hiện tại nhu cầu vay vốn tín dụng chính sách để phát triển kinh tế đối với đồng bào nơi đây là rất lớn; có những chương trình tín dụng nhu cầu cao nhưng vốn còn hạn chế nên bà con chưa tiếp cận được” Phó chủ tịch xã kiến nghị.
Đa dạng sản phẩm trong nông nghiệp
Bên cạnh phát triển làng nghề, đồng bào nơi đây cần cù, chịu khó trong lao động phát triển kinh tế đa dạng, bà con xoay sở trên diện tích sản xuất hạn hẹp để làm sao đa dạng sản phẩm trong nông nghiệp: nuôi nhiều con; trồng nhiều cây, ngoài trồng 2 vụ ngô, lúa trồng cây sắn, khoai, đỗ, lạc, rau màu xen canh tăng năng xuất...
Được biết, khi bước vào năm thứ 3 giai đoạn (2011 - 2014) danh tiếng xã Phúc Sen (Quảng Uyên) - xã Anh hùng thời kỳ đổi mới xây dựng nông thôn mới vang khắp miền non cao vùng Tây Bắc.
Là xã anh hùng xây dựng nông thôn mới không phải có điều gì quá lớn lao, kỳ vĩ hay sự ưu đãi về đất đai màu mỡ, giàu tài nguyên... mà đó là vùng đất khó nghèo kiệt, chỉ có trí lực và bàn tay của bà con cần cù lao động “xoay đất trồng nhiều cây, nuôi nhiều con, làm nhiều nghề”, sử dụng đồng vốn tín dụng chính sách hiệu quả, sự đồng lòng tạo sức bật vững chắc trong xây dựng nông thôn mới tiến nhanh đến đích.
Giám đốc NHCSXH huyện Quảng Uyên cho biết: “Trong những năm qua, hoạt động của NHCSXH luôn bám sát các chỉ đạo và triển khai kịp thời các quyết định của Thủ tướng Chính phủ, Nghị quyết của Hội đồng quản trị NHCSXH Việt Nam, phối hợp với các tổ chức chính trị xã hội nhận ủy thác cho vay các chương trình tín dụng ưu đãi kịp thời, đúng đối tượng. Bên cạnh việc tích cực đẩy mạnh công tác tuyên truyền về chính sách vay vốn NHCSXH, huyện cũng tăng cường công tác kiểm tra, giám sát, bảo đảm nguồn vốn tín dụng ưu đãi đến đúng đối tượng và sử dụng vốn có hiệu quả trong phát triển kinh tế nông nghiệp, chăn nuôi. Đến hết tháng 8.2016, dư nợ trên toàn địa bàn huyện Quảng Uyên là trên 196 tỷ, đạt 99% kế hoạch được giao. Nợ quá hạn chỉ chiếm 0,12%/năm. Với 17/17 điểm giao dịch xã, thị trấn, các điểm giao dịch đã đi vào hoạt động có nề nếp và có hiệu quả giúp cho nhân dân thuận tiện trong việc tiếp cận nguồn vốn tín dụng chính sách”.
Nhà nhà chăn nuôi gia súc, gia cầm và rộn rã tiếng quai búa bên lò rèn đỏ lửa của làng nghề truyền thống mấy trăm năm. Từ bàn tay cần cù, chăm chỉ lao động của người Nùng, Tày tại Phúc Sen nói riêng và Quảng Uyên nói chung đã tạo dựng nên diện mạo nông thôn mới trù mật, sôi động như hôm nay.