Giao đất nhưng doanh nghiệp không thực hiện dự án
Báo cáo từ UBND huyện Tuy Đức, năm 2010 UBND tỉnh Đắk Nông thu hồi gần 35ha đất của Công ty TNHH MTV cao su Phú Riềng (Công ty cao su Phú Riềng) giao về cho UBND huyện Tuy Đức quản lý và bố trí để sử dụng làm Cụm công nghiệp - tiểu thủ công nghiệp Quảng Tâm. Có hai trường hợp được bồi thường, hỗ trợ với tổng số tiền hơn 323 triệu đồng.
Năm 2012, UBND tỉnh Đắk Nông tiến hành giao toàn bộ diện tích cho Công ty CP xuất nhập khẩu Đại Gia Thuận (Công ty Đại Gia Thuận) theo số Quyết định số 126/QĐ-UBND tỉnh Đắk Nông để làm dự án trên. Quá trình bàn giao thực địa, toàn bộ khu vực này chủ yếu là đất trống và một số diện tích rừng nghèo. Ranh giới của cụm công nghiệp được chính quyền địa phương xác định rõ ràng để bàn giao cho doanh nghiệp quản lý, sử dụng theo quy định.
Trong quá trình thực hiện dự án Công ty Đại Gia Thuận không chịu triển khai dự án, nên tháng 11.2019, UBND tỉnh Đắk Nông ban hành Quyết định số 1839/QĐ-UBND về việc thu hồi toàn bộ diện tích đất nêu trên; hủy bỏ giá trị pháp lý giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với giấy chứng nhận quyền sử dụng đất số BG 945222; giao UBND huyện Tuy Đức quản lý.
Theo UBND huyện Tuy Đức, qua rà soát có 53 trường hợp lấn chiếm hơn 32ha đất ở cụm công nghiệp và đã tiến hành cưỡng chế 3 đợt. Địa phương đã xử phạt vi phạm hành chính, buộc biện pháp khắc phục hậu quả. Trong đó, có một số hộ dân đã tự nguyện phá dỡ công trình.
“Việc người dân lấn chiếm, mua bán, chuyển nhượng đất trái phép tại Cụm công nghiệp - tiểu thủ công nghiệp Quảng Tâm là hành vi bị nghiêm cấm theo quy định của pháp luật về đất đai, tài sản hình thành gắn liền với diện tích đất lấn chiếm không phải là tài sản hợp pháp. Do đó, Chủ tịch UBND tỉnh Đắk Nông và Chủ tịch UBND huyện Tuy Đức ban hành các quyết định cưỡng chế buộc thực hiện biện pháp khắc phục hậu quả đối với các hộ dân chiếm đất tại cụm công nghiệp là đúng quy định của pháp luật, không xâm phạm quyền lợi hợp pháp của người dân”, trích báo cáo của UBND huyện Tuy Đức.
Cần xem xét thấu đáo các kiến nghị của người dân
Ghi nhận thực tế mới đây của phóng viên Báo Đại biểu Nhân dân, tại hiện trường khu đất quy hoạch Cụm công nghiệp - tiểu thủ công nghiệp Quảng Tâm, nhiều hộ dân đã tự nguyện tháo dỡ nhà cửa, còn một số chưa chịu và đang khiếu nại với lý do nhà nước đền bù chưa thỏa đáng.
Ông Trần Hùng Hiệp (trú thôn 5, xã Quảng Tâm, huyện Tuy Đức), hộ nằm trong diện bị cưỡng chế trình bày, năm 2001, ông nhận sang nhượng đất của người dân rồi tiến hành trồng bắp, mì, cây ăn trái.
Theo ông Hiệp, khu vực này được gọi là bãi tập kết gỗ ông Lộc. Sau đó người dân khai hoang và sử dụng. Ở khu vực này người dân cũng sang nhượng nhiều.
“Chúng tôi khai hoang từ những năm 2000, mãi đến năm 2019 UBND huyện Tuy Đức mới xử phạt vi phạm hành chính, cưỡng chế thì có thỏa đáng không? Chính quyền địa phương có thể giám định nền móng căn nhà, cây cối trong vườn do tôi trồng có từ thời gian nào? Tất cả tài sản trên đất là duy nhất, nơi ở duy nhất của gia đình”, ông Hiệp ý kiến.
Còn ông Phạm Văn Công (trú thôn 5, xã Quảng Tâm, huyện Tuy Đức) cũng cho biết, ông cùng gia đình đến sinh sống ở địa bàn xã Quảng Tâm theo diện di cư tự do rồi mua lại đất sang nhượng của người dân.
Ông Công nói, chấp hành các chủ trương chính sách của nhà nước, nếu việc thu hồi của UBND tỉnh vì mục đích phát triển kinh tế ông sẽ chấp hành, nhưng cần có chính sách đền bù thỏa đáng.
“Trước mắt, tôi mong muốn chính quyền địa phương cho phép tôi giữ lại vườn cà phê vì đang vào mùa thu hoạch. Đây cũng là mảnh đất duy nhất, là nguồn sống của gia đình tôi. Khi nào dự án triển khai, việc đền bù thỏa đáng thì chúng tôi chấp hành." ông Công bày tỏ.
Trao đổi với phóng viên Báo Đại biểu Nhân dân, phó chủ tịch UBND huyện Tuy Đức, Đắk Nông Trần Vĩnh Phú cho biết, huyện đã chốt phương án cưỡng chế 15 hộ dân lấn chiếm hơn 13ha đất trong Cụm công nghiệp - tiểu thủ công nghiệp Quảng Tâm.
Theo ông Phú đây là lần thứ 4, huyện thành lập đoàn cưỡng chế đối với những trường hợp lấn chiếm và sẽ được thực hiện từ ngày 10 - 13.12.2024. Thời gian qua, UBND huyện Tuy Đức đã nhận được đơn thư khiếu nại của người dân, trong đó có việc đề nghị tạm dừng cưỡng chế. Có trường hợp thì yêu cầu địa phương xác định lại nguồn gốc đất và các phương án hỗ trợ đối với tài sản trên đất.
“UBND huyện Tuy Đức đã làm việc, báo cáo hết cho các cơ quan ban ngành tỉnh, kể cả Ban tiếp công dân của Thanh tra Chính phủ. Đây là những trường hợp lấn chiếm trái phép không nằm trong diện được đền bù và đã được huyện lên phương án hỗ trợ theo quy định. Nếu người dân nhận thấy việc cưỡng chế, hay hỗ trợ của chính quyền không thỏa đáng thì có quyền khởi kiện ra tòa hành chính” ông Trần Vĩnh Phú nói.
Phó chủ tịch UBND huyện Tuy Đức thông tin thêm, thời gian qua địa phương đã thực hiện việc lập, thẩm định và phê duyệt phương án bồi thường, hỗ trợ giải phóng mặt bằng cho toàn bộ diện tích gần 35ha để làm dự án cụm công nghiệp.