Tin tốt đối với Trung Quốc và thế giới
"Nền kinh tế Trung Quốc đã đạt được mục tiêu quốc gia tăng trưởng đặt ra ở mức khoảng 5% và thực tế đã vượt mục tiêu đó. Đó là tin tốt cho Trung Quốc và cũng là tin tốt cho châu Á và thế giới vì Trung Quốc đóng góp 1/3 tăng trưởng toàn cầu", Giám đốc điều hành IMF Kristalina Georgieva nói với Tân Hoa Xã ở Davos bên lề cuộc họp thường niên lần thứ 54 của Diễn đàn Kinh tế Thế giới (WEF).
Trước đó, Cục Thống kê Quốc gia Trung Quốc công bố số liệu cho thấy tổng sản phẩm quốc nội (GDP) của nước này đã tăng 5,2% so với cùng kỳ năm ngoái lên mức cao mới 126,06 nghìn tỷ nhân dân tệ (khoảng 17,71 nghìn tỷ USD) vào năm ngoái.
Theo Cục Thống kê, các biện pháp bao gồm “thắt chặt quản lý vĩ mô, tăng cường mở rộng nhu cầu nội địa, tối ưu hóa cơ cấu, khôi phục niềm tin và ngăn ngừa, giảm thiểu rủi ro” đã giúp cải thiện đà phục hồi, cung và cầu của nước này.
Sản lượng công nghiệp, đo lường hoạt động trong các lĩnh vực sản xuất, khai thác mỏ và tiện ích của Trung Quốc tăng 4,6% trong năm 2023 so với cùng kỳ năm ngoái. Trong khi đó, doanh số bán lẻ hàng tiêu dùng tăng mạnh hơn, đạt mức 7,2%.
Đầu tư tài sản cố định - bao gồm chi tiêu cho trang thiết bị nhà máy, xây dựng và các dự án hạ tầng khác nhằm thúc đẩy tăng trưởng - cũng tăng 3% so với cùng kỳ năm ngoái trong năm 2023.
Ngoài ra, xuất khẩu - vốn là đòn bẩy tăng trưởng quan trọng - đã giảm lần đầu tiên vào năm ngoái kể từ năm 2016. Căng thẳng địa chính trị với Mỹ và nỗ lực của một số quốc gia phương Tây nhằm giảm sự phụ thuộc vào Trung Quốc hoặc đa dạng hóa chuỗi cung ứng cũng ảnh hưởng đến tăng trưởng.
Vào năm 2022, nền kinh tế lớn thứ hai thế giới chỉ tăng trưởng 3% do các quy định liên quan đến Covid-19. Sau khi dỡ bỏ các biện pháp vào cuối năm 2022, Bắc Kinh đặt mục tiêu tăng trưởng khoảng 5% cho năm ngoái.
Sau sự phục hồi ban đầu sau đại dịch, nền kinh tế đã bị "đè nặng" bởi cuộc khủng hoảng trên thị trường bất động sản cũng như tỷ lệ thất nghiệp kỷ lục ở thanh niên và tình trạng suy thoái toàn cầu.
Kang Yi – một thành viên của Cục thống kê cho biết trong một cuộc họp báo: “Nền kinh tế quốc gia chứng kiến đà phục hồi, tốc độ tăng trưởng cao được duy trì và các mục tiêu chính theo dự kiến đều đạt được kết qủa tốt”.
Nhận định về kết quả tích cực này, bà Georgieva lưu ý rằng chính phủ Trung Quốc đang tập trung chuyển sang tăng trưởng chất lượng cao và thay đổi mô hình tăng trưởng từ chủ yếu hướng vào xuất khẩu sang mô hình trong đó tiêu dùng nội địa đóng vai trò lớn hơn. Bà nói: “Chúng tôi là đối tác rất tốt với Trung Quốc”, đồng thời cho biết thêm rằng Trung Quốc có tiềm năng lớn để mang lại năng suất cao hơn và tạo ra lực lượng lao động năng suất hơn. Theo bà, “cải cách, mở cửa và hội nhập kinh tế thế giới” là con đường đúng đắn để Trung Quốc tiếp tục.
Cảnh giác với những thách thức ngắn và dài hạn
Tuy nhiên, bà cũng bày tỏ lo ngại về những thách thức cả trong ngắn hạn và dài hạn mà nền kinh tế số hai thế giới đang phải đối mặt. Bà cho rằng trong ngắn hạn, ngành bất động sản của Trung Quốc cần giải pháp để vượt qua khủng hoảng, và mức nợ cao của chính quyền các địa phương nước này cũng là một vấn đề lớn. Trong dài hạn, bà nhấn mạnh vấn đề thay đổi nhân khẩu học và “sự mất mát niềm tin”.
“Trung Quốc cần thực thi các cải cách mang tính cơ cấu để tiếp tục mở cửa nền kinh tế, cân bằng mô hình tăng trưởng theo hướng tăng tiêu dùng trong nước, đồng nghĩa gia tăng niềm tin trong dân để họ chi tiêu nhiều hơn thay vì tiết kiệm”, người đứng đầu IMF khuyến nghị. “Tất cả những biện pháp này sẽ giúp Trung Quốc ứng phó với nguy cơ mà chúng tôi cho là tốc độ tăng trưởng của kinh tế nước này sẽ sụt khá mạnh còn dưới 4% trong trường hợp không có cải cách”.
Trung Quốc đã chứng kiến tốc độ tăng trưởng kinh tế ì ạch trong năm 2023, dưới áp lực từ cuộc khủng hoảng bất động sản và tình trạng sụt giảm xuất khẩu. Giới đầu tư dự báo kinh tế Trung Quốc chỉ đạt tốc độ tăng trưởng khoảng 5% trong năm ngoái.
Tuy nhiên, vào tháng 11, IMF đã nâng dự báo tăng trưởng kinh tế Trung Quốc năm 2023 lên 5,4% sau khi Bắc Kinh có một số động thái chính sách kích cầu. Hồi tháng 10, Trung Quốc công bố kế hoạch phát hành 1 nghìn tỷ nhân dân tệ, tương đương gần 140 tỷ USD, trái phiếu chính phủ để huy động vốn cho các dự án đầu tư, đồng thời cam kết thực chi chính sách tài khoá tích cực, chủ động trong năm 2024. Những cam kết này khiến thị trường dấy lên hy vọng rằng chính sách tài khoá mở rộng của Trung Quốc sẽ gánh trọng trách phục hồi tăng trưởng.
Về năm 2024, IMF dự báo nền kinh tế Trung Quốc sẽ giảm tốc, chỉ đạt mức tăng 4,6%, đồng thời cảnh báo ngành địa ốc nước này sẽ còn chật vật.
Sự phục hồi kinh tế Trung Quốc hiện nay diễn ra rời rạc, không đều, dù một vài dữ liệu đã cho thấy sự khởi sắc. Chẳng hạn, các cuộc khảo sát khu vực kinh tế tư nhân cho thấy sự tăng trưởng nhanh hơn ở các nhà máy và khu vực dịch vụ trong tháng 12, nhưng các chỉ số chính thức về các khu vực này vẫn phản ánh tình tạng suy giảm. Trong bối cảnh như vậy, giới chuyên gia và nhà đầu tư kêu gọi Bắc Kinh tiếp tục kích cầu.
Số liệu công bố vào tuần trước cho thấy chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tháng 12 của Trung Quốc giảm tháng thứ ba liên tiếp so với cùng kỳ năm trước, với mức giảm 0,3%, đánh dấu chuỗi tháng giảm phát dài nhất ở nước này kể từ năm 2009. Cả năm 2023, CPI của Trung Quốc chỉ tăng 0,2%, thấp hơn nhiều so với mục tiêu chính thức là khoảng 3%.
Áp lực giảm phát là một bằng chứng rõ rệt về sự suy yếu của nhu cầu trong nền kinh tế, khiến các nhà hoạch định chính sách Trung Quốc lo ngại về nguy cơ hình thành kỳ vọng bám rễ sâu về một vòng xoáy đi xuống của giá cả.
Kết quả một cuộc khảo sát do WEF thực hiện, công bố ngày 15.1 cho thấy các chuyên gia kinh tế tin rằng nền kinh tế Trung Quốc năm 2024 cùng lắm chỉ tăng trưởng nhẹ. “Tiêu dùng yếu, sản lượng công nghiệp giảm và căng thẳng bất động sản tiếp tục đè nặng lên triển vọng phục hồi của kinh tế Trung Quốc trong năm 2024”, báo cáo có đoạn viết.
Không chỉ Chính phủ Trung Quốc cam kết nới lỏng tài khoá, Ngân hàng Trung ương Trung Quốc (PBOC) cũng hứa sẽ đẩy mạnh điều chỉnh chính sách tiền tệ để hỗ trợ nền kinh tế.
Giới đầu tư đã kỳ vọng PBOC hạ lãi suất vào hôm thứ Hai tuần này, nhưng các nhà hoạch định chính sách cuối cùng vẫn giữ nguyên lãi suất do lo ngại về biến động tỷ giá đồng nhân dân tệ và triển vọng còn bấp bênh xung quanh việc tới khi nào thì Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (FED) mới hạ lãi suất.
Tuy nhiên, cuộc khảo sát nói trên của WEF cũng cho thấy các nhà kinh tế học lạc quan hơn về triển vọng lạm phát ở Mỹ và châu Âu, với 2/3 số chuyên gia được khảo sát tin rằng giá cả tại hai nền kinh tế chỉ tăng với tốc độ “khiêm tốn” trong năm nay. Triển vọng này có thể củng cố khả năng lãi suất giảm ở Mỹ và châu Âu, giúp Trung Quốc có dư địa thoải mái hơn để giảm lãi suất nhằm kích cầu nền kinh tế trong nước mà không phải lo ngại nhiều về sự trượt giá của đồng nội tệ hay sự thoái lui của dòng vốn đầu tư.