Những kết quả đáng ghi nhận
Thời gian qua, thương mại điện tử ở Việt Nam đã có những bước phát triển đáng kể, ước tính tỉ lệ người dùng internet tham gia mua sắm trực tuyến nước ta chiếm trên 90%, trong khi tốc độ tăng trưởng của thương mại điện tử trong những năm gần đây luôn ở mức cao, trên 20%/năm. Để quản lý hoạt động kinh doanh trên nền tảng số, Quốc hội, Chính phủ đã ban hành nhiều văn bản quy phạm pháp luật. Cơ quan thuế các cấp đã sớm chủ động vào cuộc, phối hợp với các ngành liên quan chống thất thu thuế hoạt động kinh doanh này.
GS.TS. Hoàng Văn Cường, Phó Hiệu trưởng Trường Đại học Kinh tế Quốc dân đánh giá, phát triển của thương mại điện tử ở Việt Nam rất nhanh, kéo theo việc quản lý nói chung và trong đó có vấn đề liên quan đến quản lý thu thuế.
Hiện, Việt Nam đã đạt được một số kết quả đáng ghi nhận. Ngành thuế là ngành tiên phong và là ngành đầu tiên được đánh giá cao nhất trong việc tích cực chuyển đổi số của Việt Nam. Nhờ nền tảng chuyển đổi số trong quản lý thuế, khi những hoạt động giao dịch không còn là vật lý, cơ học bình thường nữa mà đã chuyển sang môi trường mạng thì công cụ quản lý thuế cũng phải thay đổi để thích nghi. Quá trình này được ngành thuế thực hiện khá nhanh và đó là nền tảng rất quan trọng.
Việt Nam cũng là 1 trong 4 nước đi đầu ở khu vực Đông Nam Á về việc quản lý thuế xuyên biên giới thông qua việc các nhà mạng phải kê khai thuế trên Cổng thông tin điện tử. Ngay trong lĩnh vực quản lý trong nước, có thể giai đoạn ban đầu xuất hiện những sản phẩm dịch vụ chưa biết nó là hàng hóa gì, ví dụ như kinh doanh thông qua nền tảng số như là Uber, Grab không phải là hàng hóa, không phải là kinh doanh, nhưng đến nay chúng ta có được đầy đủ các công cụ pháp lý để thực hiện thu thuế các hoạt động dịch vụ này.
Bên cạnh đó, việc tạo lập khuôn khổ pháp lý cũng được chú trọng. Chủ động để hình thành nên yếu tố như sửa đổi Luật Quản lý thuế tích hợp ngay những nội cung về quản lý thuế đối với thương mại điện tử, sau đó là quy định của pháp luật về thực thi của Chính phủ.
Tăng cường sự liên kết giữa các Bộ, ngành
Đối với đặc trưng nền kinh tế số và thương mại điện tử không chỉ ở Việt Nam mà cả thế giới, ngành thuế gặp không ít khó khăn. Theo Vụ trưởng Vụ Quản lý thuế doanh nghiệp nhỏ và vừa và hộ kinh doanh, cá nhân, Tổng Cục thuế Nguyễn Thị Lan Anh, đầu tiên là khó khăn trong quản lý đầy đủ nguồn thu và đối tượng nộp thuế. Người nộp thuế có thể bất kể là tổ chức hoặc cá nhân. Tiếp đến là khó trong việc tính thuế; khó phân biệt các loại thu nhập, thương mại điện tử có nhiều loại như phí dịch vụ, phí bản quyền…cần làm rõ để phân biệt tính làm cơ sở đánh thuế. Khó khăn tiếp theo là quản lý các đối tượng, vì có thể là một tổ chức hoặc cá nhân. Cuối cùng chính là việc quản lý dòng tiền, tại Việt Nam việc giao dịch tiền mặt vẫn phổ biến so với qua ngân hàng…
Tuy nhiên, thời điểm này chính sách thuế cũng đã có quy định với tổ chức, cá nhân khi hoạt động thương mại điện tử tự kê khai và nộp thuế theo quy định. Cơ quan thuế cũng có những cơ chế kiểm soát, trong trường hợp người nộp thế cố tình không kê khai thì sẽ có chế tài cụ thể. Nếu có dấu hiệu trốn thuế thì cơ quan thuế sẽ chuyển vụ việc sang cơ quan công an, các cơ quan pháp luật khác để xử lý. Các chính sách về thuế đã được hướng dẫn rất đầy đủ và khá hoàn chỉnh.
Thời gian tới, bà Lan Anh cho rằng cần có sự phối hợp các đơn vị liên quan, đặc biệt là để đồng nhất chính sách thuế cho hoạt động thương mại điện tử.
Để hỗ trợ ngành thuế nâng cao hiệu quả hoạt động rà soát, truy vết thông tin đối tượng nộp thuế, Đại diện Cục Phát thanh truyền hình- Thông tin điện tử, Bộ Thông tin và truyền thông Nguyễn Thị Thanh Huyền cho biết, Bộ đang xây dựng dự thảo Nghị định sửa đổi, bổ sung Nghị định 72/2013/NĐ-CP, bổ sung các quy định yêu cầu các nền tảng mạng xã hội trong nước và ngoài nước. Yêu cầu các tài khoản, các trang cộng đồng, các kênh cung cấp nội dung, thông tin liên hệ với Bộ hoặc qua các mạng xã hội trong nước để nắm bắt được các dữ liệu và cần thiết sẽ trao đổi với các cơ quan có liên quan để nắm bắt được các hoạt động của các đối tượng có hoạt động doanh thu. Quan trọng nhất vẫn là phải quản lý hoạt động của dòng tiền, bởi các giao dịch có thể một giao dịch hàng trăm nghìn đô nhưng cũng có giao dịch số tiền hạn chế. Để làm được điều này, các Bộ, ngành có liên quan cũng cần phối hợp để rà soát.
Theo GS.TS Hoàng Văn Cường, cách mạng 4.0 thay đổi liên tục, tạo nhiều hoạt động mới, cần thiết phải liên tục hoàn thiện, cập nhật khuôn khổ pháp luật. Phải đảm bảo khi thu thuế trên nền tảng số làm thế nào để thu đúng đối tượng, tránh tình trạng trốn thuế, mất bình đẳng, cạnh tranh. Quản lý thuế trong lĩnh vực thương mại điện tử không phải chuyện riêng của ngành tài chính mà còn là nhiệm vụ của các Bộ ngành liên quan. Trong đó, ngành công thương làm gì? ngành truyền thông làm gì? Vai trò của ngân hàng thế nào liên quan đến quản lý an ninh mạng nữa? Phải tập trung vào việc liên kết chặt chẽ giữa các Bộ, ngành.
Ngoài ra, cần chú trọng đến các giải pháp như chuyển đổi số đồng bộ để có cơ sở dữ liệu số để quản lý thông tin thuế. Cơ quan Thuế cần đẩy mạnh công nghệ tự động, ứng dụng thành tựu 4.0 vào quản lý. Bên cạnh đó, cần có cơ chế khuyến khích người nộp thuế tự giác. “Nếu thực hiện đồng bộ các vấn đề này, nâng cao trách nhiệm của các cơ quan quản lý thì việc thu thuế đối với thương mại điện tử hiệu quả hơn, thu đúng và đủ đối tượng”, ông Cường nhấn mạnh.