"Giấc mơ" tôn vinh văn hóa dân gian

Từ ngày 5 - 9.7, tại Trung tâm Giám định và Triển lãm tác phẩm mỹ thuật, nhiếp ảnh, Hà Nội, diễn ra triển lãm của họa sĩ Trương Đình Huy với chủ đề "Giấc mơ".

Trương Đình Huy sinh ra và lớn lên trong một gia đình có truyền thống về mỹ thuật ở Bắc Giang. Từ nhỏ, Huy đã được làm quen và sống cùng những làn điệu quan họ, theo chân bố là họa sĩ thiết kế mỹ thuật của Đoàn quan họ Hà Bắc rong ruổi tới nhiều làng quê.

Một tác phẩm của họa sĩ Trương Đình Huy
Một tác phẩm của họa sĩ Trương Đình Huy

Chất văn hóa dân gian ngấm vào con người nên sau khi tốt nghiệp Trường Đại học Mỹ thuật Hà Nội, Trương Đình Huy dành nhiều tâm huyết với mảng đề tài này. Họa sĩ vẽ tranh trên chất liệu lụa và sơn dầu với màu sắc lộng lẫy. Đặc biệt, với chất liệu lụa, họa sĩ ít rửa, sử dụng mảng màu đậm đặc, tạo hình trong tranh vuông vức, khác hẳn với lối vẽ truyền thống là mềm mại, nữ tính và dịu dàng.

Với triển lãm Giấc mơ, họa sĩ giới thiệu 47 tác phẩm trên ba chất liệu chính là giấy dó, bột màu, acrylic. Đây cũng là những chất liệu anh tập trung sử dụng những năm gần đây.

Cũng giống như lụa, khi vẽ trên giấy dó, anh không dùng độ loang trên chất liệu làm thế mạnh. Thay vào đó, anh sử dụng kỹ thuật khác để mang tới hiệu quả thị giác mới mẻ hơn về đề tài dân gian quen thuộc.

Đặc biệt, ở các tác phẩm này, công chúng sẽ thấy Trương Đình Huy chuyển sang vẽ sắc màu trầm mặc, huyền hoặc, thể hiện những mộng mị trên đường nét tạo hình và lớp màu hòa quyện chìm ẩn vào nhau. Theo họa sĩ, khi bước vào giấc mơ, con người sẽ được tự do bay lên khát vọng riêng từ tiềm thức sâu thẳm. Anh chọn tên triển lãm là vì vậy.

Theo nhà phê bình mỹ thuật Đỗ Hữu Bảng, nếu vẽ là sự thể hiện cảm xúc cá nhân đối với cuộc sống xung quanh, trong mỗi bức tranh của Trương Đình Huy thoát ra những thanh âm thì thầm, khao khát sâu lắng trước giai điệu cuộc sống muôn màu.

“Tôi cảm thấy mỗi bức tranh anh vẽ tựa như một làn điệu đồng dao, trẻ em thôn quê xưa kia thường vừa đi chơi nhởn nhơ, chạy nhảy chân sáo trên những triền đê, ngắm trời đất, cây cỏ, lá hoa, chim muông và mọi sinh hoạt của con người xung quanh, vừa nghêu ngao ca hát... Trong mỗi câu ca ấy bao hàm rất nhiều sự hoan hỷ, sân, giận, và có cả những thấp thỏm ưu tư”, nhà phê bình Đỗ Hữu Bảng nhận xét.

Văn hóa

Poster phim "Đào, phở và piano"
Văn hóa

Bài cuối: Lãng mạn nhưng kiên cường

26 năm sau "Hà Nội mùa đông 46", năm 2023, đạo diễn, NSƯT Phi Tiến Sơn thực hiện bộ phim "Đào, phở và piano" từ sự thôi thúc bên trong, từ những câu chuyện kể của thế hệ cha anh đi trước mà ông được lắng nghe, và từ chính những ký ức tuổi thơ của đạo diễn về Hà Nội.