Giá sữa Việt Nam cao nhất thế giới
PGS. TS Nguyễn Thị Lâm, Phó Viện trưởng Viện Dinh dưỡng quốc gia cho biết, sự chịu chi cho marketing và biết cách đánh vào tâm lý như: Uống sữa tăng chiều cao, thông minh, học giỏi hơn... nên các hãng sữa ngoại đã rất thành công. Trong khi đó nhiều nghiên cứu cho thấy, một số sản phẩm sữa ngoại chất lượng không hơn gì sữa tươi trong nước |
Đầu tháng 3, các mặt hàng sữa XO của Tập đoàn Namyang Hàn Quốc điều chỉnh giá tăng thêm 9%. Ngày 4.3, Hãng sữa Abbott cũng đồng loạt tăng giá 37 mặt hàng với mức tăng thêm 4%. Với tỷ lệ tăng giá này, các sản phẩm sữa hộp tăng thêm 5.000 - 30.000 đồng/hộp tùy trọng lượng. Các hãng khác ngấp nghé tăng theo như Friso Gold đã được điều chỉnh tăng từ 325.000 lên 340.000 đồng/hộp 900gr.
Trong khi giá nguyên liệu sữa trên thế giới đang giảm (giảm 40- 60% so với thời điểm cao nhất năm 2008), thuế nhập khẩu sữa giảm, thấp hơn mức cam kết vào Tổ chức Thương mại Thế giới (năm 2009 hạ thuế xuống mức 18%) nhưng giá sữa bán lẻ của Việt Nam hiện đang ở mức cao nhất thế giới, khoảng 1,4 USD/lít trong khi ở các nước âu, Mỹ chỉ 0,5 - 0,9 USD/lít, Trung Quốc chỉ 1,1 USD/lít. Như vậy, trong suốt 3 năm qua, từ năm 2007 đến nay, trong khi nguyên liệu sữa trên thế giới đang giảm nhưng giá sữa nhập ngoại tại thị trường Việt Nam vẫn tăng mạnh.
Một điểm đáng chú ý nữa là sự chênh lệch khá lớn, từ 2,5 – 3 lần, giữa giá sữa bột nhập ngoại và sản xuất trong nước với mức chất lượng tương đương. Với mức giá nguyên liệu nhập khẩu như hiện nay, 1 kg sữa bột về đến Việt Nam có giá 70.000 đồng. Sau khi đã bổ sung các chất vi lượng, khoáng chất và tất cả các chi phí khác, doanh nghiệp nội địa bán với giá 120.000 – 130.000 đồng/hộp 900 gram. Nhưng, các hãng sữa ngoại bán với giá “cắt cổ”: 350.000 - 400.000 đồng/hộp 900 gram.
Với mức trung bình mỗi lần doanh nghiệp thường nhập trên 300 tấn như hiện nay, khoản lợi nhuận họ thu được là hàng tỷ đồng. Cụ thể hơn, tính toán của Cố vấn trưởng dự án bò sữa Việt - Bỉ, ông Raf Somers, cho thấy, lợi nhuận của các doanh nghiệp kinh doanh sữa bột tại Việt Nam rất lớn, dao động từ 22% - 86%.
Điều đáng quan tâm là trong lúc doanh nghiệp lãi rất lớn, chủ yếu nhờ kinh doanh sữa nhập ngoại, thì đất nước có đến 80% dân làm nông nghiệp lại chỉ đáp ứng được 28% nhu cầu sữa. Thế nhưng, người nuôi bò sữa cũng chỉ thu lãi được rất ít. Theo tính toán của GS Nguyễn Lân Dũng, giá thành sản xuất là 2.000- 2.500 đồng/kg sữa tươi, giá bán cho người sản xuất là 7.000- 7.500 đồng/kg, nên họ chỉ lãi khoảng 2.000- 2.500 đồng/kg. Trong lúc đó, doanh nghiệp bán cho người tiêu dùng từ 16.000- 22.000 đồng/kg. Một điểm nữa cũng rất đáng quan tâm là Việt Nam thuộc 35 nước có tỷ lệ trẻ phát triển thấp nhất thế giới, nhưng do giá sữa cao như vậy, hầu hết nhân dân chưa đủ điều kiện dùng sữa. Hiện Hà Nội và TP Hồ Chí Minh chiếm 10% tỷ lệ dân số nhưng tiêu thụ đến 70% thị trường sữa.
Quảng cáo chất lượng mập mờ
Ông Hồ Tất Thắng, Phó chủ tịch Hội tiêu chuẩn, Bảo vệ Người tiêu dùng Việt Nam (Vinastas) cho biết: điều đáng quan tâm hiện nay là giá sữa tuy cao song chất lượng lại không đảm bảo. Kết quả khảo sát của Vinastas thực hiện tháng 9.2008 với 20 mẫu/20 loại sữa/15 cơ sở chế biến đã phát hiện 10/20 mẫu (chiếm 50%) không đạt tỷ lệ đạm như công bố; 6/20 mẫu chiếm 30% tỷ lệ đạm rất thấp (dưới 10%); 4/20 mẫu chiếm 20% tỷ lệ đạm cực thấp (dưới 2%) và một mẫu đạm 0,5% trên nhãn lại ghi 24%.
Chất lượng là thế, song hiện không có sự kiểm soát về quảng cáo sữa, nhất là quảng cáo sai sự thật về sữa cho trẻ em. Hiện sữa tươi trong nước chỉ đáp ứng khoảng 28% nhu cầu, còn lại là nhập khẩu sữa bột, song hầu hết các hãng đều quảng cáo 100% sữa tươi nguyên chất?
PGS TS Nguyễn Thị Lâm, Phó Viện trưởng Viện Dinh dưỡng quốc gia cho biết: Năm 2008, tại thị trường Việt Nam, các hãng sữa ngoại đã chi khoảng 90 triệu USD cho quảng cáo, tiếp thị, chi phí PR, hoa hồng... Sự chịu chi cho marketing và biết cách đánh vào tâm lý như: Uống sữa tăng chiều cao, thông minh, học giỏi hơn... nên các doanh nghiệp này đã rất thành công. Trong khi đó nhiều nghiên cứu cho thấy, một số sản phẩm sữa ngoại chất lượng không hơn gì sữa tươi trong nước. Chỉ có điều, rất ít người tiêu dùng biết điều này và sự thiệt thòi là tất cả các chi phí trên được các nhãn sữa ngoại đẩy ngược lại vào giá bán tới tay người tiêu dùng.