Mọi giới tính, độ tuổi đều có nguy cơ bị bạo lực, xâm hại
Theo ghi nhận thực tế tại tỉnh Bình Thuận, tình trạng trẻ em bị bạo lực, bóc lột xâm hại tình dục trong thời gian qua xảy ra dưới các hành vi ngày càng tinh vi.
Phó Giám đốc Sở Lao động, Thương binh và Xã hội tỉnh Bình Thuận Nguyễn Ngọc Thành cho biết, nửa đầu năm 2024, toàn tỉnh có 26 vụ - 35 đối tượng xâm hại trẻ em. Có thể nhận thấy, mọi trẻ trong cộng đồng đều có nguy cơ bị xâm hại, kể cả những trẻ sống trong gia đình nghèo hay gia đình khá giả; không những trẻ em gái mà trẻ em nam cũng có thể trở thành nạn nhân bị xâm hại.

Sau khi bị xâm hại, nạn nhân thường không hoặc không dám kể về những gì đã diễn ra với các em. Hầu hết những người xâm hại tình dục là nam giới và các trẻ bị xâm hại bởi người quen biết, như họ hàng, bạn của gia đình hoặc hàng xóm. Có những vụ xâm hại diễn ra trong một thời gian dài. Sau những lần bị xâm hại, điều tác động lớn nhất là các trẻ chịu những vết thương lớn về mặt tinh thần, khó có thể khỏa lấp.
Theo đại diện Công an tỉnh Bình Thuận, xâm hại tình dục trẻ em là tội phạm không mới, nhưng luôn là vấn đề "nóng", xâm hại tình dục trẻ em không đơn thuần là một loại tội phạm, mà đó là một tội ác. Gia đình đóng vai trò rất quan trọng trong công ngăn chặn bạo lực, xâm hại trẻ em.
Phụ huynh, người lớn là nơi gần gũi, quen thuộc với các trẻ nhất, cần tạo điều kiện tốt nhất để các em có một môi trường phát triển lành mạnh, có điều kiện trau dồi các kỹ năng sống, nhằm phản kháng tốt trước các nguy cơ tiềm ẩn về bạo lực, xâm hại. Theo đó, gia đình phải là "lá chắn" đầu tiên giúp con phân biệt được, đâu là hành vi xâm hại, những vùng nhạy cảm trên cơ thể mà không thể cho người khác chạm vào.
Phòng ngừa, hỗ trợ, can thiệp kịp thời
Ông Nguyễn Ngọc Thành thông tin thêm, đến nay, 100% trẻ em bị xâm hại trên địa bàn tỉnh được chăm sóc phục hồi sức khỏe, tinh thần và trợ giúp pháp lý kịp thời theo quy định. Nhằm trang bị kiến thức, kỹ năng tự bảo vệ bản thân cho trẻ em là học sinh tại các trường tiểu học và trung học cơ sở trên toàn tỉnh; Sở Lao động, Thương binh và Xã hội phối hợp cùng Công an tỉnh tổ chức nhiều lớp tập huấn kỹ năng phòng chống xâm hại, bạo lực.
Trong năm 2024, tỉnh Bình Thuận đã tổ chức 25 lớp tập huấn cho 4.100 học sinh về kỹ năng phòng, chống bạo lực xâm hại trẻ em; kỹ năng sử dụng internet an toàn; phòng, chống xâm hại trẻ em trên môi trường mạng và kỹ năng thực hành trong những tình huống khẩn cấp, có nguy cơ bị xâm hại. Cùng với đó, Sở triển khai các lớp tập huấn cho tất cả cán bộ làm công tác bảo vệ trẻ em cấp huyện, xã về quy trình can thiệp, hỗ trợ cho trẻ em bị xâm hại.
Để phối hợp hỗ trợ, can thiệp, xử lý đối với các trường hợp trẻ em bị bạo lực, xâm hại trên địa bàn tỉnh theo đúng trình tự, thủ tục và bảo đảm quyền, lợi ích tốt nhất cho trẻ em và quy định rõ trách nhiệm của các cơ quan, đơn vị; Sở Lao động, Thương binh và Xã hội đã tham mưu UBND tỉnh ban hành Quy chế phối hợp hỗ trợ, can thiệp, xử lý đối với các trường hợp trẻ em bị bạo lực, xâm hại và tham mưu UBND tỉnh trình HĐND tỉnh ban hành Nghị quyết Quy định chế độ hỗ trợ đột xuất cho trẻ em có hoàn cảnh khó khăn bị tai nạn rủi ro trong cuộc sống trên địa bàn tỉnh.
Thời gian tới, Sở Lao động, Thương binh và Xã hội sẽ triển khai nhiều kênh truyền thông để giáo dục cha, mẹ, người chăm sóc trẻ em và nâng cao kỹ năng, kiến thức cho chính bản thân trẻ em. Cùng với đó, cần sự phối hợp giữa nhà trường và gia đình để trang bị cho các em các kỹ năng thông báo, tố cáo và cùng giải quyết các vụ việc bạo lực, xâm hại tình dục trẻ em.
Đặc biệt, công tác tuyên truyền phải được đẩy mạnh cả chiều rộng lẫn chiều sâu và cần sự vào cuộc, phối hợp của tổ chức đoàn thể, địa phương trong việc thực hiện tốt công tác tiếp nhận, giải quyết tố giác, tin báo về tội phạm, kiến nghị khởi tố những thông tin liên quan đến tội phạm xâm hại trẻ em. Đồng thời, tăng cường công tác kiểm tra, hướng dẫn đến cấp xã để bảo đảm mọi trường hợp có trẻ em bị xâm hại hoặc có nguy cơ bị bạo lực, bóc lột, bỏ rơi và trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt đều được hỗ trợ, can thiệp kịp thời.