Hậu quả nặng nề với bản thân, gia đình và xã hội
Thông tin tại buổi Hội ý nghiệp vụ bàn giải pháp nâng cao hiệu quả công tác phòng ngừa, điều tra, xử lý tội phạm xâm phạm tình dục trẻ em các tỉnh, thành phố khu vực Đồng bằng Sông Cửu Long do Cục Cảnh sát hình sự Bộ Công an phối hợp với Công an tỉnh Hậu Giang tổ chức mới đây cho thấy, trong năm 2023 cơ quan chức năng đã phát hiện, tiếp nhận, giải quyết 596 vụ xâm phạm tình dục trẻ em, khởi tố điều tra 550 vụ, với 557 đối tượng và 559 nạn nhân tại khu vực Đồng bằng sông Cửu Long.
Trong đó, trên 80% số vụ xảy ra ở vùng nông thôn, sông nước; trên 60% nạn nhân thiếu sự quan tâm, chăm sóc, bảo vệ của gia đình; gần 20% đối tượng lợi dụng mạng xã hội để thực hiện hành vi phạm tội. Trong 6 tháng đầu năm 2024, khu vực ĐBSCL đã xảy ra 314 vụ, chiếm hơn 23% so với toàn quốc.
Xâm hại tình dục trẻ em là vấn nạn, không chỉ để lại hậu quả nặng nề với bản thân người bị hại mà còn ảnh hưởng đến gia đình và xã hội. Vì vậy, cần sự chung tay vào cuộc của cả gia đình, cộng đồng xã hội để tạo môi trường sống an toàn, lành mạnh cho trẻ em.
Để thực hiện được điều đó, trước hết, mỗi gia đình cần quan tâm quản lý, giáo dục con em về kỹ năng sống, ý thức tự bảo vệ mình trước hành vi xâm hại tình dục. Ở mỗi lứa tuổi cần có cách giáo dục phù hợp. Với bé gái, bé trai bước vào tuổi dậy thì, cha mẹ không nên e ngại chuyện giáo dục tâm, sinh lý mà chọn cách giáo dục một cách tế nhị, phù hợp để các con hiểu và biết cách phòng tránh. Với trẻ nhỏ, khi chơi đùa với con, căn dặn con không được để người lạ chạm vào, đặc biệt là những bộ phận nhạy cảm.
Xây dựng môi trường an toàn, thân thiện, lành mạnh
Có thể thấy, xâm hại tình dục trẻ em hiện vẫn là vấn nạn nhức nhối của toàn xã hội. Vì vậy, công tác đấu tranh, xử lý tội phạm liên quan đến hành vi xâm hại trẻ em, công tác chỉ đạo, xây dựng và thực hiện các giải pháp về phòng ngừa trẻ em bị xâm hại luôn đã và đang được đẩy mạnh nhằm chung tay đẩy lùi vấn nạn xâm hại trẻ em.
Phó trưởng Phòng Lao động - Thương binh và Xã hội thị xã Long Mỹ, tỉnh Hậu Giang Nguyễn Thị Út cho biết, để ngăn chặn và phòng, chống vấn nạn xâm hại trẻ em, thời gian qua phòng đã phối hợp với ngành công an và các ngành liên quan tăng cường công tác tuyên truyền về giới, hành vi xâm hại tình dục và kỹ năng ứng phó cho cha mẹ, người chăm sóc trẻ và cả trẻ em. Bên cạnh đó, tăng cường thông tin về Tổng đài điện thoại Quốc gia bảo vệ trẻ em 111, để mọi người có thể phản ánh, tố giác các hành vi xâm hại cũng như bạo hành trẻ em.
Phó Chủ tịch UBND xã Hỏa Tiến, thành phố Vị Thanh, tỉnh Hậu Giang Nguyễn Thanh Đoàn nhận định, công tác phòng, chống xâm hại trẻ em là trách nhiệm chung, hàng năm địa phương đều triển khai nhiều hoạt động cụ thể, thiết thực như đẩy mạnh công tác tuyên truyền; phối hợp tổ chức các hoạt động vui chơi, giải trí, quan tâm giúp đỡ trẻ có hoàn cảnh khó khăn. Thông qua các hoạt động góp phần nâng cao trách nhiệm của cộng đồng, xã hội trong công tác phòng, chống xâm hại trẻ em.
Theo đó, để thực hiện tốt công tác phòng, chống xâm hại tình dục, tạo môi trường sống an toàn, lành mạnh cho trẻ, trước hết cần đẩy mạnh công tác tuyên truyền cả chiều rộng lẫn chiều sâu. Chỉ khi mọi người nhận thức được xâm hại tình dục là một loại tội phạm đặc biệt phải lên án và bài trừ thì mới có hành động, cách cư xử đúng đắn.
Song song với đó, cần tăng cường tuyên truyền để cộng đồng có thể thông cảm với nạn nhân và gia đình bị hại. Các ngành, đơn vị tăng cường giáo dục kỹ năng sống, kỹ năng phòng ngừa các hành vi xâm hại cho các em.
Về phía các địa phương, tiếp tục triển khai hiệu quả mô hình ngôi nhà an toàn, trường học an toàn, cộng đồng an toàn, tạo điều kiện tốt nhất để trẻ em được thực hiện các quyền của mình, ngăn chặn và đẩy lùi các nguy cơ xâm hại trẻ em…
Xâm hại tình dục trẻ em nhiều năm nay vẫn luôn là vấn đề nóng, xâm hại tình dục trẻ em không đơn thuần là một loại tội phạm, mà còn một tội ác. Cộng đồng, xã hội cần kiên quyết phòng, chống xâm hại tình dục trẻ em, bắt đầu ngay từ mỗi cá nhân, gia đình, khu dân cư... để trẻ em đều được sống trong môi trường an toàn, thân thiện, lành mạnh và được phát triển toàn diện. Các cơ quan chức năng cần quyết tâm hơn nữa trong công tác phối hợp phòng ngừa, điều tra, xử lý tội phạm xâm phạm tình dục trẻ em.