Bệnh nhân có tiền sử khoẻ mạnh. Khi đang ăn tối với món cá (cá ngạnh) cùng bạn bè, người đàn ông xuất hiện hốt hoảng, cảm giác khó nuốt, nuốt vướng, nghi bị hóc xương. Bệnh nhân đã đi khám tại phòng khám Tai Mũi Họng gần nhà nhưng không giả quyết được tình trạng.
Sau đó, người bệnh đến cấp cứu tại Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương (cơ sở Đông Anh). Tại đây, bệnh nhân được chẩn đoán có dị vật trong hầu họng.
Sau khi thăm khám, ThS.BS Nguyễn Tất Thành và ê kíp trực của khoa Thăm dò chức năng thực hiện thủ thuật nội soi lấy dị vật cho người bệnh. Ê kíp đã thực hiện đưa đèn nội soi vào vùng hạ họng - thanh quản, sát gốc lưỡi. Hình ảnh cho thấy có mảnh xương cá găm sâu vào gốc lưỡi, niêm mạc xung quanh phù nề.
Sau 15 phút, các bác sĩ tiến hành gắp mảnh xương cá qua nội soi bằng dụng cụ chuyên dụng, lấy ra được 1 mảnh xương dài xấp xỉ 2,5 cm, một đầu nhọn.
ThS.BS Nguyễn Tất Thành cho biết, sau thủ thuật nội soi, mảnh dị vật là xương hóc được lấy ra an toàn, sau lấy dị vật không chảy máu. Bệnh nhân trở lại hoạt động bình thường.
Hóc dị vật đường tiêu hóa thường gặp ở thực quản, dạ dày. Nếu không được xử lý kịp thời, bệnh nhân sẽ gặp phải một số biến chứng như: tạo ổ áp xe, chảy máu, thủng…
"Ngày nay y học đã phát triển, các kỹ thuật nội soi đã được triển khai. Khi nghi có dị vật đường tiêu hóa , người bệnh nên đến cơ sở y tế để được gắp dị vật qua nội soi", bác sĩ Thành khuyến cáo.
Theo ThS.BS Nguyễn Tất Thành, gắp dị vật qua nội soi là phương pháp an toàn và hiệu quả. Người bệnh sẽ được khám lâm sàng, chụp X-quang để xác định dị vật. Sau đó, bác sĩ sẽ tiến hành gắp dị vật qua nội soi gây mê đường tiêu hóa đảm bảo an toàn, không đau.
Bác sĩ cũng khuyến cáo người dân tuyệt đối không nên chữa hóc dị vật bằng các mẹo dân gian, bởi dị vật nếu để lâu có thể gây thủng ruột, nhiễm trùng, áp xe và nguy hiểm đến tính mạng.