Theo đó, trường hợp bệnh nhân nam (53 tuổi, Lào Cai) cấp cứu tại bệnh viện trong tình trạng chảy máu mũi không cầm, mũi rỉ dịch nhầy hôi, nhiều giòi làm tổ bên trong, men gan tăng cao, có tiền sử uống rượu nhiều năm.
Tại bệnh viện, sau khi sơ cứu cầm máu, các bác sĩ thăm khám, nội soi phát hiện hốc mũi trái nhiều giòi làm tổ bên trong, mũi phải trong tình trạng niêm mạc teo đóng vẩy toàn bộ.
Các bác sĩ đã tiến hành nội soi gắp hơn 100 con giòi sống và vệ sinh hốc mũi cho bệnh nhân. Sau khi được xử lý gắp thành công ổ giòi, sức khỏe bệnh nhân đã ổn định và đang được tiếp tục theo dõi, điều trị.
Khai thác thông tin, người nhà bệnh nhân cho biết, khoảng hơn một năm trước đã phát hiện tình trạng bệnh nhân chảy nhiều dịch mũi bốc mùi hôi, khó chịu.
Gia đình đã vận động bệnh nhân đi khám và điều trị nhưng bệnh nhân không hợp tác để tình trạng nặng nề xảy ra khiến cho khoang mũi của bệnh nhân bị nhiễm trùng, tấy đỏ và có mùi hôi.
Nhiều khả năng nguyên nhân ban đầu do bệnh nhân bị viêm mũi xoang, sau đó bị trĩ mũi đóng vẩy. Các mô mũi bị ăn mòn, viêm loét nghiêm trọng. Bệnh nhân cũng bị khó thở và sưng tấy quanh vùng mũi và mặt.
Bác sĩ Chuyên khoa 1 Đỗ Đình Quy Nhơn, Phó Trưởng khoa Tai Mũi Họng, Bệnh viện Đa khoa Lào Cai cho biết, đây là trường hợp hiếm gặp do vấn đề vệ sinh không được chú ý, là điều kiện thuận lợi để ấu trùng phát triển thành giòi.
Đồng thời, giòi phát triển rất nhanh, trường hợp có giòi ở mũi thường gây kích ứng, tăng tiết dịch mũi nhiều, phù nề, cảm giác có dị vật trong mũi, đau mũi, chảy máu cam hoặc dịch mũi hôi kèm theo có thể gây sốt.
Bên cạnh đó, nếu không được xử lý kịp thời, ấu trùng có thể xâm nhập sâu hơn vào nhu mô não gây viêm màng não dẫn đến tử vong.