Lãi cả năm giảm “từ trăm xuống chục” tỷ đồng
Dữ liệu tài chính thể hiện, Công ty Cổ phần FECON (Mã chứng khoán: FCN) có doanh thu quý 4 năm 2022 đạt 838,5 tỷ đồng, giảm 34,2% so với quý 4 năm 2021.
Tuy nhiên, giá vốn hàng bán bám đuổi khá sát “ngốn” tới 776,3 tỷ đồng của FECON. Bởi vậy, lợi nhuận gộp từ hoạt động kinh doanh đạt 62,1 tỷ đồng, tương ứng với biên lợi nhuận gộp chỉ còn 7,4%(cùng kỳ năm 2021 đạt 10,6%) .
Đáng chú ý trong kỳ ghi nhận doanh thu hoạt động tài chính tăng đột biến, lên tới 123,4 tỷ đồng, chủ yếu đến từ khoản lãi bán khoản đầu tư, thoái vốn khỏi dự án điện mặt trời Vĩnh Hảo 6. Doanh thu hoạt động tài chính đã trở thành cứu cánh và giúp FECON thoát lỗ trong quý 4. Sau khi trừ đi chi phí phát sinh cùng các khoản thuế, lợi nhuận sau thuế thu nhập doanh nghiệp của FECON còn lại 49 tỷ đồng.
Mặc dù lợi nhuận quý 4 dương, thoát khỏi tình trạng lỗ của cùng kỳ năm 2021 nhưng khoản lãi quý 4 có được chủ yếu đến từ tiền thanh lý khoản đầu tư, ghi nhận trong doanh thu tài chính.
Cả năm 2022, FECON có mức doanh thu đạt 3.043 tỷ đồng, giảm 12,7 % so với năm 2021. Doanh thu hoạt động tài chính đạt 161 tỷ đồng, tăng 794 % so với năm 2021. Sau khi trừ đi các khoản chi phí, FCN báo lãi sau thuế ở mức 51 tỷ đồng.
Đáng chú ý, nhìn lại những năm gần đây, có thể thấy tình hình kinh doanh của FCN đang có tình trạng doanh thu đi ngang hoặc tăng trưởng nhẹ trong khi lợi nhuận liên tục suy giảm.
Cụ thể, giai đoạn 2019 đến 2022, doanh thu của FECON loanh quanh ở mức khoảng 3.000 tỷ đồng, mức doanh thu thuần của năm 2022 cũng chỉ đạt 3.043,5 tỷ đồng, kém cả doanh thu năm 2019.
Đối với lợi nhuận sau thuế của FECON, giá trị này liên tục trượt dài qua từng năm, giảm dần từ 211 tỷ đồng trong năm 2019 xuống chỉ còn 51 tỷ đồng trong năm 2022.
Về tình hình tài chính, tính đến hết năm 2022, FECON đang có khối tài sản 7.566 tỷ đồng, trong đó chủ yếu là tài sản ngắn hạn chiếm 5.055 tỷ đồng. Hết năm, FCN đang có các khoản phải thu ngắn hạn đạt gần 3.000 tỷ đồng, tuy nhiên chất lượng các khoản phải thu tích cực khi FECON chỉ phải dự phòng con số rất nhỏ là 3,8 tỷ đồng.
Trong cơ cấu nguồn vốn, nợ phải trả của FECON đang ở mức 4.102 tỷ đồng, giảm 464 tỷ đồng so với thời điểm đầu năm. Tuy nhiên, vay nợ tài chính ngắn hạn của FECON lại tăng lên 232 tỷ so với thời điểm đầu năm và hiện đang ở mức 1.563 tỷ đồng. Vốn chủ sở hữu của FECON đạt mức 3.463 tỷ đồng, tăng mạnh so với thời điểm đầu năm. FCN có 208 tỷ đồng lợi nhuận sau thuế chưa phân phối.
Báo cáo lưu chuyển tiền tệ cho thấy, lưu chuyển tiền thuần từ hoạt động kinh doanh của FECON đangâm 209 tỷ đồng, năm 2021 âm tới 110 tỷ đồng. Điều này cho thấy FECON đang đang gặp khó khăn về dòng tiền. Dòng tiền đầu tư của FECON đang âm 463 tỷ đồng, dòng tiền tài chính dương 531 tỷ đồng. Kết quả, lưu chuyển tiền thuần trong kỳ của FECON khi kết thúc năm 2022 đang âm 141 tỷ đồng.
Cuối kỳ, tiền và tương đương tiền của FECON đạt mức 170 tỷ đồng, giảm 46 % so với thời điểm kết thúc năm 2021.
Liên tiếp trúng thầu mới với tổng giá trị hàng trăm tỷ đồng
Mặc dù tình hình kinh doanh kém sắc trong những năm gần đây nhưng đầu năm 2023, FECON liên tiếp trúng nhiều gói thầu lớn.
Cụ thể, tháng 2.2023, FECON được giao gói thầu “cung cấp, thi công cọc đại trà và thí nghiệm cọc” tại dự án Nhà máy điện Nhơn Trạch 3&4 với tổng giá trị hợp đồng đạt 179 tỷ đồng. Trước đó ít ngày, doanh nghiệp này được nhận gói thầu “thi công tường vây phí nam nhà ga 11” trị giá 62 tỷ đồng thuộc dự án tuyến đường sắt đô thị (metro line 3) thí điểm của TP. Hà Nội.
Cùng trong tháng 2.2023, FECON ghi nhận thêm một hợp đồng mới trị giá 75 tỷ đồng tại dự án Nhà máy nhiệt điện Vũng Áng II (Hà Tĩnh). Với hợp đồng này, FECON sẽ đảm nhận thi công cọc kho than tại dự án này.
Trong mảng thi công hạ tầng, FECON tiếp tục trúng thầu gói “Thi công xây dựng đoạn tuyến Km91+800 – Km114+200” với giá trị 147 tỷ đồng, Dự án thành phần đoạn Hậu Giang – Cà Mau thuộc Dự án Xây dựng Công trình đường bộ cao tốc Bắc – Nam phía Đông giai đoạn 2021 – 2025. Như vậy, trong tháng 2 vừa qua, tổng giá trị cộng dồn các gói thầu đã trúng trong tháng 2.2023 của FECON là 463 tỷ đồng.
Ngoài ra, trong tháng 3.2023, với vai trò liên danh phụ, FECON đã trúng gói thầu thi công cọc công trình nhà ga hành khách do Tổng Công ty Cảng hàng không Việt Nam-CTCP mời thầu. Giá gói thầu là 497.165.190.839 VND, giá trúng thầu của FECON là 471.009.067.154 VND.
Mở rộng về hoạt động đấu thầu của FECON, một công ty con trong hệ sinh thái là Công ty cổ phần FECON South cũng tích cực tham gia hoạt động đấu thầu. Đáng chú ý, trong đó có một số gói thầu có tỷ lệ tiết kiệm “khiêm tốn”.
Cụ thể, 21.12.2021, cơ quan chức năng có quyết định lựa chọn nhà thầu Gói thầu SH2 -XL01: Thi công xây dựng đường ven kênh Tắt và hạng mục cầu Kênh Xáng thuộc Dự án đầu tư xây dựng công trình luồng cho tàu biển trọng tải lớn vào sông Hậu (Giai đoạn 2).
Nhà thầu trúng thầu là Liên danh Công ty Cổ phần xây dựng Trung Nam 18 E&C và Công ty Cổ phần FECON SOUTH. Giá trúng thầu (bao gồm thuế VAT, chi phí dự phòng) là 125.680.473.088 đồng. Sovới giá dự toán gói thầu là 125.881.823.695 VND, tiết kiệm được cho ngân sách nhà nước 201.350.607 đồng (tương tương tỷ lệ 0,16 %)
Ngày 22.11.2021, cơ quan chức năng có quyết định, lựa chọn nhà thầu gói thầu tư vấn thiết kế - mua sắm vật tư thiết bị - thi công xây dựng công trình Dự án xây dựng Trung tâm Hội nghị 30-4. Nhà thầu trúng là Công ty Cổ phần FECON SOUTH với vai trò liên danh phụ. Giá trúng thầu là 353.284.442.000 VNĐ. So với giá gói thầu đưa ra là 353.450.355.162 VND, giá trúng thầu tiết kiệm cho ngân sách nhà nước được 165.913.162 đồng (tương đương tỷ lệ 0,05 %)