Kiến nghị nhiều vấn đề trọng tâm
Tại các phiên chất vấn, thảo luận ở hội trường và ở tổ, các đại biểu Quốc hội tỉnh Thừa Thiên Huế đã hoạt động rất tích cực, chủ động trong việc nghiên cứu tài liệu các dự án luật, dự thảo nghị quyết trình Quốc hội tại Kỳ họp. Đồng thời khuyến khích các đại biểu trong Đoàn tham gia phát biểu tại các phiên thảo luận tổ, hội trường, nhưng do thời gian có hạn nên không phải tất cả ý kiến, đăng ký phát biểu của Đoàn tại nghị trường đều được thể hiện trực tiếp. Những nội dung này đều đã được Đoàn ĐBQH tỉnh Thừa Thiên Huế gửi đến Tổng Thư ký Quốc hội tổng hợp.
Đối với những vấn đề liên quan đến quyền và lợi ích chính đáng của người dân, những vấn đề khó còn nhiều ý kiến khác nhau, Đoàn ĐBQH tỉnh Thừa Thiên Huế tổ chức hội nghị lấy ý kiến của các cơ quan quản lý nhà nước, cơ quan chuyên môn, doanh nghiệp, luật sư, đối tượng chịu tác động và người dân.
Với dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi) - dự luật đang thu hút sự quan tâm, theo dõi của đông đảo cử tri và Nhân dân, để có được nhận thức chung, sâu sát hơn, Đoàn đã tổ chức lấy ý kiến qua nhiều kênh thông tin, cập nhật, tập hợp từ các sở, ngành, UBND các địa phương. Bên cạnh đó, Đoàn ĐBQH tỉnh cũng tổ chức lấy ý kiến tham gia vào dự án Luật Giá (sửa đổi) và dự án Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng (sửa đổi) trước Kỳ họp thứ Năm, Quốc hội khóa XV.
Góp ý vào dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi), Trưởng đoàn ĐBQH tỉnh Thừa Thiên Huế Lê Trường Lưu cho rằng, cần làm rõ việc sở hữu nhà chung cư vĩnh viễn hay có thời hạn; mâu thuẫn về giá khi muốn cải tạo chung cư.
ĐBQH Nguyễn Thị Sửu (Thừa Thiên Huế) cho rằng, trong dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi) có một số quy định chưa cụ thể, chưa đánh giá mức độ xuống cấp của các loại nhà ở tác động như thế nào tới các ngành, lĩnh vực khác. Đại biểu Nguyễn Thị Sửu cũng chỉ rõ, dự thảo Luật quy định Sở Tài nguyên Môi trường vừa có trách nhiệm tham mưu UBND tỉnh việc giao đất, cho thuê đất cho tổ chức, đồng thời tham mưu cho UBND tỉnh quyết định giá đất để tính tiền thuê đất, thu tính tiền thu tiền thuê đất sẽ dễ dẫn đến chủ quan. Vì thế, đại biểu đề nghị, nên giao trách nhiệm tham mưu cho UBND tỉnh về định giá đất cụ thể cho Sở Tài chính chủ trì, Sở Tài nguyên và Môi trường sẽ là cơ quan phối hợp.
Thẳng thắn, khách quan, có trọng điểm
Đối với dự thảo Luật Căn cước công dân (sửa đổi), ĐBQH Lê Hoài Trung (Thừa Thiên Huế) đề nghị, cần có báo cáo làm rõ số lượng người gốc Việt đang sống ở Việt Nam mà chưa xác định được quốc tịch để có đánh giá tác động một cách cụ thể. Đại biểu cũng đề nghị, cần nghiên cứu quy định trường hợp các đối tượng này nhập quốc tịch của quốc gia khác mà Nhà nước Việt Nam được biết, được thông báo và trường hợp không được biết, không được thông báo để có hướng xử lý. Trưởng đoàn ĐBQH tỉnh Thừa Thiên Huế Lê Trường Lưu đề nghị, cần xác định rõ thẻ căn cước mà đối với người Việt Nam là thẻ căn cước công dân, còn cấp cho người gốc Việt Nam là giấy chứng nhận căn cước. Khi xác định rõ như vậy thì tên luật vẫn có thể giữ là Luật Căn cước công dân.
Thảo luận về dự thảo Luật Các tổ chức tín dụng (sửa đổi), ĐBQH Nguyễn Hải Nam (Thừa Thiên Huế) cho rằng, vì tính chuyên ngành, tính quan trọng của dự luật này, Quốc hội cần nghiên cứu, xem xét kỹ lưỡng, thông qua theo quy trình 3 kỳ họp. Đại biểu cũng kiến nghị, cần tăng cường công khai, minh bạch, giảm tỷ lệ giới hạn sở hữu cổ phần, xem xét kỹ lưỡng hiệu quả tác động của quy định. Ngoài ra, cần rà soát, nghiên cứu kỹ để bảo đảm nhất quán, đồng bộ trong các quy định của dự thảo Luật.
Tại phiên chất vấn với lĩnh vực giao thông vận tải, ĐBQH Nguyễn Thanh Hải (Thừa Thiên Huế) thẳng thắn nêu rõ thực trạng tại 2 tuyến cao tốc là La Sơn - Túy Loan và Cam Lộ - La Sơn trên địa bàn tỉnh Thừa Thiên Huế hiện có 2 làn xe, gây lãng phí vốn đầu tư, khai thác không hiệu quả và mất thêm thời gian, thủ tục để nâng cấp. Cử tri tỉnh Thừa Thiên Huế rất quan tâm tới vấn đề này, bởi hiện nay quan điểm chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ là không khuyến khích đầu tư các tuyến cao tốc có quy mô 2 làn xe.
Tiếp tục chương trình đợt 2 của Kỳ họp thứ Năm (từ 19 - 24.6), Quốc hội sẽ xem xét, cho ý kiến, quyết định nhiều nội dung quan trọng, như thảo luận về dự án Luật Nhà ở (sửa đổi); biểu quyết thông qua Nghị quyết về phê chuẩn quyết toán ngân sách nhà nước năm 2021, dự án Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng (sửa đổi)… Với vai trò, trách nhiệm là cầu nối của cử tri và Nhân dân, Đoàn ĐBQH tỉnh Thừa Thiên Huế tiếp tục đóng góp những ý kiến trung thực, khách quan, đi thẳng vào những vấn đề được cử tri và Nhân dân quan tâm, góp phần vào kết quả chung của Kỳ họp.