Để có lô sen xuất khẩu sang thị trường Nhật Bản, tháng 7.2023, Trung tâm Dịch vụ nông nghiệp huyện Tháp Mười triển khai thí điểm mô hình trồng sen lấy củ, với diện tích 3ha ở xã Trường Xuân, huyện Tháp Mười. Bước đầu đã có những thành công nhất định, cung cấp nguồn nguyên liệu củ sen chất lượng cao đáp ứng được yêu cầu xuất khẩu.
Sau khi tìm hiểu thị trường Nhật Bản, Công ty Cổ phần Thực phẩm Sen Đại Việt (huyện Tháp Mười) đã giới thiệu củ sen với đối tác Nhật Bản và được đối tác tin cậy, chấp thuận nhập khẩu.
Chủ tịch UBND huyện Tháp Mười Đoàn Thanh Bình cho rằng, xuất khẩu lô hàng sen lần này ghi nhận sự nỗ lực rất lớn của chính quyền, doanh nghiệp và nhân dân tỉnh Đồng Tháp. Đây là niềm phấn khởi và tự hào của người dân trồng sen Đồng Tháp.
Tuy nhiên, theo ông Bình, để phát triển bền vững ngành hàng sen trong thời gian tới, ngoài sự hỗ trợ từ các Bộ, ngành Trung ương, cần sự ủng hộ, đồng thuận từ các sở, ngành, địa phương, doanh nghiệp, hợp tác xã, đặc biệt là các hộ nông dân trồng sen cần duy trì sản xuất sen đảm bảo chất lượng; liên kết bền vững với các doanh nghiệp xuất khẩu, để không chỉ có ngành sen và nhiều sản phẩm nông nghiệp khác cũng được xuất sang thị trường Nhật Bản.
Hiện trên địa bàn tỉnh Đồng Tháp có hơn 1.800ha đất trồng sen, sản lượng hơn 1.400 tấn/năm, tập trung tại các huyện Tháp Mười, huyện Cao Lãnh, Châu Thành, Tân Hồng,...
Có 38 doanh nghiệp đầu tư, chế biến ra 120 sản phẩm, trong đó 58 sản phẩm OCOP, nhiều sản phẩm có mặt tại các siêu thị lớn và xuất khẩu ở thị trường châu Á, tổng giá trịnh kinh tế mang lại trong năm 2023 hơn 19,2 tỷ đồng.