Doanh nghiệp bảo hiểm thôi chưa đủ!
- Ông có thể cho biết tình hình thiệt hại của khách hàng do ảnh hưởng của cơn bão số 3?
- 3 ngày sau khi bão số 3 xảy ra, Bảo hiểm Agribank đã thành lập 15 đoàn công tác tới 14 tỉnh thành bị cơn bão càn quét, trong đó tập trung vào các địa bàn bị ảnh hưởng nặng nề nhất như Quảng Ninh, Hải Phòng, Hưng Yên, Thái Bình... Tuy nhiên, tại thời điểm đó còn rất nhiều địa bàn bị cô lập như ở Phú Thọ, Sơn La, Lào Cai... không thể tiếp cận được hiện trường.
Chúng tôi cũng đã chỉ đạo toàn hệ thống bám nắm tình hình ở mức cao nhất có thể; luôn đặt mình vào vị trí sẵn sàng chiến đấu cao để hỗ trợ khách hàng kịp thời nhất có thể.
Thống kê sơ bộ, đến nay , Bảo hiểm Agribank đã nhận được thông tin về hơn 500 vụ tổn thất từ các doanh nghiệp, cá nhân. Ước số tiền bồi thường lên đến hàng trăm tỷ đồng.
- Vậy, công tác xác định thiệt hại, bồi thường, chi trả bảo hiểm của Bảo hiểm Agribank như thế nào, thưa ông?
- Theo Luật Kinh doanh bảo hiểm, có 3 phương thức bồi thường bao gồm: Thay mới tài sản – sửa chữa tài sản – bồi thường bằng tiền mặt.
Ban lãnh đạo Bảo hiểm Agribank đánh giá, hạn chế của 2 phương thức bồi thường (thay mới và sửa chữa tài sản) đó là, các doanh nghiệp bảo hiểm không thể chi trả bồi thường ngay cho khách hàng, thay vào đó phải chờ chứng từ sửa chữa/thay thế. Do đó, việc chi trả bồi thường có thể kéo dài 5 - 6 tháng sau khi tổn thất xảy ra. Chỉ đạo của Chính phủ, Bộ Tài chính và chỉ đạo của Agribank là Bảo hiểm Agribank phải linh hoạt, chủ động vận dụng các phương án để kịp thời chi trả bồi thường ngay cho khách hàng, để các khách hàng có nguồn lực tài chính khắc phục tổn thất và nhanh chóng đưa tài sản vào vận hành sản xuất, kinh doanh. Như vậy, 2 phương thức bồi thường (thay mới và sửa chữa tài sản), không còn đảm bảo tính kịp thời.
Vì vậy chúng tôi chỉ đạo các đơn vị tại địa phương phải vận dụng phương thức thứ 3, đó là trả tiền bồi thường, trên cơ sở biên bản giám định thiệt hại sơ bộ do các giám định viên của Bảo hiểm Agribank, các đoàn công tác và khách hàng cùng lập. Phương án này có ưu điểm là khách hàng có ngay khoản tiền mặt để khắc phục mà không phải tái vay ngân hàng để lấy tiền sửa chữa hay thay thế tài sản. Thay vào đó, khách hàng có thể ngay lập tức dùng nguồn tiền vay khôi phục sản xuất, kinh doanh và đời sống hàng ngày. Chúng tôi yêu cầu cán bộ địa bàn phải chủ động liên hệ với từng khách hàng mua bảo hiểm để nắm bắt thông tin tổn thất; linh hoạt sử dụng phương án bồi thường thiệt hại. Thậm chí, nhiều trường hợp bị ảnh hưởng không cần chờ chứng từ khắc phục thiệt hại mà trả tiền bồi thường ngay cho khách hàng.
Cần sự vào cuộc của tất cả các bên
- Cứu người là trên hết! Tuy nhiên, liệu sự “linh hoạt” nêu trên có cần một sự bảo đảm từ phía cơ quan chức năng?
- Theo tôi là rất cần thiết!
Để các doanh nghiệp chủ động, linh hoạt trong công tác bồi thường và kịp thời chi trả bồi thường cho khách hàng, cơ quan quản lý nhà nước, thanh tra, kiểm toán nhà nước nên chia sẻ với doanh nghiệp và người dân bị thiệt hại do bão; Đặc biệt, chia sẻ với doanh nghiệp bảo hiểm đối với việc linh hoạt các thủ tục tạm ứng/bồi thường thiệt hại một cách nhanh nhất theo chỉ thị của Chính phủ, Bộ Tài chính để giúp doanh nghiệp và người dân khắc phục hậu quả, khôi phục sản xuất kinh doanh, ổn định đời sống, sinh hoạt hàng ngày.
- Có một thực tế, khi thiên tai, lũ bão xảy ra, khu vực “Tam nông” thường bị tổn thương nặng nề nhất. Tuy nhiên bảo hiểm cho khu vực này thực sự chưa phát triển mạnh?
- Vâng, đây là một thực tế đáng lưu tâm.
Hiện nay, mới chỉ có gần 20% khách hàng vay vốn tại Agribank mua bảo hiểm, nhưng chỉ tham gia với 16% dư nợ, có nghĩa là cứ 100 đồng ngân hàng cho vay ra, chỉ 16 đồng được bảo hiểm. Như vậy, còn phần lớn doanh nghiệp và người dân chưa coi hợp đồng bảo hiểm là thực sự cần thiết để chia sẻ rủi ro khi có thiên tai thảm họa xảy ra.
Chúng tôi cũng thẳng thắn nhìn nhận, Bảo hiểm nông nghiệp hiện đang là thách thức rất lớn đối với Chính phủ, cũng như thị trường bảo hiểm Việt Nam. Đến nay, các sản phẩm bảo hiểm nông nghiệp ở thị trường Việt Nam chưa nhiều và chưa đi vào thực tiễn cuộc sống.
- Vậy theo ông, cần làm gì để phát triển, mở rộng các sản phẩm bảo hiểm nhằm tạo lá chắn bền vững cho khu vực Tam nông?
- Như tôi đã nói, bảo hiểm là giải pháp quản trị rủi ro một cách hiệu quả, là tấm lá chắn vững chắc khi thiên tai, hoạn nạn. Hiện, Quyết định số 13/2022/QĐ-TTg của Thủ tướng về thực hiện chính sách hỗ trợ bảo hiểm nông nghiệp đã cho phép dùng ngân sách hỗ trợ cho bà con nông dân đến 20% phí bảo hiểm. Vấn đề là Bộ Tài chính cần có hướng dẫn cụ thể về quy tắc bảo hiểm, quy trình bảo hiểm để triển khai.
Hiện Bảo hiểm Agribank không đi vào các chương trình lấy phí bảo hiểm từ ngân sách mà tiên phong triển khai các sản phẩm bảo hiểm thương mại cho khu vực Tam nông như Bảo an tín dụng. Bảo hiểm bảo an tín dụng là sản phẩm bảo hiểm tự nguyện, không bắt buộc, tuy nhiên khách hàng khi vay vốn được khuyến khích nên tham gia bảo hiểm vì lợi ích mà nó mang lại. Đặc biệt đối với những người vay vốn dài hạn, không may gặp rủi ro, gây ảnh hưởng đến sức khỏe và khả năng hoàn trả vốn vay, Bảo hiểm Agribank sẽ thay mặt người vay trả cho ngân hàng số tiền tương ứng số tiền khách hàng mua bảo hiểm và lãi vay phát sinh. Thực tế, nhiều khách hàng, nhờ tham gia Bảo an tín dụng, đã giảm được gánh nặng nợ nần cho người thân khi gặp rủi ro.
Một vấn đề nữa mà cũng cần phải quan tâm để bảo hiểm trong khu vực nông nghiệp - nông thôn và nông dân phát triển đó là tất cả các tổ chức được hưởng lợi trong khu vực này gồm ngân hàng, các doanh nghiệp cung ứng, doanh nghiệp sản xuất, xuất nhập khẩu, logicstic cần có trách nhiệm hỗ trợ chi phí bảo hiểm cho đầu vào của sản xuất từ khu vực nông nghiệp - nông thôn và nông dân. Ví dụ như doanh nghiệp sản xuất phân bón cung cấp cho bà con trồng ngô, trồng lúa mà để sản phẩm ngô, lúa đó được bảo hiểm thì có thể tính phí bảo hiểm vào trong giá phân bón… Trong một chuỗi liên kết đấy, mỗi mắt xích có một phần trách nhiệm, mỗi chủ quản có một trách nhiệm hỗ trợ thì khu vực nông nghiệp - nông dân và nông thôn sẽ được hỗ trợ bền vững.
Tuy nhiên, qua các sự cố thiên tai, doanh nghiệp và người dân cần nâng cao nhận thức về tầm quan trọng của bảo hiểm, coi việc mua bảo hiểm là một trong những biện pháp quản trị và đề phòng rủi ro trước thiên tai, dịch bệnh.
- Trân trọng cảm ơn ông!