Hạ chỉ tiêu tuyển dụng vẫn không đủ lao động
Mới đây nhất, tại phiên giao dịch việc làm trực tuyến kết nối 10 tỉnh phía Bắc, Bắc Giang là địa phương có nhu cầu tuyển dụng lớn nhất, với 17.338 chỉ tiêu; tiếp đến là Bắc Ninh 11.113 chỉ tiêu; Thái Bình, Ninh Bình, Hải Phòng hơn 2.000 chỉ tiêu. Tuy nhiên, kết quả các doanh nghiệp đạt được sau phiên giao dịch đều rất thấp so với mục tiêu.
Nhằm thu hút lao động, nhiều doanh nghiệp đã "nới" điều kiện tuyển dụng, hạ thấp tiêu chuẩn về độ tuổi, tay nghề, trình độ, đồng thời cải thiện điều kiện làm việc. Cụ thể, thay vì tuyển lao động từ 18 - 35 tuổi như trước đây, nhiều doanh nghiệp tuyển lao động từ 18 - 40 tuổi.
Đại diện Công ty TNHH Công nghệ Lens Việt Nam và Công ty TNHH Ce Link Việt Nam (Khu công nghiệp Quang Châu, Bắc Giang) cho biết, nhu cầu tuyển dụng rất lớn. Tiêu chuẩn công ty đưa ra là tuyển tất cả ứng viên đủ tuổi lao động, đủ sức khỏe làm việc. Để thu hút lao động, doanh nghiệp đưa ra các chính sách đãi ngộ hấp dẫn và ưu đãi như nâng phúc lợi, hỗ trợ chuyên cần, nuôi con nhỏ, hỗ trợ tiền thuê nhà, xăng xe… song, vẫn khó tuyển đủ người.
Với mức lương hấp dẫn từ 8 - 10 triệu đồng, riêng lao động khối kỹ thuật có thể lên tới 18 triệu đồng/tháng, song Công ty TNHH Hyosung Financial System Vina cho biết, để tuyển đủ 250 lao động đáp ứng nhu cầu sản xuất là không hề dễ.
"Sau Tết, người lao động vẫn có tâm lý nghỉ ngơi, thường phải sau 3 tháng đầu năm, người lao động mới có nhu cầu quay lại tìm việc, đây là thời điểm các công ty đẩy mạnh tuyển dụng và cũng là thời điểm khó khăn nhất trong việc tuyển dụng lao động" - chị Nguyễn Thị Chinh, nhân viên tuyển dụng của Công ty Hyosung Financial System Vina cho biết.
Tương tự, Công ty TNHH Công nghệ Laser IBE Việt Nam có nhu cầu tuyển khoảng 3.000 lao động, song, đây thực sự là một thách thức khi công ty mới chỉ tuyển được hơn 500 lao động. Mức lương cạnh tranh kèm tiền thưởng cùng rất nhiều chế độ đãi ngộ khác, công ty nhận phỏng vấn ngay trong ngày, song vẫn vắng bóng người nộp hồ sơ.
Lệch pha cung - cầu diễn ra trên toàn quốc
Theo Sở Lao động, Thương binh và Xã hội TP. Hồ Chí Minh, sau Tết các doanh nghiệp thường có nhu cầu tuyển dụng để bổ sung vào lực lượng lao động đã nghỉ việc hoặc tăng quy mô lao động, nhằm mở rộng hoạt động sản xuất kinh doanh. Tuy nhiên, việc tuyển dụng còn gặp một số khó khăn nhất định.
Theo kết quả khảo sát tại 300 doanh nghiệp đang hoạt động trên địa bàn TP. Hồ Chí Minh, tỷ lệ đơn vị gặp khó khăn chiếm gần 19%. Trong đó, khó khăn lớn nhất là lao động không đáp ứng được các yêu cầu của doanh nghiệp (chiếm gần 69%); tiền lương, tiền thưởng thấp (chiếm 21%). Bên cạnh đó là điều kiện làm việc (môi trường, an toàn lao động, chế độ quản lý...) và các lý do khác.
"Người lao động luôn quan tâm đến chế độ tiền lương, thời giờ làm việc, chế độ phúc lợi, đồng thời có nhiều sự lựa chọn để thay đổi môi trường làm việc. Một số lao động có sự dịch chuyển việc làm từ khu vực chính thức sang khu vực phi chính thức tạm thời, vì vậy, chưa quan tâm đến nhu cầu tuyển dụng của các doanh nghiệp" - Sở Lao động, Thương binh và Xã hội TP. Hồ Chí Minh nhìn nhận.
Để hỗ trợ doanh nghiệp và người lao động trong bối cảnh này, Sở đã chỉ đạo Trung tâm Dịch vụ việc làm thành phố tổ chức các hoạt động kết nối việc làm cho người lao động. Trong đó, triển khai mô hình thông tin, tư vấn giới thiệu việc làm ngay tại các bến xe, nhà ga vào thời điểm sau Tết cho người lao động từ các tỉnh đến thành phố tìm kiếm việc làm. Cùng với đó là các phiên, sàn giao dịch việc làm trực tiếp và trực tuyến, tạo điều kiện để doanh nghiệp và người lao động tìm hiểu, trao đổi và thỏa thuận trước khi quyết định vào làm việc.
Còn tại Đà Nẵng, từ đầu năm đến nay có 257 đơn vị, doanh nghiệp đăng ký tham gia tuyển dụng với 8.810 vị trí việc làm trống. Trong đó, khoảng 10 doanh nghiệp tuyển từ 200 lao động trở lên, thế nhưng số lượng lao động tham gia ứng tuyển ít hơn mọi năm rất nhiều. Đáng lo ngại là ở một số địa phương đang diễn ra xu hướng "tự thất nghiệp". Số lao động thất nghiệp lớn trong khi việc làm nhiều, doanh nghiệp vẫn "khát" lao động.
"Nhiều người lao động thất nghiệp nhưng thực ra là không thất nghiệp vì việc làm đang rất nhiều. Người lao động thường có xu hướng làm những công việc tự do, không muốn ràng buộc giờ giấc" - ông Nguyễn Thanh Diệp, Phó Giám đốc Trung tâm Dịch vụ việc làm TP. Đà Nẵng cho biết.
Ông Vũ Quang Thành, Phó Giám đốc Trung tâm Dịch vụ việc làm Hà Nội cho hay, có những doanh nghiệp có nhu cầu tuyển dụng rất lớn, có khi đến 500 lao động nhưng kết quả chỉ tuyển được 50 - 70 người. Doanh nghiệp rất khó tuyển lao động, đặc biệt là lao động phổ thông càng khó tuyển.
Về phía người lao động, mối quan tâm lớn nhất của họ là tổng thu nhập hàng tháng. Trong khi, với mức lương khoảng 8 triệu đồng/tháng mà doanh nghiệp đưa ra dành cho lao động phổ thông thì họ hoàn toàn có thể kiếm được một việc làm khác với mức thu nhập tương đương hoặc cao hơn. Vì thế, mà nhiều người lao động từ bỏ nhà máy để đi làm công việc chạy xe ôm hay giao hàng công nghệ, thu nhập không thấp, thậm chí nhiều hơn và đặc biệt mang tính tự do hơn, không gò bó như trong nhà máy.