Tín dụng chính sách tại Tây Ninh

Chuyển dịch sang cho vay giải quyết việc làm

- Thứ Tư, 24/07/2019, 07:59 - Bản đầy đủ
Từ 3 chương trình tín dụng chính sách ban đầu với tổng dư nợ là 68,7 tỷ đồng, đến nay Ngân hàng Chính sách Xã hội (NHCSXH) tỉnh Tây Ninh đang triển khai 12 chương trình tín dụng chính sách của Chính phủ và một số chương trình do UBND tỉnh và huyện, thành phố ủy thác với tổng dư nợ đạt 2.345 tỷ đồng; tăng gấp hơn 33 lần so với năm 2002. Đặc biệt, tín hiệu vui là nguồn vốn ưu đãi này đang có sự dịch chuyển tích cực, từ cho vay hộ nghèo là chính, sang cho vay giải quyết việc làm.

Cho vay hộ nghèo, cận nghèo giảm

Kết quả kiểm tra hoạt động tín dụng trên địa bàn xã Trí Bình, huyện Châu Thành của Đoàn công tác của NHCSXH Trung ương do Tổng giám đốc Dương Quyết Thắng dẫn đầu cho thấy, nguồn vốn ưu đãi đã giúp cho trên 1.000 lượt hộ nghèo và các đối tượng chính sách trên địa bàn xã được tiếp cận nguồn vốn; góp phần giúp cho 300 hộ thoát nghèo; giải quyết việc làm cho hơn 100 lao động; giúp cho hơn 500 học sinh, sinh viên có vốn để trang trải chi phí học tập; nâng cấp, sửa chữa, xây dựng mới trên 700 công trình cung cấp nước sạch và vệ sinh môi trường nông thôn. “Kết quả này đã góp phần giảm tỷ lệ hộ nghèo của xã xuống còn 2,02% với 41 hộ và hộ cận nghèo là 69 hộ, tỷ lệ 3,40%” - Chủ tịch UBND xã Trí Bình Phạm Văn Hồng cho biết.


Tổng Giám đốc Dương Quyết Thắng trao đổi với Tổ trưởng Tổ Tiết kiệm và vay vốn xã Trí Bình về quản lý, sử dụng vốn vay 
Ảnh: V. Hải

Tính đến nay, dư nợ tín dụng tại địa bàn xã Trí Bình đạt trên 17,7 tỷ đồng với 1.050 hộ vay còn dư nợ chiếm 51,8% số hộ dân trong xã. Dư nợ 3 chương trình vay hộ nghèo, hộ cận nghèo, hộ mới thoát nghèo có xu hướng giảm nhẹ so với năm trước. Nguồn vốn tín dụng chính sách đang chuyển dịch hỗ trợ các hộ dân tạo việc làm, nâng cao điều kiện sống và thu nhập góp phần thoát nghèo bền vững và xây dựng nông thôn mới. Trong đó, dư nợ cho vay nước sạch và vệ sinh môi trường nông thôn đạt 6,358 tỷ đồng với 659 hộ còn dư nợ; cho vay giải quyết việc làm đạt 1,5 tỷ đồng với 67 hộ vay và cho vay HSSV đạt 3,233 tỷ đồng.

Chia sẻ thêm về kết quả chung của hoạt động tín dụng chính sách trên toàn tỉnh, Phó Chủ tịch UBND tỉnh, Trưởng ban Đại diện HĐQT NHCSXH tỉnh Tây Ninh Dương Văn Thắng cho biết, hơn 16 năm qua, đã có gần 389 nghìn lượt hộ nghèo và các đối tượng chính sách được tiếp cận nguồn vốn; góp phần giúp cho gần 40 nghìn hộ vượt qua ngưỡng nghèo; giải quyết việc làm cho trên 40 nghìn lao động; giúp cho trên 58 nghìn học sinh sinh viên có vốn để trang trải chi phí học tập; gần 134 nghìn hộ được xây dựng công trình cung cấp nước sạch và vệ sinh môi trường nông thôn; trên 1,2 nghìn căn nhà ở cho hộ nghèo; trên 34 nghìn lượt hộ ở vùng khó khăn được vay vốn sản xuất kinh doanh. Tính đến cuối năm 2018, hộ nghèo, hộ cận nghèo theo chuẩn nghèo tiếp cận đa chiều chỉ còn 2,54%, trong đó hộ nghèo chiếm tỷ lệ 0,99%. Đặc biệt, hiện với hơn 108 nghìn khách hàng còn dư nợ, chiếm hơn 1/3 tổng số hộ dân toàn tỉnh cho thấy, nguồn vốn đã bao phủ tới tất cả các đối tượng được thụ hưởng.

Tín dụng chính sách - nhiệm vụ thường xuyên

 Tại buổi giao ban giữa NHCSXH với chính quyền, các tổ chức hội, đoàn thể của xã Trí Bình, Tổng Giám đốc NHCSXH Dương Quyết Thắng đồng ý bổ sung 3 tỷ đồng để cho vay chương trình Giải quyết việc làm và nước sạch và vệ sinh môi trường nông thôn theo đề nghị của lãnh đạo xã. Đồng thời, đề nghị xã Trí Bình tiếp tục kiểm tra, rà soát nhu cầu của người dân để NHCSXH xem xét, bố trí nguồn vốn kịp thời giúp bà con phát triển sản xuất kinh doanh, vươn lên thoát nghèo bền vững.

Theo Phó Chủ tịch UBND tỉnh, Trưởng ban Đại diện HĐQT NHCSXH tỉnh Tây Ninh Dương Văn Thắng, từ 3 chương trình tín dụng chính sách ban đầu với tổng dư nợ là 68,7 tỷ đồng, đến nay NHCSXH Tây Ninh đang triển khai 12 chương trình tín dụng chính sách của Chính phủ và một số chương trình do UBND tỉnh và huyện, thành phố ủy thác với tổng dư nợ đến nay đạt 2.345 tỷ đồng, tăng 2.276 tỷ đồng và gấp 33,13 lần so với năm 2002.

Đặc biệt, từ sau khi có Chỉ thị số 40-CT/TW ngày 22.11.2014 của Ban Bí thư về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với tín dụng chính sách xã hội, Ban đại diện HĐQT NHCSXH tỉnh Tây Ninh đã chủ động tham mưu cho Thường trực Tỉnh ủy ban hành Văn bản số 754-CT/TU ngày 22.12.2014 chỉ đạo HĐND, UBND tỉnh, Ban Thường vụ các huyện ủy, thành ủy trực thuộc, UBMTTQ và các sở, ngành, đoàn thể liên quan tổ chức quán triệt nội dung của Chỉ thị. Trong đó, xác định rõ nhiệm vụ lãnh đạo, chỉ đạo của cấp ủy, chính quyền, Ban đại diện HĐQT NHCSXH các cấp đối với hoạt động tín dụng chính sách xã hội là một nhiệm vụ thường xuyên, nhằm góp phần tích cực thực hiện có hiệu quả chương trình mục tiêu giảm nghèo bền vững và chương trình xây dựng nông thôn mới tại địa phương.

UBND tỉnh cũng đã phân công nhiệm vụ cụ thể cho thành viên Ban chỉ đạo. Hàng năm, UBND tỉnh và 8 huyện, thành phố đều cân đối và ủy thác một phần vốn từ ngân sách địa phương sang NHCSXH để cho vay. Đến hết tháng 6.2019, tổng số vốn ủy thác của toàn tỉnh đạt 173,1 tỷ đồng, trong đó ngân sách tỉnh 154,7 tỷ đồng, vốn ngân sách các huyện, thành phố là 18,4 tỷ đồng. Bên cạnh đó, NHCSXH tỉnh, huyện cũng nhận được sự hỗ trợ về phương tiện làm việc và bố trí đất để xây dựng trụ sở làm việc...

Khẳng định tầm quan trọng của tín dụng chính sách đối với công cuộc giảm nghèo của địa phương, Bí thư Tỉnh ủy Tây Ninh Phạm Viết Thanh cho biết, tín dụng chính sách là một trong những giải pháp quan trọng trong quá trình thực hiện mục tiêu giảm nghèo tại địa phương, góp phần tích cực khắc phục tình trạng thiếu vốn, thiếu việc làm, ngăn chặn, hạn chế tình trạng cho vay nặng lãi, bán sản phẩm khi chưa thu hoạch ở nông thôn; góp phần thu hẹp khoảng cách giàu nghèo, cải thiện điều kiện sinh hoạt, đi lại, học hành cho các tầng lớp nhân dân. Từ đây, người nghèo và vùng khó khăn cải thiện điều kiện kinh tế, hạn chế các tệ nạn xã hội, ổn định trật tự an toàn xã hội, củng cố lòng tin của nhân dân đối với Đảng và Nhà nước.

Tuy nhiên, để tăng tốc nhanh hơn công cuộc giảm nghèo, phát triển bền vững và xây dựng nông thôn mới Chủ tịch UBND tỉnh Tây Ninh Phạm Văn Tân đề nghị, NHCSXH quan tâm bổ sung nguồn vốn tín dụng chính sách cho tỉnh, nhất là nguồn vốn cho vay giải quyết việc làm để đáp ứng nhu cầu vay vốn của người dân trên địa bàn, mở rộng, đầu tư phát triển sản xuất kinh doanh, từng bước nâng cao thu nhập, ổn định cuộc sống thoát nghèo bền vững. Về phía UBND tỉnh sẽ chỉ đạo các cấp, các ngành tiếp tục phối hợp với NHCSXH để nâng cao chất lượng tín dụng chính sách trên địa bàn trong thời gian tới.

Việt Hải

Cơ quan chủ quản: Văn phòng Quốc hội

©2024. Bản quyền thuộc về Báo Đại biểu Nhân Dân.

Phiên bản AMP