Đây là thông tin được ông Phạm Tấn Công, Chủ tịch VCCI cho biết tại cuộc họp báo công bố các hoạt động kỷ niệm Ngày Doanh nhân Việt Nam (13.10). Theo ông Công, danh hiệu “Doanh nhân Việt Nam tiêu biểu” là hoạt động tôn vinh doanh nhân do VCCI tổ chức theo nhiệm vụ được Bộ Chính trị giao trong Nghị quyết 09-NQ/TW ngày 9.12.2011 và theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ.
Đến nay, chương trình đã qua 8 kỳ tổ chức, nhưng năm nay là năm đầu tiên có sự đổi mới toàn diện cả về nội dung, phương thức và tiêu chí bình xét, hướng đến mục tiêu thông qua vinh danh các tấm gương doanh nhân tiêu biểu để xây dựng cộng đồng doanh nhân Việt Nam vừa giỏi kinh doanh, vừa có đạo đức, văn hoá kinh doanh mẫu mực, có tinh thần dân tộc, phát triển bền vững. Đáng chú ý, đây cũng là năm đầu tiên, tiêu chí đạo đức doanh nhân, tuân thủ pháp luật và trách nhiệm xã hội trở thành yêu cầu hàng đầu trong việc xem xét, bình chọn.
Ông Phạm Tấn Công cho biết thêm, chương trình năm nay được đổi mới toàn diện như giảm về lượng, tăng về chất; thay đổi tiêu chí bình xét, bổ sung bộ tiêu chí về đạo đức doanh nhân dựa trên Bộ Quy tắc đạo đức doanh nhân do VCCI công bố ngày 19.5.2022. Quy trình bình xét chặt chẽ, trong đó tổ chức thẩm định thực tế tại doanh nghiệp với sự tham gia của chuyên gia tài chính, thực hiện đối chiếu hồ sơ với chứng từ, sổ sách gốc, phỏng vấn ứng viên về đạo đức kinh doanh, quản trị doanh nghiệp. Riêng về tiêu chí đạo đức doanh nhân, Hội đồng bình chọn đã có bộ câu hỏi để phỏng vấn trực tiếp và kê khai trong hồ sơ, có sự đối chiếu từ các bên liên quan như Cục Thuế, cơ quan BHXH và các hiệp hội…
Năm nay, có 211 ứng viên doanh nhân được các tỉnh, thành đề cử. Hội đồng bình xét đã tiến hành 2 vòng bình xét và lựa chọn được 60 doanh nhân tiêu biểu để trao tặng danh hiệu. Đáng chú ý, năm nay cũng là năm đầu tiên thực hiện vinh danh TOP 10 doanh nhân tiêu biểu nhất.
"Các doanh nhân tiêu biểu được tôn vinh năm nay là những gương mặt xuất sắc đại diện cho cộng đồng doanh nhân Việt Nam trong thời kỳ mới; là những doanh nhân có đức có tài, có năng lực quản lý, điều hành hoạt động sản xuất kinh doanh xuất sắc, thực hiện đầy đủ nghĩa vụ thuế, chăm lo tốt người lao động. Phần lớn doanh nhân trong TOP 10 doanh nhân tiêu biểu xuất sắc đang quản lý, điều hành các doanh nghiệp sản xuất, bao gồm cả doanh nghiệp tư nhân và doanh nghiệp nhà nước đầu ngành..."- ông Phạm Tấn Công thông tin.
Ngoài ra, theo ông Phạm Tấn Công, căn cứ đề nghị của Hội đồng bình xét, Ban Chỉ đạo quốc gia đã nhất trí tuyên dương 6 doanh nhân tiêu biểu đã có thành tích, đóng góp xuất sắc trong công tác phòng chống đại dịch Covid-19, trong đó có doanh nhân đã cùng doanh nghiệp của mình ủng hộ trị giá tới trên 1.200 tỷ đồng cho cuộc chiến chống Covid-19.