
Doanh nghiệp xã hội là một xu thế mới xuất hiện tại Việt Nam và đã có những bước phát triển mạnh mẽ trong vài năm trở lại đây. Cũng như các doanh nghiệp thông thường, DNXH tổ chức các hoạt động sản xuất tạo ra sản phẩm và cung cấp dịch vụ. Điểm khác, DNXH được hình thành với mục đích tối thượng là để giải quyết một hoặc nhiều vấn đề xã hội hoặc môi trường cụ thể thông qua mô hình kinh doanh bền vững, chứ không nhằm tối đa hóa lợi nhuận cho chủ sở hữu hoặc nhà đầu tư.
Ở nước ta hiện nay có gần 200 tổ chức được xem là có đầy đủ các đặc điểm của DNXH; bên cạnh đó có hàng chục ngàn tổ chức và doanh nghiệp có những đặc điểm của DNXH, tuy nhiên khái niệm DNXH vẫn còn rất mới mẻ ở Việt Nam. Các DNXH của Việt Nam đang gặp rất nhiều khó khăn từ vấn đề nhận thức về DNXH còn hạn chế, chưa được công nhận chính thức từ phía nhà nước, thiếu một địa vị pháp lý rõ ràng, hạn chế về nguồn lực, khả năng tiếp cận vốn… gây nhiều khó khăn cho sự phát triển và nhân rộng các mô hình thành công.
Báo cáo nghiên cứu nêu bật tiềm năng và vai trò quan trọng của mô hình DNXH trong việc giải quyết các vấn đề xã hội một cách bền vững, góp phần đạt được sự phát triển kinh tế ổn định trong một nền kinh tế đang phát triển mạnh như Việt Nam. Đồng thời chỉ ra cơ hội và tính cần thiết phải phát triển DNXH ở Việt Nam, xuất phát từ thực tiễn phải giải quyết các nhu cầu xã hội, môi trường ngày một gia tăng và những thay đổi trong bối cảnh Việt Nam đang trên ngưỡng cửa của một bước phát triển mới. Sự phát triển của DNXH như một hệ thống các sáng kiến, giải pháp mang lại giá trị xã hội, môi trường hiệu quả, bền vững cũng đang là một xu thế phát triển mạnh mẽ trên thế giới hiện nay.
Các ý kiến tại hội thảo đã thể hiện sự đồng thuận trong việc cần tăng cường hỗ trợ sự phát triển của mô hình DNXH bên cạnh các mô hình phát triển kinh tế và xã hội truyền thống. Đã đến lúc các cơ quan nhà nước cần coi các DNXH như những đối tác quan trọng trong việc hợp tác thực hiện các mục tiêu xã hội.