Chính sách giảm thuế đạt kết quả tích cực
Dịp nghỉ lễ 30.4 - 1.5 vừa qua, lượng khách du lịch nội địa cũng như quốc tế tăng mạnh, đâu đâu cũng “cháy” dịch vụ khiến ông Đặng Thanh Tùng, Giám đốc Công ty CP Du lịch Tân Thế Giới (New World Travel) khấp khởi kỳ vọng “sẽ sớm quay trở lại đà phát triển như trước đại dịch Covid-19, thậm chí còn hơn”.
Sự lạc quan của ông Tùng được tăng thêm bởi theo số liệu của Tổng cục Thống kê, 4 tháng đầu năm nay, khách quốc tế đến Việt Nam đạt 6,2 triệu lượt người, tăng 68,3% so với cùng kỳ năm trước và tăng 3,9% so với cùng kỳ năm 2019... Sắp tới là dịp cao điểm du lịch hè, lượng khách chắc chắn sẽ còn tăng. “Từ tháng 3, chúng tôi đã nhận ký hợp đồng tour cho các tháng 6 - 7.2024, tức là khách hàng đã ưu tiên đặt tour từ sớm để tránh cận ngày đẩy chi phí tăng như đã từng xảy ra. Với các đoàn khách của công ty, doanh nghiệp, bên cạnh chi phí thì yếu tố thuế khiến họ rất quan tâm. Khi đặt tour, họ sẽ nhìn ở mức thuế VAT là 10% hay 8%. Vì vậy, việc giảm 2% thuế VAT thực sự đã có đóng góp vào tăng lượng khách du lịch”, ông Tùng nhận định.
Theo báo cáo của Chính phủ trình Quốc hội mới đây, việc giảm thuế VAT 2% theo Nghị quyết số 101/2023/QH15 đã mang lại những kết quả tích cực. Chỉ trong 6 tháng cuối năm 2023, chính sách này đã hỗ trợ cho doanh nghiệp và người dân tổng cộng khoảng 23,4 nghìn tỷ đồng.Tính chung năm 2023, tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng tăng 9,6%.
Năm 2024, việc giảm thuế VAT 2% theo Nghị quyết số 110/2023/QH15 trong 3 tháng đầu năm đã hỗ trợ cho doanh nghiệp và người dân khoảng 11,488 nghìn tỷ đồng. Theo Tổng cục Thống kê, tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng tính chung quý I.2024 ước đạt 1.537,6 nghìn tỷ đồng, tăng 8,2% so với cùng kỳ năm trước, nếu loại trừ yếu tố giá tăng 5,1%...
Chính phủ nêu rõ, từ kết quả đạt được nêu trên, có thể đánh giá rằng, chính sách giảm thuế VAT 2% đã góp phần giúp giảm giá thành thông qua doanh nghiệp có hoạt động sản xuất kinh doanh hàng hóa, dịch vụ được giảm thuế VAT dẫn đến giảm giá bán của hàng hóa, dịch vụ cho người tiêu dùng, từ đó thúc đẩy sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp, tiêu dùng của người dân, góp phần tạo thêm việc làm cho người lao động và đạt được mục tiêu đề ra khi xây dựng chính sách giảm thuế VAT là kích cầu tiêu dùng, thúc đẩy sản xuất kinh doanh phát triển.
Mấu chốt phải bảo đảm việc làm và thu nhập
Mặc dù tình hình kinh tế - xã hội 3 tháng đầu năm nay có nhiều điểm tích cực, song Chính phủ cho rằng, sau thời gian dài chống chịu với dịch Covid-19, doanh nghiệp trong nước đang trong quá trình phục hồi nên hoạt động sản xuất kinh doanh vẫn gặp khó khăn; số doanh nghiệp rút lui khỏi thị trường là 73,9 nghìn doanh nghiệp, tăng 22,8% so với cùng kỳ năm trước. Các tổ chức quốc tế như Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF), Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB)… đều đồng loạt đưa ra nhận định lạc quan về triển vọng kinh tế Việt Nam năm 2024 ở mức 5,8 - 6%, song vẫn thấp hơn mục tiêu Quốc hội giao.
Nhìn nhận thời gian tới, thách thức nhiều hơn thời cơ, thuận lợi do tình hình thế giới, khu vực tiếp tục diễn biến nhanh, phức tạp và khó dự báo; sự phục hồi của các đối tác thương mại lớn còn chậm, rủi ro gián đoạn chuỗi cung ứng, chuỗi giá trị toàn cầu…; Chính phủ xác định, tổng cầu tiêu dùng trong nước được xem là một động lực quan trọng để thúc đẩy tăng trưởng kinh tế; do vậy, cần tiếp tục có giải pháp về chính sách tài chính để thúc đẩy tổng cầu này.
Trong đó, Chính phủ trình Quốc hội xem xét, cho phép tiếp tục thực hiện chính sách giảm 2% thuế suất thuế VAT đối với một số nhóm hàng hóa, dịch vụ đang áp dụng thuế suất thuế VAT 10% trong 6 tháng cuối năm 2024 (từ ngày 1.7 - 31.12.2024) và giao Chính phủ tổ chức thực hiện.
Theo ông Đặng Thanh Tùng, việc giảm thuế này chủ yếu tác động tới khách hàng và “chắc chắn sẽ kích thích nhu cầu mua sắm, đi du lịch của người dân”. “Trong bối cảnh khách hàng có xu hướng đặt tour từ sớm 3 - 5 tháng, thậm chí lâu hơn, khi giảm thuế VAT đến hết năm sẽ giúp cho các công ty du lịch như New World Travel chủ động lên phương án cho khách, và phía hành khách cũng sẽ biết mình được hưởng lợi ra sao khi được giảm thuế để quyết định tour phù hợp”, ông Tùng nói.
Đồng tình với việc cần phải thúc đẩy tổng cầu tiêu dùng trong nước, thông qua việc giảm thuế VAT 2%, ông Phạm Phú Trường, Phó Chủ tịch HĐQT Công ty Tư vấn hội nhập toàn cầu (GIBC) cho rằng, mấu chốt vẫn là phải bảo đảm việc làm và thu nhập của người dân được tăng lên. Muốn vậy, doanh nghiệp phải phát triển, thông qua việc phải tạo môi trường sản xuất, kinh doanh thuận lợi, thông thoáng hơn; doanh nghiệp được tiếp cận nguồn vốn cho hoạt động, trong đó có tháo gỡ vấn đề về trái phiếu doanh nghiệp; cân đối hài hòa giữa tỷ giá và lãi suất để doanh nghiệp ổn định hoạt động, mạnh dạn đầu tư, tăng trưởng xuất nhập khẩu... Đây là những giải pháp mang tính căn cơ, chiến lược, đòi hỏi cần phải quan tâm thực hiện xuyên suốt.
Dù khẳng định tiếp tục giảm thuế VAT 2% là rất cần thiết, song ông Đặng Thanh Tùng bổ sung, cần xem xét để tiếp tục áp dụng chính sách giảm tiền ký quỹ kinh doanh dịch vụ lữ hành đối với khách du lịch quốc tế đến Việt Nam và khách du lịch ra nước ngoài còn 100 triệu đồng, thay vì 500 triệu đồng, như đã từng áp dụng từ tháng 10.2021 - 12.2023. Bởi lẽ, sau đại dịch, rất nhiều doanh nghiệp còn khó khăn, dù du lịch đã dần phục hồi song vẫn chưa thể khôi phục hoàn toàn như trước dịch, nên việc yêu cầu từ 1.1.2024 doanh nghiệp phải quay trở lại thực hiện quy định ký quỹ 500 triệu đồng là một thách thức rất lớn. “Chúng tôi mong chính sách giảm tiền ký quỹ này được áp dụng đến hết năm nay để hỗ trợ doanh nghiệp”, ông Tùng nói.