Báo cáo với Đoàn khảo sát, đại diện UBND TP. Hồ Chí Minh cho biết, tính đến tháng 3.2023, trên địa bàn thành phố có hơn 10 triệu nhân khẩu. Hiện nay, Bộ Công an đã chia sẻ dữ liệu dân cư cho Bộ phận một cửa tại các đơn vị, sở, ngành, UBND cấp huyện, xã. Đối với các dữ liệu chuyên ngành khác như: y tế, tư pháp, giáo dục, thuế… hiện đang được các đơn vị tái cấu trúc làm sạch dữ liệu để phục vụ kết nối, chia sẻ với Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư. Riêng dữ liệu về Hộ tịch, Thành phố đã phối hợp với Bộ Công an, Cục Hộ tịch của Bộ Tư pháp để kết nối chia sẻ với Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư.
Hiện nay dữ liệu thông tin của công dân trên hệ thống Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư đã đáp ứng cơ bản các thông tin của công dân, tuy nhiên do việc kết nối từ các dữ liệu chuyên ngành khác với Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư chưa thực hiện đồng bộ nên việc khai thác, chia sẻ chưa thực sự mang lại hiệu quả cao nhất. UBND TP. Hồ Chí Minh kiến nghị các Bộ, ngành khẩn trương hoàn thiện các quy định, đặc biệt là việc làm sạch dữ liệu để phục vụ kết nối, chia sẻ, khai thác với Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư.
Góp ý đối với dự thảo Luật Căn cước công dân (sửa đổi), UBND TP. Hồ Chí Minh đề nghị tại Chương IV “Căn cước công dân điện tử”, cơ quan soạn thảo cần nghiên cứu bổ sung thêm quy định rõ phần mềm VNeID do cơ quan nào quản lý và trách nhiệm của cơ quan tích hợp thông tin của công dân vào Căn cước công dân gắn chíp điện tử vì thực tế thời gian qua có nhiều trường hợp công dân được cấp tài khoản định danh điện tử (mức độ 2) nhưng chưa được tích hợp các thông tin giấy tờ vào phần mềm này. Đề nghị xác định rõ quy trình xử lý đối với trường hợp thẻ Căn cước công dân bị thu hồi, tạm giữ đối với Căn cước công dân gắn chíp điện tử.
Liên quan đến Dự án Luật Lực lượng tham gia bảo vệ an ninh, trật tự ở cơ sở, đại diện UBND TP. Hồ Chí Minh cho biết, Công an Thành phố là đơn vị chủ công đã triển khai thực hiện các văn bản của Đảng, Nhà nước, Bộ Công an, UBND Thành phố về công tác xây dựng phong trào toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc.
Hiện công tác đảm bảo an ninh, trật tự tại địa bàn cơ sở còn gặp một số khó khăn, vướng mắc như: lực lượng Bảo vệ dân phố thường xuyên biến động và thiếu biên chế so với định biên, độ tuổi trung bình của lực lượng này còn cao, chưa thu hút được số lao động trẻ tham gia từ đó làm giảm hiệu quả các mặt công tác chung, nhất là công tác tuần tra, kiểm soát, phòng ngừa tội phạm. Chế độ chính sách cho lực lượng Bảo vệ dân phố chưa tương xứng với thực tế công tác và chưa theo kịp với sự phát triển của xã hội. Việc trang bị cơ sở vật chất, phương tiện làm việc đã được quan tâm nhưng có nơi vẫn còn thiếu, chưa được trang bị đồng bộ. Phần lớn trình độ, năng lực của các thành viên Bảo vệ dân phố không đồng đều do chưa có quy định cụ thể về trình độ học vấn tối thiểu, độ tuổi tối đa, cũng như điều kiện sức khoẻ.
Đại diện UBND TP. Hồ Chí Minh đánh giá, việc ban hành Luật Lực lượng tham gia bảo vệ an ninh, trật tự ở cơ sở để thống nhất quy định chung đối với 3 lực lượng Công an xã bán chuyên trách, lực lượng dân phòng, lực lượng bảo vệ dân phố là thực sự cần thiết và bày tỏ sự đồng thuận cao đối với dự thảo Luật. Tuy nhiên, cần có cơ chế khuyến khích nhằm thu hút công dân trẻ, có trình độ cao tham gia lực lượng bảo vệ an ninh trật tự ở cơ sở nhằm củng cố lực lượng ngày càng vững mạnh, đáp ứng yêu cầu trong tình hình hiện nay, ví dụ như: công dân tham gia lực lượng bảo vệ an ninh trật tự ở cơ sở được miễn nghĩa vụ quân sự như lực lượng dân quân tự vệ.
Phát biểu kết luận cuộc làm việc, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Quốc phòng và An ninh Nguyễn Minh Đức đánh giá cao Báo cáo của UBND TP. Hồ Chí Minh với nhiều thông tin thực tiễn quan trọng; nêu rõ, các kiến nghị của Thành phố sẽ được Đoàn khảo sát tổng hợp đầy đủ để nghiên cứu, xem xét trong quá trình thẩm tra hai dự án Luật này.
Cùng ngày, Đoàn khảo sát đã đi thực tế tại xã Tân Kiên và làm việc với UBND huyện Bình Chánh.