Báo cáo với Đoàn, Phó Giám đốc Sở Văn hoá, Thể thao và Du lịch tỉnh Bình Dương Lê Văn Thái cho biết, hiện toàn tỉnh có 56/91 xã, phường có Trung tâm Văn hóa Thể thao; có 66/91 xã đã thực hiện việc sáp nhập Trung tâm Văn hóa Thể thao - Học tập cộng đồng. Các thiết chế văn hóa, thể thao cấp xã đã phát huy được công năng sử dụng và đã triển khai được những hoạt động cơ bản đáp ứng thực hiện nhiệm vụ chính trị; xây dựng các câu lạc bộ sở thích văn hoá, văn nghệ và thể dục thể thao. Bên cạnh các thiết chế văn hóa tại các xã, phường, thị trấn còn có thiết chế văn hóa công đoàn, là nơi sinh hoạt cho công nhân lao động và cả nhân dân địa phương.
Theo thống kê, hàng năm, cấp tỉnh tổ chức khoảng 25 giải thể thao; cấp huyện tổ chức khoảng 180 giải, hội thi thể thao. Toàn tỉnh có 1.045 câu lạc bộ thể thao cơ sở các môn, phục vụ nhu cầu tập luyện cho các tầng lớp nhân dân. Phong trào luyện tập thể thao ngày càng được khơi dậy trong đối tượng cán bộ, công nhân viên chức, học sinh, lực lượng vũ trang, với nhiều hoạt động thể thao thu hút đông đảo hội viên, đoàn viên, thanh niên tham gia.
Đối với lĩnh vực du lịch, đến năm 2022, Bình Dương có 777 cơ sở kinh doanh lưu trú; 35 doanh nghiệp kinh doanh lữ hành. Năm 2022, phục vụ khoảng 1.800.000 lượt khách, doanh thu đạt 1.400 tỷ đồng, so với cùng kỳ năm 2021 tăng 180%. Tỉnh đã thu hút các thành phần kinh tế tham gia đầu tư khai thác hình thành một số khu, điểm du lịch tiêu biểu, hấp dẫn người dân và du khách vào dịp cuối tuần và các ngày nghỉ lễ.
Tỉnh cũng đã đưa vào sử dụng App Du lịch Bình Dương nhằm đáp ứng nhu cầu tìm kiếm thông tin về du lịch Bình Dương cho du khách trong và ngoài nước, góp phần đẩy nhanh tiến độ chuyển đổi số trong hoạt động du lịch, rút ngắn thời gian tiếp cận và quảng bá hình ảnh du lịch địa phương.
Tuy nhiên, thời gian qua, trước diễn biến phức tạp của dịch Covid-19, nhiều hoạt động văn hóa nghệ thuật, thể dục thể thao, du lịch và lễ hội phải tạm dừng, có ảnh hưởng nhất định đến nhu cầu thưởng thức văn hóa tinh thần của Nhân dân. Chính sách huy động các nguồn lực xã hội theo chủ trương xã hội hóa vẫn chưa thực sự thu hút các nhà đầu tư.
Cơ sở vật chất của các công trình văn hóa, thể thao nhìn chung vẫn chưa đủ tiêu chuẩn để đáp ứng nhu cầu tập luyện, thi đấu, ăn ở sinh hoạt tập trung của các nghệ sỹ, diễn viên trong lĩnh vực nghệ thuật biểu diễn, vận động viên, huấn luyện viên trong lĩnh vực thể thao. Chất lượng và hiệu quả hoạt động của một số thiết chế văn hóa, thể thao chưa cao; đội ngũ nhân sự còn thiếu, nhất là ở cơ sở.
Phát biểu tại cuộc làm việc, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục Tạ Văn Hạ đánh giá cao những kết quả Sở Văn hoá, Thể thao và Du lịch tỉnh Bình Dương đã đạt được trong việc triển khai thực hiện chính sách pháp luật về văn hóa, thể thao và du lịch với nhiều khởi sắc; có những mô hình hay, cách làm tốt; đội ngũ cán bộ được củng cố; các thiết chế văn hóa thể thao được quan tâm đầu tư. Trong đó, dù không phải là thế mạnh của tỉnh, song du lịch cũng được chú trọng đầu tư, thực sự đóng góp chung vào ngành du lịch cả nước.
Thời gian tới, Phó Chủ nhiệm Tạ Văn Hạ đề nghị, Sở Văn hoá, Thể thao và Du lịch tỉnh Bình Dương tiếp tục quan tâm, làm tốt hơn nữa; chuẩn bị, đào tạo, bồi dưỡng được đội ngũ cán bộ làm công tác quản lý đáp ứng được nhiệm vụ trước mắt, lâu dài và theo xu thế phát triển, đặc biệt là công nghệ số; ưu tiên nguồn lực đầu tư, có quy hoạch từ sớm các thiết chế văn hóa, thể thao.
Đồng thời, cần tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra, giám sát, kịp thời chấn chỉnh các vi phạm, tháo gỡ khó khăn, vướng mắc; tăng cường công tác phối hợp liên ngành, các địa phương, lồng ghép các chương trình, dự án, cũng như rà soát lại tránh lãng phí các thiết chế. Tiếp tục tham mưu để có những chính sách, nghị quyết chuyên đề của HĐND riêng về các lĩnh vực văn hóa, thể thao, du lịch.
Tại TP. Thủ Dầu Một, Đoàn giám sát cũng đã khảo sát thực tế tại Làng nghề sơn mài Tương Bình Hiệp và Di tích quốc gia Đình Tân An.