Phó Chủ nhiệm Ủy ban Quốc phòng và An ninh, Trung tướng Nguyễn Hải Hưng chủ trì cuộc làm việc.
Báo cáo với Đoàn giám sát về tình hình chung các lĩnh vực đường bộ, đường sắt, đường thủy nội địa, hàng hải, hàng không trên địa bàn, Phó giám đốc Sở Giao thông Vận tải TP. Đà Nẵng Nguyễn Trung Nghĩa cho biết, việc ban hành và triển khai thực hiện các chính sách, pháp luật về trật tự an toàn giao thông đường bộ từ năm 2009 đến nay đã thể hiện được tính kịp thời, đúng đắn, hiệu quả, tạo cơ sở pháp lý quan trọng để thiết lập trật tự, kỷ cương về trật tự, an toàn giao thông, nhất là giao thông đường bộ, góp phần phát triển nền kinh tế - xã hội và an ninh, quốc phòng của Đà Nẵng.
Hạ tầng giao thông đô thị từng bước đầu tư hoàn thiện nâng cấp, đặc biệt Đà Nẵng đã tập trung đầu tư phát triển kết cấu hạ tầng giao thông có trọng tâm, trọng điểm góp phần nâng cao năng lực, tính liên thông của hệ thống giao thông, bảo đảm kết nối hài hòa các phương thức vận tải, phát huy thế mạnh của từng phương thức, giảm chi phí vận tải, phát triển kinh tế - xã hội.
Tình hình trật tự an toàn giao thông trên địa bàn thành phố chuyển biến tích cực, tai nạn giao thông được kiềm chế, không để xảy ra ùn tắc giao thông kéo dài, ý thức tự giác chấp hành pháp luật về giao thông, nếp sống văn hóa, văn minh đô thị của người dân từng bước được nâng cao.
Bên cạnh những kết quả đạt được, lãnh đạo Sở Giao thông Vận tải TP. Đà Nẵng cũng nêu rõ, hệ thống các văn bản quy phạm pháp luật về lĩnh vực trật tự, an toàn giao thông còn nhiều nội dung chưa phù hợp với tình hình thực tế. Việc ban hành các văn bản về lĩnh vực này còn chậm và thiếu đồng bộ, ảnh hưởng đến hiệu quả quản lý Nhà nước.
Điển hình là các văn bản quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành luật còn chậm, rải rác trong thời gian dài dẫn đến hiệu lực, hiệu quả của luật bị ảnh hưởng. Mặt khác, việc bổ sung, sửa đổi nhiều quy định đã lạc hậu, bất cập có lúc còn tiến hành chậm. Chất lượng một số văn bản quy phạm pháp luật chưa cao, chưa sát với thực tế, tính ổn định, dự báo không cao, phải sửa đổi, bổ sung nhiều lần như: Nghị định quy định về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực giao thông đường bộ, Nghị định về điều kiện kinh doanh vận tải...
Trên cơ sở phân tích rõ nguyên nhân chủ quan và khách quan, TP. Đà Nẵng đưa ra một số giải pháp. Trước tiên là nâng cao chất lượng, hiệu quả quản lý nhà nước về giao thông vận tải, xây dựng, đất đai và du lịch có liên quan đến công tác bảo đảm trật tự, an toàn giao thông và chống ùn tắc giao thông; nâng cao năng lực, hiệu lực của lực lượng tuần tra, kiểm soát, xử lý vi phạm về trật tự an toàn giao thông.
Hai là, đẩy nhanh tiến độ và chất lượng công tác đầu tư xây dựng, nâng cấp hệ thống kết cấu hạ tầng giao thông gắn với duy tu, bảo dưỡng, khai thác có hiệu quả các công trình giao thông; tổ chức có hiệu quả công tác bảo vệ hành lang an toàn giao thông đường bộ, đường sắt, đường thủy nội địa.
Ba là, nâng cao năng lực, chất lượng hệ thống dịch vụ vận tải, tiếp tục đẩy nhanh tiến độ đầu tư, phát triển hệ thống vận tải công cộng trong đô thị và vùng lân cận. Đồng thời, thực hiện đồng bộ các giải pháp hạn chế mức sử dụng phương tiện cơ giới cá nhân, kiểm soát chặt điều kiện về an toàn kỹ thuật và bảo vệ môi trường của các phương tiện cơ giới, đặc biệt là trong các khu vực trung tâm đô thị.
Bốn là, kiên trì xây dựng văn hóa giao thông an toàn đối với tổ chức, cá nhân trong quá trình xây dựng, thực thi pháp luật, cung ứng kết cấu hạ tầng giao thông, phương tiện, dịch vụ vận tải và tham gia giao thông; đẩy mạnh tuyên truyền trên mạng xã hội và hạ tầng số; vận động, hướng dẫn việc lồng ghép mục tiêu bảo đảm trật tự, an toàn giao thông vào chương trình, kế hoạch và hoạt động của cơ quan, đơn vị, nhà trường, doanh nghiệp.
Năm là, tiếp tục nâng cao năng lực, hiệu quả thực thi pháp luật về bảo đảm trật tự, an toàn giao thông; đẩy mạnh khai thác sử dụng hệ thống xử lý dữ liệu từ thiết bị giám sát hành trình để phục vụ công tác quản lý vận tải; tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin, bảo đảm khả năng kết nối, sử dụng chung các cơ sở dữ liệu giữa ngành giao thông vận tải, công an và các ngành có liên quan.
Sáu là, quản lý chặt chẽ hoạt động xây dựng bảo đảm việc đầu tư, xây dựng mới các khu công nghiệp, đô thị, các trung tâm thương mại, trường học, bệnh viện... trong các đô thị bảo đảm trật tự, an toàn giao thông, phù hợp với năng lực kết cấu hạ tầng giao thông và vận tải công cộng.
Bảy là, nâng cao năng lực cứu hộ, cứu nạn, cứu chữa nạn nhân và khắc phục hậu quả tai nạn giao thông; tập huấn kỹ năng sơ cứu tai nạn giao thông cho nhân viên y tế cơ sở, lực lượng thực thi pháp luật và người tham gia giao thông.
Từ thực tiễn thi hành chính sách, pháp luật về trật tự, an toàn giao thông trên địa bàn, Đà Nẵng đề xuất 6 kiến nghị. Trong đó, có kiến nghị về đẩy mạnh phân cấp, phân quyền gắn liền với bảo đảm cơ sở vật chất, nguồn lực tài chính để tổ chức thực hiện có hiệu quả; gắn việc phân định thẩm quyền, trách nhiệm giữa các cấp, các ngành với đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính, bảo đảm các điều kiện thuận lợi cho sự phát triển của các thành phần kinh tế trong môi trường kinh doanh, thông thoáng, bình đẳng trong lĩnh vực giao thông vận tải. Tiếp tục tập trung các nguồn lực, xây dựng cơ chế chính sách để đầu tư phát triển kết cấu hạ tầng giao thông nhằm đáp ứng tốt nhu cầu đi lại của người dân cũng như lượng phương tiện tham gia giao thông ngày càng tăng. Tiếp tục đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin trong tổ chức giao thông, kinh doanh vận tải đường bộ; quản lý kết cấu hạ tầng, quản lý hoạt động vận tải, điều hành, giám sát, xử lý vi phạm hành chính.
Cùng với đó, cần tiếp tục hoàn thiện hệ thống văn bản quy phạm pháp luật về bảo đảm trật tự, an toàn giao thông theo hướng tăng mức tiền xử phạt đối với các hành vi vi phạm trật tự, an toàn giao thông nhằm bảo đảm đủ sức răn đe, giáo dục mọi người tự giác chấp hành pháp luật; cụ thể hóa các quy định còn chưa rõ ràng hoặc khó thực hiện để bảo đảm tính khả thi, tiết kiệm, hiệu quả, kịp thời, dễ tiếp cận, dễ thực hiện cho lực lượng thi hành nhiệm vụ...
Tại cuộc làm việc, Phó Cục trưởng Cục Cảnh sát giao thông Nguyễn Văn Minh cho rằng, số liệu bảo đảm trật tự, an toàn giao thông trên địa bàn Đà Nẵng có sự không thống nhất giữa năm trước với năm sau và việc trên địa bàn còn 10 lối đi tự mở giữa đường bộ với đường sắt là nguy cơ cao tiềm ẩn tai nạn giao thông.
Quan tâm đến việc phát triển vận tải hành khách công cộng, Phó Cục trưởng Cục Đường bộ Việt Nam Phan Thị Thu Hiền nêu vấn đề: "Thành phố đáng sống thì phải có một hệ thống giao thông công cộng đáng sống"; và "nếu Đà Nẵng tập trung quy hoạch sớm và có những giải pháp mạnh thì có thể xây dựng được hệ thống này và sẽ là mô hình kiểu mẫu cho các địa phương khác học tập, vì Đà Nẵng còn nhiều dư địa để phát triển mô hình này".
Phó Cục trưởng Cục Đường bộ Việt Nam cũng đề nghị Đà Nẵng cần phân tích cụ thể hơn những mặt hạn chế, từ đó làm nổi bật các giải pháp, vì nếu "giải pháp chung chung sẽ rất khó đánh giá". Với việc kết nối các loại hình giao thông trên địa bàn - một trong những giải pháp giảm thiểu tai nạn giao thông, Đà Nẵng cần phân tích kỹ và rõ hơn.
Cũng tại cuộc làm việc, các thành viên Đoàn giám sát cũng nêu một số câu hỏi liên quan đến việc lắp đặt camera thông minh trên toàn địa bàn; đề nghị đánh giá thực chất số liệu các vụ tai nạn xảy ra trên địa bàn; lĩnh vực giao thông được quy hoạch như thế nào trong Quy hoạch tổng thể của Đà Nẵng đến năm 2030; việc kết nối các loại hình giao thông...
Phó Chủ nhiệm Ủy ban Đối ngoại Đôn Tuấn Phong đề nghị Đà Nẵng báo cáo rõ hơn vai trò, trách nhiệm của chính quyền địa phương trong bảo đảm an toàn hàng không, an toàn hàng hải trên địa bàn. Thực tiễn cho thấy, "có những vấn đề Đà Nẵng nêu lên trong báo cáo không hẳn là hạn chế hay kiến nghị", do đó cần rà soát và báo cáo cụ thể hơn, làm cơ sở để Đoàn giám sát tổng hợp trong báo cáo kết quả giám sát trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội...
Kết luận tại cuộc làm việc, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Quốc phòng và An ninh, Trung tướng Nguyễn Hải Hưng ghi nhận và đánh giá cao công tác chuẩn bị cũng như kết quả thực hiện chính sách, pháp luật về bảo đảm trật tự, an toàn giao thông của Đà Nẵng thời gian qua; đề nghị thành phố hoàn thiện báo cáo bảo đảm sâu sát, toàn diện, rõ những mặt được và chưa được, từ đó đề ra những giải pháp chuyên sâu, khả thi.