Phó Trưởng đoàn chuyên trách ĐBQH thành phố Nguyễn Duy Minh làm Trưởng đoàn giám sát.
Cùng tham dự có: Phó Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa và Xã hội Nguyễn Thị Kim Thúy; ĐBQH, Thiếu tướng Trần Đình Chung, Phó Cục trưởng Cục An ninh chính trị nội bộ (Bộ Công an); Phó Trưởng Ban Tổ chức Thành ủy Nguyễn Lê Mậu Cường.
Về phía Đại học Đà Nẵng có: PGS.TS Nguyễn Ngọc Vũ, Giám đốc Đại học Đà Nẵng; TS Phan Minh Đức, Chủ tịch Hội đồng Đại học Đà Nẵng cùng lãnh đạo các Trường Đại học thành viên (thuộc Đại học Đà Nẵng).
Theo PGS.TS Nguyễn Ngọc Vũ, thực hiện chủ trương tại Đại hội Đảng XIII của Đảng về phát triển nguồn nhân lực, nhất là nguồn nhân lực chất lượng cao, Đảng ủy Đại học Đà Nẵng đã chỉ đạo cập nhật, ban hành hệ thống các văn bản quy phạm nội bộ nhằm tạo hành lang pháp lý thống nhất trong toàn Đại học Đà Nẵng trong công tác phát triển và sử dụng nguồn nhân lực.

Đại học Đà Nẵng luôn tạo mọi điều kiện cho giảng viên đi đào tạo ở nước ngoài thông qua các Đề án của Chính phủ và các chương trình học bổng khác như: Đề án 911, Đề án 89… Giai đoạn 2021-2024, đã cử 142 viên chức đi đào tạo, bồi dưỡng, nghiên cứu tại nước ngoài; đồng thời tiếp nhận 131 viên chức hoàn thành chương trình tiến sĩ về công tác.
“Nhờ các chính sách đồng bộ, đến nay nguồn nhân lực của Đại học Đà Nẵng đã phát triển cả về số lượng, chất lượng với hơn 1.621 giảng viên. Trong đó có 8 Giáo sư, 134 Phó Giáo sư, 792 Tiến sĩ và Tiến sĩ khoa học, tỷ lệ giảng viên có trình độ Tiến sĩ trở lên chiếm hơn 48%. Với nguồn nhân lực chất lượng cao này, Đại học Đà Nẵng phát huy tối đa trong việc đối phối, sử dụng nguồn nhân lực dùng chung trong công tác tuyển sinh, đào tạo, nghiên cứu khoa học theo quy định của Bộ GD-ĐT”, PGS.TS Nguyễn Ngọc Vũ thông tin.

Lãnh đạo Đại học Đà Nẵng cũng thông tin về tình trạng dịch chuyển lao động có trình độ chuyên môn cao khu vực công sang khu vực kinh tế tư nhân và kinh tế có vốn đầu tư nước ngoài; tình trạng “chảy máu” chất xám (lao động chất lượng cao là người Việt Nam được đào tạo ở nước ngoài không về nước).
Theo đó, Đại học Đà Nẵng cũng có tình trạng các giảng viên có trình độ Tiến sĩ xin nghỉ việc, chuyển công tác ra ngoài. Hầu hết, là do hoàn cảnh gia đình, do ngành/chuyên ngành giảng dạy đang gặp khó khăn trong công tác tuyển sinh do nhu cầu xã hội không nhiều. Bên cạnh xin nghỉ việc, chuyển công tác, cũng có nhiều giảng viên của các trường Đại học bên ngoài có trình độ Tiến sĩ, Phó giáo sư xin chuyển công tác về Đại học Đà Nẵng.
Lãnh đạo Đại học Đà Nẵng cũng chỉ rõ một số nguyên nhân hạn chế trong việc sử dụng, thu hút nguồn nhân lực chất lượng cao như: chưa có quy định chính sách hỗ trợ thu nhập nhà ở; chưa có quy định về tuyển dụng đặc thù đối với người đã tốt nghiệp Tiến sĩ ở nước ngoài; Chế độ tiền lương còn bất cập, chưa tương xứng với vị thế và đặc thù của giảng viên đại học.
Từ đó, đề xuất các nhóm giải pháp gồm: Cần tiếp tục hoàn thiện chính sách tuyển dụng, thu hút, đãi ngộ và giữ chân đội ngũ giảng viên, nhà khoa học trình độ cao, có nhiều thành tích xuất sắc trong nghiên cứu khoa học, chuyển giao công nghệ; Tăng kinh phí hỗ trợ cho giảng viên đi học theo Đề án 89, đặc biệt là đi học ở nước ngoài nhằm thu hút thêm giảng viên đi học Tiến sĩ; Tận dụng nguồn kinh phí, nhất là các Đề án của Chính phủ và chương trình liên kết, hợp tác quốc tế để cử giảng viên đi đào tạo Tiến sĩ nước ngoài…

Qua trao đổi với Đoàn giám sát, Đại học Đà Nẵng đề nghị Quốc hội sớm thông qua Luật Nhà giáo nhằm khắc phục các bất cập trong tuyển dụng, sử dụng, quản lý giảng viên thời gian qua, tạo cơ sở pháp lý để tuyển dụng vào ngành những người có đủ điều kiện, tiêu chuẩn, đáp ứng được yêu cầu phát triển giáo dục đại học, tạo động lực để đội ngũ giảng viên yên tâm công tác; Đề nghị sớm ban hành quy định về chế độ tiền lương theo vị trí việc làm và theo năng lực của từng cá nhân để dần thay thế cho lương theo thang, bảng lương chức danh nghề nghiệp, đảm bảo thu hút tối đa nguồn nhân lực chất lượng cao.
Tại buổi giám sát, các đại biểu trong Đoàn giám sát đã đặt ra một số vấn đề nổi cộm hiện nay như: Đại học Đà Nẵng đang chuẩn bị gì trong bối cảnh TP. Đà Nẵng đang phát triển ngành vi mạch bán dẫn cũng như đang hình thành Trung tâm tài chính và Khu thương mại tự do; Vấn đề “chảy máu chất xám” trong ngành giáo dục; vấn đề tuyển sinh sớm; Vai trò, vị trí của Hội đồng trường cũng như quan hệ với các Đại học thành viên…
Đối với các nội dung Đoàn giám sát đặt ra, PGS.TS Nguyễn Ngọc Vũ cùng lãnh đạo các Trường Đại học thành viên đã có những giải đáp, phản hồi cụ thể. Trong đó, cũng nêu rõ những khó khăn, vướng mắc về mặt cơ chế, chính sách với Đoàn. Còn những nội dung chưa được làm rõ sẽ có báo cáo cụ thể gửi đến Đoàn.
Phát biểu kết luận buổi giám sát, Phó Trưởng đoàn chuyên trách ĐBQH thành phố Đà Nẵng Nguyễn Duy Minh ghi nhận và đánh giá cao những kết quả đạt được của Đại học Đà Nẵng trong việc thực hiện chính sách, pháp luật về phát triển và sử dụng nguồn nhân lực đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội, nhất là nguồn nhân lực chất lượng cao giai đoạn 2021-2024. Ngoài những nội dung được trao đổi tại buổi làm việc, đề nghị Đại học Đà Nẵng bổ sung, hoàn thiện báo cáo để gửi về Đoàn. Đối với một số ý kiến, kiến nghị của Đại học Đà Nẵng, Đoàn giám sát ghi nhận và sẽ đưa vào báo cáo giám sát.