Cùng dự buổi TXCT có: Ủy viên dự khuyết Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy Nguyễn Phi Long; Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh Bùi Đức Hinh; lãnh đạo UBND tỉnh, Uỷ ban MTTQ tỉnh và các sở, ban, ngành; lãnh đạo Huyện ủy, UBND huyện Lương Sơn và đông đảo cử tri các xã vùng Nam Lương Sơn.
Tại buổi TXCT, thay mặt Đoàn ĐBQH tỉnh, Phó Trưởng Đoàn ĐBQH tỉnh Hoàng Đức Chính đã báo cáo trước cử tri và Nhân dân dự kiến nội dung chương trình Kỳ họp thứ Tư, Quốc hội Khóa XV. Theo đó, kỳ họp sẽ khai mạc ngày 20.10 và bế mạc ngày 18.11. Quốc hội sẽ họp tập trung tại Tòa nhà Quốc hội. Tại Kỳ họp lần này, Quốc hội sẽ xem xét thông qua 7 dự án luật quan trọng như: Luật Phòng chống bạo lực gia đình (sửa đổi); Luật Khám chữa bệnh (sửa đổi)… và cho ý kiến vào 7 dự án luật (sửa đổi) có tác động lớn đến đời sống Nhân dân như: Luật Đất đai; Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng; Luật Đấu thầu; Luật Giá; Luật Giao dịch điện tử…
Ngoài ra, Quốc hội sẽ thông qua 3 nghị quyết gồm: Nghị quyết ban hành Nội quy kỳ họp Quốc hội (sửa đổi); Nghị quyết về thí điểm cấp quyền lựa chọn sử dụng biển số ô tô thông qua đấu giá; Nghị quyết về thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển thành phố Buôn Ma Thuột, tỉnh Đắk Lắk.
Quốc hội cũng sẽ cho ý kiến vào nhiều vấn đề quan trọng nhằm phát triển kinh tế - xã hội, ngân sách quốc gia gồm: Báo cáo kết quả thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội, dự toán ngân sách Nhà nước, kế hoạch đầu tư công vốn ngân sách Nhà nước năm 2022; quyết định kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội, ngân sách Nhà nước, đầu tư công năm 2023; báo cáo của các ngành khối nội chính theo quy định; giải pháp xử lý vướng mắc, bất cập tại một số trạm thu phí dự án BOT và một số vấn đề khác.
Đối với công tác giám sát, Quốc hội sẽ tiến hành giám sát chuyên đề “Việc thực hiện chính sách, pháp luật về thực hành tiết kiệm, chống lãng phí giai đoạn 2020 - 2021”. Ngoài ra, Quốc hội sẽ chất vấn và trả lời chất vấn các vấn đề cử tri, Nhân dân quan tâm.
Để chuẩn bị cho kỳ họp, Đoàn ĐBQH tỉnh Hòa Bình đã khảo sát việc thi hành Luật Đất đai trên địa bàn; xây dựng kế hoạch khảo sát thi hành một số luật có liên quan để kịp thời nắm bắt thông tin làm cơ sở tham gia đóng góp ý kiến đối với các dự thảo luật. Thực hiện giám sát 2 nội dung liên quan đến việc thực hiện chính sách pháp luật về bồi thường, hỗ trợ tái định cư đối với các khu vực bị ảnh hưởng bởi thiên tai và khi Nhà nước thu hồi đất; việc quản lý, vận hành, khai thác các công trình cấp nước sạch nông. Đoàn ĐBQH tỉnh đã thực hiện 6 buổi tiếp xúc cử tri sau Kỳ họp thứ Ba và trước Kỳ họp thứ Tư để nắm bắt tâm tư nguyện vọng của Nhân dân; thực hiên nghiêm việc tiếp dân, tiếp nhận đơn thư khiếu nại, tố cáo của công dân.
Sau khi nghe báo cáo dự thảo nội dung chương trình Kỳ họp thứ Tư, Quốc hội Khóa XV và công tác chuẩn bị của Đoàn ĐBQH tỉnh, cử tri, Nhân dân huyện Lương Sơn bày tỏ đồng tình, ủng hộ. Đồng thời, gửi tới Đoàn nhiều ý kiến, kiến nghị. Trong đó, tập trung kiến nghị Quốc hội, Chính phủ xem xét giải quyết chế độ chính sách cho cán bộ dôi dư sau sáp nhập đơn vị hành chính; tăng mức lương cơ sở, phụ cấp cho cán bộ không chuyên trách, các hội đặc thù. Tăng cường kiểm tra, giám sát việc khai thác mỏ đá theo quy định pháp luật; xây dựng các khu tái định cư cho các hộ dân bị ảnh hưởng thiên tai và thuộc diện thu hồi đất; có chế độ, chính sách ưu đãi đặc biệt đối với các xã vùng đặc thù nhằm phát triển kinh tế - xã hội, nâng cao đời sống Nhân dân; tăng cường công tác quản lý đất đai, cấp giấy hứng nhận quyền sử dụng đất, đất nông - lâm trường trên địa bàn; sớm xây dựng đường vành đai 5 đoạn qua địa phận Lương Sơn nhằm kết nối vùng phát triển kinh tế - xã hội giai đoạn 2023 - 2025; quan tâm nâng cấp, sửa chữa các tuyến đường giao thông, cơ sở vật chất bị hư hỏng, xuống cấp; quan tâm hỗ trợ sinh kế cho hộ khó khăn, học sinh vùng đồng bào dân tộc thiểu số….
Phát biểu kết luận buổi TXCT, Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Tổng Kiểm toán phụ trách Kiểm toán Nhà nước, Trưởng Đoàn ĐBQH tỉnh Ngô Văn Tuấn đã tiếp thu những ý kiến, kiến nghị của cử tri. Đồng thời giải đáp một số kiến nghị thuộc thẩm quyền giải quyết của địa phương. Đối với những kiến nghị không thuộc thẩm quyền giải quyết, Đoàn ĐBQH tỉnh sẽ tổng hợp, trình Quốc hội, Chính phủ và các cơ quan chức năng xem xét, giải quyết theo quy định.