Tham gia Đoàn có các Phó Tổng Biên tập Lê Thanh Kim và Nguyễn Thị Minh Hằng; cán bộ chủ chốt, đại diện các ban, phòng của Báo Đại biểu Nhân dân...
Với 80 năm tuổi đời và 57 năm tuổi Đảng, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng là tấm gương sáng ngời, mẫu mực về đạo đức cách mạng của người chiến sĩ cộng sản, là nhà lãnh đạo trí tuệ, sâu sắc, bản lĩnh, nhà lý luận xuất sắc của Đảng; suốt đời cống hiến cho lý tưởng độc lập dân tộc và chủ nghĩa xã hội, vì hạnh phúc của Nhân dân.
Trên cương vị Chủ tịch Quốc hội Khóa XI và XII, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng cũng để lại nhiều dấu ấn sâu đậm, không thể nào quên. Nhiều tư tưởng, chỉ đạo của Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Phú Trọng khi ấy đến nay vẫn đang được tiếp nối tại nghị trường Quốc hội.
Đặc biệt, với công tác thông tin, tuyên truyền về các hoạt động của Quốc hội, trên cương vị Chủ tịch Quốc hội khóa XI, XII, hay sau này là Người đứng đầu Đảng ta, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng luôn dành quan tâm đặc biệt và tạo mọi điều kiện tốt nhất để nâng cao vị thế, uy tín tờ báo của Quốc hội: Báo Đại biểu Nhân dân.
Ngày 27.8.2009, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng, trên cương vị Chủ tịch Quốc hội khóa XII, đã thay mặt Ủy ban Thường vụ Quốc hội ký ban hành Nghị quyết số 816/2009/UBTVQH12 về việc nâng cấp và đổi tên Báo Người Đại biểu Nhân dân. Theo đó, Báo "Người Đại biểu Nhân dân" được nâng cấp và đổi tên thành Báo "Đại biểu Nhân dân" - tờ báo loại I, cấp Tổng cục - là “Tiếng nói của Quốc hội, diễn đàn của đại biểu Quốc hội, Hội đồng nhân dân và cử tri”.
Tiếp đó, ngày 16.10.2009, Chủ tịch Quốc hội Khóa XII Nguyễn Phú Trọng ký duyệt măng séc Báo Đại biểu Nhân dân. Măng séc sử dụng Quốc huy thay cho hai lá cờ với tôn chỉ, mục đích được nâng lên ở mức cao hơn.
Việc Chủ tịch Quốc hội, các Phó Chủ tịch Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội, các cơ quan của Quốc hội đã tin tưởng trao “Tiếng nói của Quốc hội, diễn đàn của đại biểu Quốc hội, Hội đồng nhân dân và cử tri” cho cán bộ, phóng viên, biên tập viên của Báo Đại biểu Nhân dân là “trao việc lớn phục vụ Quốc hội và các cơ quan dân cử, phục vụ Nhân dân trong thời kỳ mới”.
Bốn ngày sau đó, ngày 20.10.2009, đúng ngày khai mạc Kỳ họp thứ Sáu, Quốc hội Khóa XII, Báo Đại biểu Nhân dân số đầu tiên chính thức ra mắt bạn đọc và cử tri cả nước.
Năm 2024 là dấu mốc quan trọng với Báo Đại biểu Nhân dân khi tờ báo tròn 15 năm được nâng cấp và đổi tên theo Nghị quyết số 816/2009/UBTVQH12 Ủy ban Thường vụ Quốc hội, từ Báo Người Đại biểu Nhân dân thành Báo Đại biểu Nhân dân. Nhân sự kiện này, ngày 10.7.2024, đúng 9 ngày trước khi Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng từ trần, Báo Đại biểu Nhân dân đã vô cùng vinh dự và tự hào được đón nhận Thư chúc mừng của Người đứng đầu Đảng ta.
Đây không chỉ là niềm vinh dự, tự hào mà còn là di sản vô cùng quý giá mà Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã dành cho Báo Đại biểu Nhân dân - có lẽ cũng là tờ báo duy nhất vinh dự được Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng 4 lần gửi thư chúc mừng.
Lần thứ nhất, ngày 1.1.2009: Chủ tịch Quốc hội Khóa XII Nguyễn Phú Trọng có bức thư (viết tay) chúc mừng tập thể cán bộ, phóng viên, biên tập viên, cộng tác viên của Báo Người Đại biểu Nhân dân nhân dịp Tết cổ truyền Kỷ Sửu của dân tộc.
Lần thứ hai, ngày 20.10.2009: Thay mặt Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Chủ tịch Quốc hội Khóa XII Nguyễn Phú Trọng có bức thư (viết tay) gửi tập thể cán bộ, phóng viên, biên tập viên, nhân viên, cộng tác viên và bạn đọc của Báo, chúc mừng sự kiện Báo “Người đại biểu Nhân dân” được nâng cấp, đổi tên thành Báo “Đại biểu Nhân dân” và ra số đầu.
Lần thứ ba, ngày 20.10.2019, trên cương vị Tổng Bí thư, Chủ tịch nước, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng có Thư chúc mừng gửi Báo Đại biểu Nhân dân nhân kỷ niệm 10 năm Báo Người Đại biểu Nhân dân được nâng cấp và đổi tên thành Báo Đại biểu Nhân dân.
Lần thứ tư, cũng là lần cuối cùng, 9 ngày trước lúc đi xa, ngày 10.7.2024, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng có Thư gửi Báo Đại biểu Nhân dân nhân kỷ niệm 15 năm tờ báo được nâng cấp và đổi tên (2009 - 2024).
Vậy là, trong những ngày cuối cùng của cuộc đời mình, bên cạnh những bộn bề lo toan cho việc của Đảng, của đất nước và Nhân dân, Người đứng đầu Đảng ta vẫn dành sự quan tâm, theo dõi và tình cảm sâu sắc cho tờ báo của Quốc hội.
Trưa nay, tại Nhà tang lễ Quốc gia, với tấm lòng biết ơn sâu sắc trước những tình cảm và sự quan tâm đặc biệt mà Người đứng đầu Đảng ta dành cho Báo Đại biểu Nhân dân và những đóng góp to lớn của đồng chí đối với toàn Đảng, toàn dân và toàn quân ta, Đoàn Báo Đại biểu Nhân dân do Bí thư Đảng ủy, Tổng Biên tập Phạm Thị Thanh Huyền làm Trưởng đoàn đã thành kính dâng nén hương thơm, dành một phút mặc niệm tưởng nhớ Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng - nhà lãnh đạo đặc biệt xuất sắc, một tấm gương sáng ngời về học tập, làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh, người đảng viên cộng sản kiên trung, có uy tín lớn của Đảng, Nhà nước và nhân dân ta, hiện thân đầy đủ phẩm chất, tài năng, bản lĩnh, trí tuệ của thế hệ lãnh đạo Việt Nam thời kỳ đổi mới.
Xúc động ghi sổ tang, Tổng Biên tập Báo ĐBND Phạm Thị Thanh Huyền viết: Báo Đại biểu Nhân dân là tờ báo vinh dự được Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng, khi còn trên cương vị Chủ tịch Quốc hội khóa XII đã thay mặt Ủy ban Thường vụ Quốc hội ký Nghị quyết nâng cấp và đổi tên từ "Người đại biểu Nhân dân" thành "Đại biểu Nhân dân" và trao cho sứ mệnh: "Tiếng nói của Quốc hội, diễn đàn của Đại biểu Quốc hội, Hội đồng Nhân dân và cử tri".
Là tờ báo được Tổng Bí thư vô cùng yêu quý và dành nhiều tình cảm đặc biệt với 4 lần gửi thư thăm và chúc mừng, trong giờ phút thiêng liêng và xúc động này, thay mặt tập thể cán bộ, phóng viên, biên tập viên, người lao động của Báo, Tổng Biên tập Phạm Thị Thanh Huyền nhấn mạnh: "Tập thể Báo Đại biểu Nhân dân xin nguyện một lòng, dốc sức, không ngừng đổi mới, sáng tạo, nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác thông tin, tuyên truyền cả về nội dung và hình thức, tiếp tục thực hiện đúng chức trách, nhiệm vụ được giao - là tiếng nói của Quốc hội, diễn đàn của đại biểu Quốc hội, Hội đồng nhân dân và cử tri - như sứ mệnh và niềm tin yêu mà Tổng Bí thư đã trao cho tờ báo của Quốc hội.
Đặc biệt là xứng đáng với hai câu thơ mà Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã dành tặng cho những người làm báo Quốc hội, đó là: "Tâm sáng, trí cao, ngòi bút sắc/Thênh thang đường lớn vượt lên nào".