Không có "nhạc trưởng", mạnh ai nấy làm
Dự báo của Tổ chức Du lịch Thế giới (UNWTO) và Hội đồng Du lịch và Lữ hành thế giới (WTTC) cho thấy, hoạt động du lịch quốc tế có thể phục hồi hoàn toàn vào cuối năm 2024 nhưng không đồng đều ở các khu vực. Nhu cầu của khách du lịch quốc tế liên tục thay đổi, đòi hỏi ngày càng cao về chất lượng sản phẩm. Đây là lý do Việt Nam cần có kế hoạch cụ thể cho chiến lược xúc tiến du lịch ra thế giới.
CEO Lux Group Phạm Hà cho biết, sản phẩm du lịch, chất lượng nguồn nhân lực, thể chế, chính sách và xúc tiến du lịch là điểm nghẽn cần được khơi thông và làm thoáng để phát triển du lịch. Tại Việt Nam, hoạt động xúc tiến du lịch là một điểm yếu, vì chúng ta chưa định vị thương hiệu du lịch quốc gia, cũng như chưa kể được câu chuyện văn hóa, lịch sử, thiên nhiên, ẩm thực và con người một cách chạm và chuyên nghiệp.
Theo ông Phạm Hà, hiện tại, công tác xúc tiến du lịch ra thế giới kiểu mạnh ai nấy làm, không có "nhạc trưởng" có năng lực thực thi du lịch thành ngành kinh tế thực sự, các quỹ du lịch không phát huy hiệu quả. Gần đây nhất là các hội chợ như ITB Berlin 2024 và WTM London 2024, ngành du lịch Việt Nam đều không tham gia, chỉ có các doanh nghiệp.
CEO Travelogy Việt Nam Vũ Văn Tuyên thì cho rằng, những năm gần đây, mặc dù Việt Nam vẫn thực hiện công tác xúc tiến du lịch ở trong nước và nước ngoài nhưng đơn điệu. Xu thế du lịch của khách quốc tế đã thay đổi nên kế hoạch xúc tiến, quảng bá cũng cần thay đổi theo. Đơn cử qua những lần Việt Nam tham gia các hội chợ du lịch quốc tế đều thấy sử dụng hình ảnh các điểm đến truyền thống như Khuê Văn Các, vịnh Hạ Long, Tràng An... mà không giới thiệu các điểm đến mới về du lịch bền vững, lựa chọn các điểm ấn tượng như 4 công viên địa chất toàn cầu gồm Cao nguyên đá Đồng Văn, Non Nước Cao Bằng, Đắk Nông và Lý Sơn - Sa Huỳnh; hay có thể đưa các hình ảnh du lịch đạt tiêu chí bền vững. Chính vì vậy, hiệu quả truyền thông chưa đạt được kỳ vọng.
Hơn nữa, theo ông Tuyên, do ngân quỹ hạn hẹp nên Việt Nam chưa có chiến thuật khi xúc tiến, quảng bá. Ví dụ, phải kết hợp giới thiệu điểm đến với ẩm thực đặc trưng như phở, bún chả... và nâng tầm thành chiến lược quảng bá cho nhiều ngành, nghề tham gia. "Như tại ITB Berlin 2024, chỉ có 73 doanh nghiệp Việt Nam là những doanh nghiệp lớn, có tài chính, được tiếp xúc với nhiều kênh bán sản phẩm đến đối tác quốc tế, gia tăng hiện diện. Song với nhiều doanh nghiệp nhỏ, không đủ tài chính, không trực tiếp tham gia, lẽ ra ngành du lịch Việt Nam cần hỗ trợ bằng cách giúp họ tham gia trực tuyến, chi phí có thể chỉ mất khoảng 10 - 20%”, ông Tuyên nói.
Làm mới thương hiệu, quảng bá bài bản
Góp ý cho công tác xúc tiến du lịch Việt Nam, ông Vũ Văn Tuyên đưa ra kinh nghiệm của Travelogy Việt Nam, là xây dựng thương hiệu gắn kết tính dân tộc, đề cao tính hài hòa. "Khi giới thiệu tour tham quan Hội An cho các đoàn khách quốc tế, chúng tôi kết hợp thăm làng chài, làng nghề, ở các homestay dọc đường; thăm vịnh Hạ Long kết hợp đến thăm trại nuôi cá, tôm, ngọc trai... giúp dân chài thêm thu nhập; hoặc tour đưa khách đi thác bản Giốc, sẽ thăm bản làm rèn, làm gương của người Tày, người Nùng...".
Từ thực tế kinh doanh của Lux Group, ông Phạm Hà cho rằng, cần có chiến lược xây dựng thương hiệu dài hơn, có trọng tâm trọng điểm, phân khúc rõ ràng, nhắm vào hành vi tiêu dùng của du khách. Lâu nay, để thu hút dòng khách chuyên biệt trải nghiệm du thuyền, Lux Group đẩy mạnh phát triển các kênh thương mại điện tử, đa dạng hoạt động tiếp thị số. Bên cạnh đó, doanh nghiệp tập trung xây dựng ý tưởng mới, sản phẩm mới, độc đáo và bảo đảm tiêu chuẩn chất lượng dịch vụ nhằm gia tăng lợi thế cạnh tranh.
“Hai năm qua, chúng tôi chuyển sang thu hút khách nội địa, với việc lập ra phòng riêng, tạo các video thương mại mới, làm mới hình ảnh thương hiệu. Nhân viên cũng phải tạo nhận diện cá nhân, vừa làm thương hiệu cá nhân kết hợp với thương hiệu của doanh nghiệp thì mới được tạo niềm tin để bán sản phẩm. Công ty tiếp tục duy trì thế mạnh đặc trưng với tour trải nghiệm du thuyền cao cấp ở Nha Trang, Hạ Long, Cát Bà...; phát triển sản phẩm du lịch mới như tour du lịch chăm sóc sức khỏe toàn diện”, ông Phạm Hà chia sẻ.
Ở tầm quốc gia, theo ông Phạm Hà, du lịch Việt Nam cần làm mới thương hiệu phù hợp nhu cầu khách quốc tế hậu Covid-19, lấy khách hàng làm trung tâm và có chiến lược xúc tiến bài bản, dài hơi, thực sự cho du lịch và vì du lịch; đề cao văn hóa doanh nghiệp để mọi điểm chạm đều thỏa mãn.