Cần mở rộng phạm vi điều chỉnh
Dự thảo Luật Luật Phòng, chống mua bán người (sửa đổi) gồm 8 chương, 66 điều. So với Luật Phòng, chống mua bán người năm 2011, dự thảo luật giữ nguyên số chương, sửa đổi, bổ sung nội dung 52/58 điều, xây dựng mới 9 điều, bỏ 1 điều. Đáng chú ý, dự thảo luật đã bổ sung quy định về khái niệm “mua bán người”; sửa đổi, bổ sung quy định về căn cứ xác định nạn nhân và quy định về các nguồn tài liệu, chứng cứ để xác định nạn nhân cùng một số căn cứ khác để xác định nạn nhân.
Việc sửa đổi, bổ sung này nhằm tạo sự thống nhất trong quy định của pháp luật, phù hợp với Nghị định thư về việc phòng ngừa, trừng trị và trấn áp tội buôn bán người, đặc biệt là phụ nữ và trẻ em; Công ước ASEAN về phòng, chống buôn bán người, đặc biệt là phụ nữ và trẻ em và các điều ước quốc tế khác có liên quan mà Việt Nam là thành viên. Đồng thời bảo đảm phù hợp với quy định của Bộ luật Hình sự năm 2015 (sửa đổi, bổ sung năm 2017).
Báo cáo thẩm tra Tờ trình của Ủy ban Tư pháp cơ bản tán thành với dự thảo luật, việc bổ sung khái niệm “mua bán người” là một trong những điểm mấu chốt của lần sửa đổi này và là cơ sở để đổi mới căn bản về chính sách trong công tác phòng, chống mua bán người. Cụ thể, việc làm rõ khái niệm “mua bán người” làm căn cứ để xác định rõ các hành vi vi phạm cụ thể, các hành vi cần phòng ngừa. Cùng đó, xác định rõ “nạn nhân”, “người đang trong quá trình xác định là nạn nhân”, trên cơ sở đó đề xuất chính sách, chế độ hỗ trợ cụ thể.
Ngoài ra, việc này còn giúp định hình các chính sách phòng ngừa, biện pháp, công cụ đấu tranh, xử lý phù hợp, cũng như làm cơ sở để hoàn thiện pháp luật về hình sự, tố tụng hình sưự để xử lý loại tội phạm này…
Một điểm đáng chú ý nữa là Khoản 3, Điều 37 dự thảo luật quy định về việc trợ giúp pháp lý cho người dưới 18 tuổi đi cùng nạn nhân, người đang trong quá trình xác định là nạn nhân của tội phạm mua bán người, Báo cáo thẩm tra của Ủy ban Tư pháp cho rằng điều này là rất cần thiết vì trong nhiều trường hợp, những người này là con được sinh ra trong quá trình người phụ nữ bị mua bán hoặc là người thân thích của nạn nhân. Trong khi theo quy định của Luật Trợ giúp pháp lý thì người được trợ giúp pháp lý dưới 18 tuổi chỉ gồm ba nhóm là trẻ em; người bị buộc tội từ đủ 16 tuổi đến dưới 18 tuổi và người từ đủ 16 tuổi đến dưới 18 tuổi là bị hại trong vụ án hình sự có khó khăn về tài chính.
Nếu người dưới 18 tuổi đi cùng nạn nhân, người đang trong quá trình xác định là nạn nhân thuộc trường hợp theo quy định của Luật Trợ giúp pháp lý thì mới được trợ giúp pháp lý là chưa phù hợp. Bởi vậy Ủy ban Tư pháp đề nghị quy định theo hướng người dưới 18 tuổi đi cùng nạn nhân, người đang trong quá trình xác định là nạn nhân được trợ giúp pháp lý như nạn nhân, người đang trong quá trình xác định là nạn nhân. Bên cạnh đó, cần đánh giá tác động và sửa đổi, bổ sung quy định tương ứng của Luật Trợ giúp pháp lý để bảo đảm tính thống nhất.
Thảo luận về dự án luật này, các đại biểu thuộc Tổ 18 tán thành sự cần thiết phải sửa đổi. Tuy nhiên, ĐBQH Phạm Thị Hồng Diễm (Trà Vinh) đề nghị ưu tiên bố trí ngân sách cho những vùng có tình trạng mua bán người diễn ra nghiêm trọng, phức tạp, ưu tiên cho khu vực biên giới.
Về trách nhiệm của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các thành viên, đại biểu Phạm Thị Hồng Diễm tán thành bổ sung quy định về trách nhiệm của Đoàn TNCS Hồ Chí Minh tham gia phòng, ngừa mua bán người vào dự thảo luật bởi thực tiễn cho thấy nạn nhân mua bán người hiện nay không chỉ là phụ nữ, trẻ em gái như giai đoạn trước đây mà nạn nhân còn là nam giới trong độ tuổi thanh, thiếu niên.
ĐBQH Thạch Phước Bình (Trà Vinh) thì cho rằng cần mở rộng phạm vi điều chỉnh bao gồm cả việc mua bán nội tạng và các hành vi khai thác sức lao động bất hợp pháp. Bên cạnh đó, cần bổ sung định nghĩa rõ ràng về đối tượng áp dụng bao gồm cả người dân, cơ quan, tổ chức và doanh nghiệp có liên quan đến việc phòng chống mua bán người. Đặc biệt, cần quy định rõ trách nhiệm của từng cơ quan trong việc bảo vệ và hỗ trợ nạn nhân sau khi được giải cứu…
Đánh giá tác động đầy đủ hơn đối với các chính sách mới
Đối với dự án Luật Tư pháp người chưa thành niên, theo tờ trình của Chính phủ sẽ điều chỉnh trong lĩnh vực tư pháp hình sự gồm nguyên tắc cơ bản của tư pháp người chưa thành niên; quy định về xử lý chuyển hướng đối với người chưa thành niên phạm tội; hình phạt và các chính sách hình sự chuyên biệt; thủ tục tố tụng thân thiện; thi hành án và tái hòa nhập cộng đồng; nhiệm vụ, quyền hạn và trách nhiệm của cơ quan, tổ chức, cá nhân trong hoạt động tư pháp người chưa thành niên…
Báo cáo thẩm tra của Ủy ban Tư pháp cũng tán thành sự cần thiết ban hành Luật Tư pháp người chưa thành niên. Dự thảo luật đã thể chế hóa đầy đủ và bảo đảm phù hợp với chủ trương, đường lối của Đảng liên quan đến trẻ em; cơ bản phù hợp với nhiều quy định trong các văn bản pháp luật có liên quan và tương thích với Công ước quốc tế về quyền trẻ em mà Việt Nam là thành viên.
Tuy nhiên, để bảo đảm tính thống nhất của hệ thống pháp luật, Ủy ban Tư pháp đề nghị tiếp tục rà soát kỹ lưỡng các luật có liên quan để đề xuất sửa đổi, bổ sung ngay trong dự thảo luật đồng thời, đánh giá tác động đầy đủ hơn đối với một số chính sách mới.
Thảo luận về dự án luật này, theo ĐBQH Lê Thanh Hoàn (Thanh Hóa) nên cân nhắc để các cơ quan như cơ quan điều tra, viện kiểm sát quyết định chuyển hướng để áp dụng biện pháp phục vụ ngoài cộng đồng đối với người chưa thành niên phạm tội. Vì nếu không phải do Toà án quyết định có thể dẫn đến không phù hợp với công ước quốc tế về chống cưỡng bức lao động.
Về xử lý chuyển hướng, việc chuyển hướng xử lý hình sự với người chưa thành niên là hợp lý. Tuy nhiên, theo ĐBQH Lê Thanh Hoàn, nếu có nạn nhân thì phải cân nhắc dựa trên ý kiến của nạn nhân. Ví dụ như người chưa thành niên cố ý gây thương tích nếu xử lý chuyển hướng theo hướng giáo dục tại cộng đồng thì có phù hợp không? Do đó đại biểu đề nghị cân nhắc kỹ việc áp dụng chuyển hướng đối với người chưa thành niên.
Liên quan đến việc tách vụ án, ĐBQH Lê Thị Nga (Hà Nam) đề nghị không nên quy định cứng vì đôi khi sẽ gây khó khăn, thậm chí gây ách tắc, không điều tra, xét xử được.
Các ĐBQH Phạm Thị Xuân (Thanh Hóa), ĐBQH Huỳnh Thị Hằng Nga (Trà Vinh), ĐBQH Mai Văn Hải (Thanh Hóa), ĐBQH Phạm Thị Hồng Diễm (Trà Vinh), ĐBQH Phạm Hùng Thắng (Hà Nam), ĐBQH Thạch Phước Bình (Trà Vinh) cũng tán thành với việc cần thiết phải ban hành luật, tuy nhiên các đại biểu đề nghị làm rõ một số vấn đề như định nghĩa người chưa thành niên; quy định rõ điều kiện, quy trình xử lý chuyển hướng để áp dụng đúng đối tượng, không tràn lan, lạm quyền…