Chủ tịch Hiệp hội Phát triển văn hóa doanh nghiệp Việt Nam, Trưởng ban Ban tổ chức 248 Hồ Anh Tuấn cho biết, việc tổ chức Diễn đàn "Văn hóa với doanh nghiệp" nhằm góp phần hiện thực hóa các chủ trương, đường lối, chính sách của Đảng và Nhà nước về xây dựng văn hóa, con người Việt Nam đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững đất nước; khẳng định vai trò, tầm quan trọng của văn hóa trong việc kiến tạo môi trường kinh doanh lành mạnh; khai thác tiềm năng, thế mạnh, nguồn lực văn hóa như là đòn bẩy và trợ lực quan trọng để phục hồi và phát triển kinh tế.
Đồng thời, các hoạt động của diễn đàn sẽ góp phần thúc đẩy việc xây dựng văn hóa doanh nghiệp, văn hóa kinh doanh trong cộng đồng doanh nghiệp Việt Nam ở trong và ngoài nước, từng bước hình thành những đặc trưng tiêu biểu của văn hóa kinh doanh Việt Nam đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững và hội nhập quốc tế.
“Diễn đàn cũng là dịp để Lãnh đạo Đảng và Nhà nước gặp gỡ, trao đổi với cộng đồng doanh nghiệp, lắng nghe các kiến nghị, đề xuất về cơ chế, chính sách hỗ trợ doanh nghiệp phục hồi và phát triển kinh tế; tôn vinh các doanh nghiệp đạt chuẩn Văn hoá kinh doanh Việt Nam; lan tỏa sâu rộng Cuộc vận động “Xây dựng Văn hóa doanh nghiệp Việt Nam” do Thủ tướng Chính phủ phát động”, ông Tuấn cho hay.
Diễn đàn có 3 hoạt động chính, gồm: Hội thảo với chủ đề “Văn hóa Kinh doanh - Dòng chảy phát triển và hội nhập” tập trung trao đổi, thảo luận xung quanh các nội dung chính như: Những giá trị “Được và mất” trong văn hóa giao thương Việt Nam qua các thời kỳ phát triển lịch sử, trong đó nhấn mạnh điều tự hào (đã xây và gìn giữ đến hôm nay) và điều nuối tiếc (đã có nhưng mất đi trong quá trình phát triển và hội nhập). Nhận diện và gọi tên bản sắc của văn hóa kinh doanh Việt Nam (của doanh nghiệp và doanh nhân Việt): Chúng ta là ai? Chúng ta đại diện cho những giá trị cốt lõi nào?
Giải pháp giúp doanh nghiệp Việt Nam “hòa nhập nhưng không hòa tan”, định hướng nỗ lực hội nhập của văn hóa kinh doanh Việt Nam trong bối cảnh của thế giới VUCA và cuộc cách mạng công nghệ, chuyển đổi số, và năng lực tận dụng công nghệ/chuyển đổi số cho sự phát triển văn hóa kinh doanh.
Cũng trong dịp này sẽ diễn ra Lễ tôn vinh và trao chứng nhận “Doanh nghiệp đạt chuẩn văn hóa kinh doanh Việt Nam” năm 2023; tổ chức Đoàn đại biểu doanh nghiệp tiếp kiến Lãnh đạo Đảng, Nhà nước, Lãnh đạo Thành ủy, UBND TP. Hồ Chí Minh, với thành phần gồm các doanh nghiệp được công nhận đạt chuẩn Văn hóa kinh doanh Việt Nam các năm 2021, 2022 và 2023 cùng với một số doanh nghiệp đã có thành tích đặc biệt xuất sắc hưởng ứng Cuộc vận động “Xây dựng Văn hóa doanh nghiệp Việt Nam” trong thời gian qua.
Đại diện cho đơn vị nhiều năm liên tiếp được đánh giá có môi trường làm việc tốt nhất trong lĩnh vực CNTT và viễn thông, bà Hà Thu Hương, Trưởng phòng Quản trị Thương hiệu, Tập đoàn Công nghiệp viễn thông Quân đội (Viettel) chia sẻ, văn hóa doanh nghiệp Viettel được xây dựng nhằm tạo sự khác biệt, sức mạnh cạnh tranh trên thị trường với việc xác định sứ mệnh “Sáng tạo vì con người”, triết lý “Kinh doanh gắn với trách nhiệm xã hội”, 8 giá trị cốt lõi, chuẩn mực người Viettel và bộ quy tắc ứng xử. Trên nền tảng này, Viettel thống nhất nhận thức và hành động, tạo động lực cho sản xuất kinh doanh...
Đại diện các doanh nghiệp cũng cam kết thực hiện Bộ tiêu chí văn hóa kinh doanh Việt Nam với các yêu cầu, điều kiện bắt buộc. Trong đó, nhấn mạnh các yêu cầu như: Không buôn lậu, không trốn thuế; không sản xuất, kinh doanh hàng giả, sản phẩm độc hại; không nợ lương và bảo hiểm xã hội của người lao động; không lừa đảo, lợi dụng hoặc làm hại các tổ chức, cá nhân khác; không vi phạm pháp luật.
“Theo quy chế xét công nhận Doanh nghiệp đạt chuẩn văn hóa kinh doanh Việt Nam, các doanh nghiệp đăng ký tham gia chương trình sẽ không phải đóng bất cứ một khoản kinh phí nào và Ban tổ chức xin phép không nhận tài trợ từ các doanh nghiệp nói trên”, ông Hồ Anh Tuấn cho biết thêm.