Quyết toán sau 18 tháng là quá dài
Tại Nghị quyết số 22/2021/QH15, Quốc hội yêu cầu Chính phủ nghiên cứu rút ngắn quy trình, thời gian quyết toán ngân sách nhà nước để trình Quốc hội xem xét, phê chuẩn quyết toán ngân sách nhà nước hàng năm vào Kỳ họp cuối năm tiếp theo, góp phần quản lý, sử dụng tiết kiệm, hiệu quả nguồn lực tài chính, ngân sách của nhà nước.
Yêu cầu này đặt ra trong bối cảnh theo quy định hiện hành, Quốc hội xem xét, quyết định thông qua quyết toán ngân sách nhà nước sau khoảng 18 tháng kể từ khi năm ngân sách kết thúc. Điều này một mặt không giúp ích nhiều cho việc lập dự toán ngân sách hàng năm, mặt khác dễ dẫn đến tâm lý coi đây là “việc đã rồi” và buông lỏng giám sát. Trong khi đó, báo cáo quyết toán ngân sách của quốc gia là hệ thống đánh giá quan trọng nhất về “sức khỏe” và “hiệu quả” hoạt động của toàn bộ máy nhà nước trong một năm, rất cần được tập trung thảo luận đánh giá thực chất và kịp thời.
Trong Tờ trình số 440/BC-CP gửi tới Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Chính phủ cũng cho rằng, thời gian Quốc hội xem xét, phê chuẩn quyết toán ngân sách chậm nhất 18 tháng sau khi kết thúc năm ngân sách 18 tháng như quy định hiện nay của Luật Ngân sách Nhà nước là quá dài. Lý do là quy trình tổng hợp, lập báo cáo trải qua nhiều khâu và mất nhiều thời gian.
Bên cạnh đó, quy định về việc xét duyệt quyết toán ngân sách còn phức tạp, chồng chéo, chưa đề cao trách nhiệm của đơn vị trực tiếp sử dụng ngân sách. Việc xét duyệt quyết toán của đơn vị cấp trên trực tiếp đối với từng khoản thu, chi phát sinh tại đơn vị chứng từ kèm theo đã tạo ra khối lượng công việc rất lớn cho cơ quan xét duyệt quyết toán. Quy định về thẩm quyền quyết toán ngân sách còn chồng chéo giữa trách nhiệm của đơn vị dự toán cấp trên, đơn vị sử dụng ngân sách và cơ quan tài chính các cấp.
Triển khai theo lộ trình
Từ thực tế này và theo yêu cầu của Quốc hội, Chính phủ đề xuất rút ngắn quy trình, thời gian quyết toán ngân sách nhà nước hàng năm. Theo đó, Chính phủ báo cáo Ủy ban Thường vụ Quốc hội chậm nhất là ngày 20.9 năm sau (quy định hiện hành là chậm nhất 16 tháng sau khi kết thúc năm ngân sách). Chính phủ gửi báo cáo đến đại biểu Quốc hội chậm nhất 10 ngày trước ngày khai mạc Kỳ họp cuối năm sau (quy định hiện hành là 20 ngày). Quốc hội xem xét, phê chuẩn báo cáo quyết toán ngân sách nhà nước vào Kỳ họp cuối năm sau (theo quy định hiện hành là chậm nhất 18 tháng sau khi kết thúc năm ngân sách).
Việc rút ngắn quy trình, thời gian quyết toán ngân sách sẽ ảnh hưởng lớn đến các đơn vị sử dụng ngân sách, bộ, ngành, cơ quan tài chính và các cấp ngân sách địa phương. Điều này đòi hỏi sự ủng hộ và quyết tâm của các bộ, cơ quan Trung ương và các cấp chính quyền địa phương, đặc biệt đối với các bộ, cơ quan Trung ương có cơ cấu tổ chức gồm nhiều cấp dự toán và các địa phương có số thu, chi ngân sách nhà nước lớn.
Trước mắt, Chính phủ đề nghị Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho phép triển khai thí điểm tại một số bộ, ngành, địa phương trong năm 2024. Sau đó, Chính phủ sẽ đánh giá và báo cáo Quốc hội tại Kỳ họp giữa năm 2025. Trên cơ sở này, Chính phủ sẽ trình Quốc hội sửa đổi Luật Ngân sách Nhà nước và một số luật có liên quan để có cơ sở pháp lý triển khai trên phạm vi cả nước.
Hiện nay, hầu hết các nước như Mỹ, Canada, Hàn Quốc, Trung Quốc, Thái Lan… đều có thời hạn phê chuẩn quyết toán từ 6 - 10 tháng sau khi kết thúc năm ngân sách. Tờ trình của Chính phủ cho biết, thời gian ngắn như vậy là do ngân sách các cấp chính quyền độc lập, không lồng ghép các cấp với nhau. Ngân sách cấp nào do HĐND cấp đó quyết định và giao cho UBND cùng cấp thực hiện. Ngân sách Trung ương do Quốc hội quyết định và Chính phủ thực hiện. Quốc hội chỉ quyết định ngân sách Trung ương, không quyết định ngân sách nhà nước.
Theo đó, báo cáo quyết toán ngân sách nhà nước không tổng hợp số liệu toàn quốc HĐND các cấp địa phương phê chuẩn quyết toán ngân sách cấp mình; Quốc hội chỉ phê chuẩn quyết toán ngân sách Trung ương, không phê chuẩn quyết toán của chính quyền địa phương. Mặt khác, các nước làm kỹ khâu xây dựng và phân bổ dự toán, việc quyết toán chủ yếu tổng hợp lại số liệu thực thu, thực chi trong năm ngân sách.