Vật giá leo thang, đời sống ngày càng eo hẹp
Chỉ số giá sinh hoạt theo không gian (SCOLI) năm 2023 do Tổng cục Thống kê vừa công bố phản ánh sự chênh lệch giá hàng hóa và dịch vụ tiêu dùng phục vụ đời sống hàng ngày của người dân giữa các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương, giữa các vùng kinh tế - xã hội trong một thời gian nhất định (thường là một năm).
Xét theo tỉnh thành, thành phố trực thuộc Trung ương, Hà Nội được lấy làm gốc để so sánh và được tính bằng 100%. Theo công bố, năm qua, Hà Nội tiếp tục giữ vị trí dẫn đầu về mức giá đắt đỏ nhất cả nước. TP. Hồ Chí Minh đứng thứ 2 với chỉ số SCOLI bằng 98,44% Hà Nội, do một số nhóm hàng của TP. Hồ Chí Minh có mức giá bình quân thấp hơn. Đơn cử, mặt hàng may mặc, mũ nón, giày dép bằng 82%; văn hóa, giải trí, du lịch bằng 91,8%; hàng ăn và dịch vụ ăn uống bằng 94,1%; thiết bị và đồ dùng gia đình bằng 94,9%.
Đứng thứ 3 cả nước về mức sống, giá cả sinh hoạt là Quảng Ninh với chỉ số SCOLI bằng 97,94% Hà Nội. Trong 11 nhóm hàng hóa và dịch vụ tiêu dùng chính, Quảng Ninh có 6 nhóm hàng có mức giá bình quân thấp hơn Hà Nội; bao gồm: nhóm văn hóa, giải trí và du lịch bằng 84,38%; bưu chính viễn thông bằng 91,74%; thiết bị và đồ dùng gia đình bằng 92,4%; giao thông bằng 93,7%; may mặc, mũ nón, giày dép bằng 95,9%; hàng ăn và dịch vụ ăn uống bằng 97,01%.
Ở một khía cạnh khác, việc tăng lương tối thiểu vùng nếu được thực hiện từ ngày 1.7 sẽ đồng bộ với cải cách tiền lương khu vực công. Chị Nguyễn Thị Mai (40 tuổi), công nhân tại một công ty sản xuất thiết bị điện ở khu công nghiệp Thăng Long (Hà Nội) chia sẻ, điều khiến những lao động như chị lo lắng là cứ mỗi lần tăng lương, giá cả lại tăng theo, nhất là các mặt hàng thiết yếu. "Tăng lương để bù trượt giá, bảo đảm mức sống cho người lao động, nhưng khi lương chưa tăng thì các mặt hàng thiết yếu đã tăng theo" - chị Mai băn khoăn.
Triển khai chính sách quản lý giá thận trọng, hợp lý
Việc giá sinh hoạt tăng không chỉ ảnh hưởng trực tiếp đến đời sống lao động mà còn gây không ít khó khăn cho các doanh nghiệp trong tuyển dụng. Đơn cử như tại TP. Hồ Chí Minh, Công ty CP may Việt Tiến đang cần tuyển khoảng 100 công nhân và nhiều vị trí khác để bổ sung cho các nhà máy khu vực với mức lương 11 - 30 triệu đồng/tháng.
Đại diện công ty chia sẻ, "mấy năm trước, người tìm việc đến xếp hàng nộp hồ sơ sau Tết, người này giới thiệu người kia; nhưng giờ tuyển lao động phổ thông khó quá". Lý giải việc ngày càng khó tuyển lao động phổ thông, đại diện công ty Việt Tiến cho rằng, hiện nhiều tỉnh, thành cũng có nhà máy, khu công nghiệp trong khi chi phí sống ở TP. Hồ Chí Minh ngày càng cao nên nhiều người chọn làm gần nhà. Chẳng hạn, khu vực quanh Khu công nghiệp Tân Bình, tiền thuê nhà 2 triệu đồng cộng với ăn uống, chi tiêu hàng ngày là hết tháng lương, nếu có con cái học hành cũng khó trang trải.
Theo chuyên gia kinh tế Ngô Trí Long, giá và lương có quan hệ với nhau hết sức chặt chẽ. Khi lương tăng, giá cả hàng hóa ổn định thì tiền lương tăng mới có giá trị với người lao động. Vì vậy, Nhà nước phải kiểm soát được lạm phát, nhất là giá cả các mặt hàng thiết yếu.
Nói về mối quan hệ lương và giá, chuyên gia lao động - tiền lương Phạm Minh Huân (nguyên Thứ trưởng Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội) cũng cho biết, mức lương được điều chỉnh tăng theo chỉ số tiêu dùng (CPI). Thực tế, tình hình giá cả tăng theo lương đã hạn chế hơn so với những lần điều chỉnh trước.
Trước đây, hàng hóa khan hiếm. Khi lương cơ sở tăng, hàng hóa cũng "tát nước theo mưa" để tăng giá. Thế nhưng, hiện nay có mặt hàng tăng, mặt hàng giảm, Nhà nước cũng đang nỗ lực kiềm chế lạm phát. Trên thực tế, Chính phủ đã sớm đề ra một số nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu để kiểm soát lạm phát. Cụ thể, Ban chỉ đạo điều hành giá đã chỉ đạo các bộ, ngành phối hợp chặt chẽ nhằm triển khai chính sách quản lý giá thận trọng, hợp lý và chủ động, bám sát diễn biến thị trường; thường xuyên đánh giá, dự báo để điều chỉnh phù hợp, góp phần bảo đảm kiểm soát lạm phát theo mục tiêu.
Trong đó, chú trọng việc xây dựng, tính toán liều lượng và thời điểm điều chỉnh giá các mặt hàng, dịch vụ do Nhà nước quản lý (điện, dịch vụ y tế, dịch vụ giáo dục) phù hợp với mục tiêu kiểm soát lạm phát. Trong đó, chú trọng việc xây dựng, tính toán liều lượng và thời điểm điều chỉnh giá các mặt hàng, dịch vụ do Nhà nước quản lý (điện, dịch vụ y tế, dịch vụ giáo dục) phù hợp với mục tiêu kiểm soát lạm phát. Ngoài ra, việc thông báo sớm lộ trình điều chỉnh giá các mặt hàng cũng cần được chú trọng để tránh bị động trong phối hợp chính sách.
Chính phủ cũng đặt ra yêu cầu bảo đảm thông suốt hoạt động cung ứng, lưu thông, phân phối hàng hóa, dịch vụ, nhất là đối với xăng dầu và các mặt hàng chiến lược có khả năng bị ảnh hưởng từ sự đứt gãy chuỗi cung ứng toàn cầu… Đồng thời, sẵn sàng các phương án can thiệp, bình ổn thị trường phù hợp, kịp thời khi có những cú sốc bất ngờ xảy ra.