Chiều tối 15.9, Đoàn khảo sát của Ủy ban Văn hóa, Giáo dục do Phó Chủ nhiệm Ủy ban Tạ Văn Hạ làm trưởng đoàn, đã làm việc với UBND huyện Yên Bình, tỉnh Yên Bái, về tình hình thực hiện chính sách, pháp luật về phòng, chống đuối nước trẻ em; khảo sát tại một số cơ sở trên địa bàn.
Báo cáo Đoàn khảo sát, Phó Chủ tịch thường trực UBND huyện Yên Bình Nguyễn Lê Dũng khẳng định, công tác trẻ em và phòng chống đuối nước ở trẻ em luôn được cấp ủy, chính quyền xác định là nhiệm vụ quan trọng và dành sự quan tâm đặc biệt. Để hạn chế thấp nhất số trẻ em bị đuối nước, thời gian qua huyện Yên Bình đã triển khai một số mô hình và cách làm hiệu quả như: Ngôi nhà an toàn, Trường học an toàn, Cộng đồng an toàn...
Ngoài ra, tổ chức các lớp hướng dẫn cho học sinh, trẻ em về các kỹ năng cơ bản để phòng tránh đuối nước, thực hành bơi dưới nước, kỹ năng sơ cấp cứu và kiến thức an toàn dưới nước… Thông qua các mô hình giúp trẻ nắm rõ kỹ năng cũng như cách xử lý khi gặp sự cố xảy ra.
Trên địa bàn huyện Yên Bình hiện có 4 bể bơi tư nhân, 1 bể bơi công cộng, 4 khu vui chơi, giải trí cho trẻ em (1 công cộng, 3 tư nhân) đạt tiêu chuẩn, bảo đảm đủ điều kiện cho các hoạt động vui chơi an toàn, lành mạnh, giúp nâng cao thể chất. Trong khuôn khổ dự án “Hỗ trợ triển khai các can thiệp hiệu quả về phòng, chống đuối nước cho trẻ em tỉnh Yên Bái năm 2019 - 2020” do Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội phối hợp với Quỹ từ thiện Bloomberg tài trợ, huyện Yên Bình được chọn 5 xã tham gia, gồm: Cảm Ân, Thịnh Hưng, Phúc An, Mỹ Gia và xã Cảm Nhân.
Sở Lao động, Thương binh và Xã hội phối hợp với Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch, Sở Giáo dục và Đào tạo Yên Bái cùng với Yên Bình đã tổ chức 2 lớp tập huấn với sự tham gia của 24 học viên là cán bộ, giáo viên, cán bộ Đoàn của 5 xã; 7 lớp tập huấn kỹ năng an toàn phòng chống đuối nước cho cha mẹ, người chăm sóc trẻ em tại cộng đồng với 210 người tham dự; 1 lớp tập huấn kiến thức về chăm sóc, nuôi dưỡng, giáo dục và phòng chống đuối nước cho 30 cán bộ, giáo viên mầm non, cộng tác viên cấp xã; 9 lớp tập huấn kỹ năng an toàn phòng chống đuối nước cho trẻ em với 360 trẻ tại 3 xã Mỹ Gia, Cảm Nhân, Phúc An tham dự và 42 lớp dạy bơi và kỹ năng an toàn trong môi trường nước cho 840 trẻ thuộc các xã Cảm Ân, Thịnh Hưng, Mỹ Gia và Cảm Nhân. Hàng năm, các ban, ngành, đoàn thể trên địa bàn huyện tổ chức các lớp dạy bơi miễn phí hoặc hỗ trợ một phần kinh phí cho trẻ em có hoàn cảnh khó khăn, nhờ đó trên 300 trẻ em được học bơi.
Tuy nhiên, công tác phòng, chống đuối nước trẻ em tại Yên Bình cũng gặp nhiều khó khăn khi huyện có địa hình phức tạp, nhiều ao, hồ, sông, suối, đập... nguy hiểm nhưng chưa kịp thời làm rào chắn, biển cảnh báo, biển cấm… Nguồn lực thực hiện từ xã hội hóa là chủ yếu nên chất lượng công tác phòng, chống tai nạn, thương tích cho trẻ em còn hạn chế. Một số thôn ở vùng khó khăn thiếu điểm vui chơi, giải trí dành riêng cho trẻ em…
Huyện Yên Bình đề nghị Sở Lao động, Thương binh và Xã hội Yên Bái báo cáo bộ, ngành Trung ương tiếp tục duy trì các chính sách ưu tiên cho công tác bảo vệ, chăm sóc trẻ em ở các tỉnh miền núi còn nhiều khó khăn; hỗ trợ kinh phí thực hiện hoạt động phòng, chống tai nạn, thương tích và đuối nước ở trẻ em. Cung cấp nhiều sản phẩm truyền thông cho các địa phương để tuyên truyền tại chỗ; mở lớp tập huấn về phòng, chống tai nạn, thương tích trẻ em cho đội ngũ cán bộ nòng cốt để nâng cao kiến thức, kỹ năng và tập huấn lại cho đội ngũ cán bộ làm công tác bảo vệ, chăm sóc trẻ em cấp cơ sở. Tăng cường phối hợp chỉ đạo, hướng dẫn triển khai chương trình dạy bơi cho trẻ em, kỹ năng sống và kỹ năng an toàn trong môi trường nước, từng bước đưa môn bơi lội vào chương trình học tập chính khóa trong nhà trường. Bố trí ngân sách cho các chương trình, đề án về trẻ em, đặc biệt là các đề án về phòng, chống đuối nước trẻ em.
Thay mặt Đoàn khảo sát, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục Tạ Văn Hạ ghi nhận, đánh giá cao sự lãnh đạo, chỉ đạo kịp thời, sự quan tâm của huyện Yên Bình dành cho công tác trẻ em nói chung, công tác phòng, chống tai nạn thương tích và đuối nước trẻ em nói riêng; xây dựng môi trường an toàn cho trẻ em từ gia đình đến cộng đồng. Đoàn khảo sát đặc biệt ấn tượng với hiệu quả mô hình phòng, chống tai nạn thương tích và đuối nước trẻ em ở xã Thịnh Hưng, khi 10 năm qua không có trường hợp nào tử vong do đuối nước. Cả huyện Yên Bình từ năm 2016 đến nay cũng chỉ có 8 trường hợp bị tử vong do đuối nước.
Đoàn khảo sát đề nghị huyện Yên Bình làm rõ nguyên nhân của hiệu quả công tác phòng, chống tai nạn thương tích và đuối nước trẻ em tại địa phương, chia sẻ kinh nghiệm và nhân rộng tại các địa phương khác ở Yên Bái cũng như cả nước. Tiếp tục tuyên truyền nâng cao nhận thức cho cộng đồng về phòng, chống đuối nước ở trẻ em; tăng cường dạy các kỹ năng xử lý tình huống trong môi trường nước. Đặc biệt, “UBND huyện nghiên cứu tham mưu cho HĐND huyện ra nghị quyết riêng về vấn đề này để có nguồn lực đầu tư và giám sát việc thực hiện một cách hiệu quả hơn”, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục Tạ Văn Hạ nhấn mạnh.