Theo báo cáo của UBND huyện Chương Mỹ, toàn huyện có 42 trường mầm non và 97 nhóm trẻ lớp mẫu giáo tư thục. Trên địa bàn huyện có 1 khu công nghiệp và 6 cụm công nghiệp đang hoạt động, khu công nghiệp Phú Nghĩa nằm trọn vẹn trên địa bàn xã Phú Nghĩa. Hệ thống cơ sở giáo dục cấp học mầm non ở đây gồm 2 trường mầm non công lập và 5 nhóm trẻ, lớp mẫu giáo độc lập. Tổng số trẻ trong độ tuổi mầm non là 1.055 trẻ; số trẻ ra lớp 701 trẻ, chiếm tỷ lệ 66.45%. Trong đó, trẻ nhà trẻ là 104/405 trẻ, chiếm tỷ lệ 26%; trẻ mẫu giáo 597/650 trẻ, chiếm tỷ lệ 92%.
Trong khu công nghiệp có khoảng 18.000 công nhân, trong đó số lượng công nhân ở độ tuổi sinh sản chiếm tỷ lệ cao, có con trong độ tuổi mầm non khoảng 700 trẻ. Đại đa số công nhân làm việc trong khu công nghiệp là người địa phương và vùng lân cận (huyện Quốc Oai) nên áp lực về giáo dục, trong đó có giáo dục mầm non ở khu vực này không quá lớn.
Hiện nay, Khu công nghiệp Phú Nghĩa chưa đủ điều kiện mở rộng xây dựng khu nhà ở cho người lao động, dẫn đến công nhân không sinh sống tập trung, nên không thể gửi con tại trường Mầm non Khu công nghiệp Phú Nghĩa, dẫn đến tỷ lệ trẻ đến trường còn thấp. Con công nhân, người lao động làm việc trong khu công nghiệp đang học tại cơ sở giáo dục mầm non công lập; cơ sở vật chất cho các cơ sở giáo dục ngoài công lập, giáo viên dạy lớp có tỷ lệ trẻ là con công nhân, người lao động dưới 30% chưa được hưởng các chính sách hỗ trợ theo quy định. Việc quản lý các nhóm trẻ, lớp mẫu giáo độc lập, tư thục trên địa bàn xã Phú Nghĩa và các xã lân cận còn hạn chế.
UBND huyện Chương Mỹ kiến nghị Chính phủ bổ sung đối tượng được hỗ trợ theo Nghị định 105/2020/NĐ-CP. Cụ thể, hỗ trợ con em công nhân đang theo học trường mầm non công lập nằm trong khu công nghiệp như đối với con em công nhân ở cơ sở giáo dục tư thục, dân lập; hỗ trợ con em công nhân, người lao động làm việc trong khu công nghiệp đang học tại cơ sở giáo dục mầm non công lập; hỗ trợ cơ sở vật chất cho các cơ sở giáo dục ngoài công lập, hỗ trợ giáo viên dạy lớp có tỷ lệ học sinh là con công nhân, người lao động dưới 30%.
Bộ Nội vụ, Bộ Giáo dục và Đào tạo phối hợp, khẩn trương bổ sung chỉ tiêu biên chế đáp ứng yêu cầu Chương trình giáo dục phổ thông 2018 và chương trình nâng cao chất lượng giáo dục mầm non để các địa phương xây dựng kế hoạch tuyển dụng; có cơ chế, chính sách hỗ trợ nhân viên nuôi dưỡng đang làm việc trong trường mầm non công lập.
Thay mặt Đoàn giám sát, Ủy viên Thường trực Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, PGS.TS Đỗ Chí Nghĩa ghi nhận huyện Chương Mỹ đã chăm lo cho giáo dục nói chung, giáo dục mầm non nói riêng. Đó chính là bệ đỡ để giáo dục mầm non phát triển, dù điều kiện còn nhiều khó khăn. Cũng như nhiều địa phương khác, hiện trạng thiếu giáo viên trầm trọng do chính sách đãi ngộ chưa tương xứng, định mức biên chế, khó khăn về nguồn lực đầu tư cơ sở vật chất... là bài toán khó đang được đặt ra. Đoàn giám sát sẽ tổng hợp các đề xuất, nghiên cứu đưa vào báo cáo giám sát, đề nghị cơ quan có thẩm quyền xem xét. Bên cạnh đó, Đoàn giám sát mong muốn huyện Chương Mỹ tiếp tục dành chính sách ưu đãi cho giáo dục, ưu tiên giáo dục mầm non.