
Quan điểm trên được đưa ra trong báo cáo thẩm tra đánh giá tình hình thực hiện Nghị quyết của Quốc hội về kế hoạch phát triển KT- XH năm 2009, phương hướng nhiệm vụ năm 2010 do Chủ nhiệm UB Kinh tế Hà Văn Hiền trình bày trước UBTVQH hôm 2.10.
TS Phan Minh Ngọc, Phó giám đốc nghiên cứu Doanh nghiệp của Ngân hàng Sumitomo Mitsui chi nhánh Singapore đánh giá đây là một đề nghị hết sức đúng đắn. Trước đó, nhiều ý kiến chuyên gia và các doanh nghiệp cũng cho rằng nên dừng gói kích cầu đúng thời hạn.
Theo báo cáo thẩm tra của UB Kinh tế, tính đến ngày 3. 9.2009, dư nợ cho vay hỗ trợ lãi suất theo các Quyết định 131 và Quyết định 497 đạt 418.304 tỷ đồng. Số tiền hỗ trợ lãi suất theo Quyết định số 131 ước thực hiện cả năm khoảng 10.000 tỷ đồng (kế hoạch là 17.000 tỷ đồng). Đa số ý kiến trong UB Kinh tế cho rằng, gói hỗ trợ lãi suất vay vốn ngắn hạn đã hoàn thành vai trò “giải cứu” cho một bộ phận doanh nghiệp gặp khó khăn.
Qua khảo sát thực tế của UB Kinh tế, việc hỗ trợ lãi suất vay vốn tín dụng 4% cùng với việc hạ dần lãi suất cơ bản từ mức cao nhất 14% năm 2008 xuống 7% (áp dụng từ tháng 2.2009 đến nay) đã làm mặt bằng lãi suất chung giảm đáng kể. Chi phí trả lãi vay ngân hàng năm 2009 của phần lớn các doanh nghiệp chỉ bằng 50% của năm 2008 (sau khi được hỗ trợ lãi suất, doanh nghiệp chỉ còn phải trả lãi suất 4-6%). Cùng với chính sách miễn, giảm, giãn thuế, chính sách hỗ trợ lãi suất đã giúp nhiều doanh nghiệp, các hộ sản xuất vượt qua khó khăn, giảm chi phí vay vốn, giảm giá thành, qua đó nâng cao sức cạnh tranh và có nhiều thuận lợi hơn trong việc tiêu thụ hàng hóa, nhất là các mặt hàng xuất khẩu.
Tuy nhiên, quá trình thực hiện cũng cho thấy có những mặt hạn chế. Thứ nhất, thực tế số doanh nghiệp được vay vốn hỗ trợ lãi suất theo Quyết định 131 không nhiều, chỉ có khoảng 20% tổng số doanh nghiệp được vay vốn hỗ trợ lãi suất. Điều này đã gây ra sự thiếu bình đẳng trong quan hệ kinh tế giữa các doanh nghiệp và giảm đi ý nghĩa của chủ trương kích cầu. Thứ hai, lãi suất VND sau khi được giảm trừ 4% và lãi suất cho vay ngoại tệ gần tương đương nhau, dẫn đến nhu cầu vay VND tăng, làm mất cân đối cung cầu trên thị trường tiền tệ (VND), gây sức ép tăng lãi suất VND và tăng tổng phương tiện thanh toán, gây mất cân đối trên thị trường ngoại hối, tạo sức ép tăng tỷ giá, ảnh hưởng đến cán cân thanh toán. Ngân hàng Nhà nước đã phải can thiệp thị trường nhằm ổn định tỷ giá làm dự trữ ngoại tệ giảm. Thứ ba, khó kiểm soát hiệu quả thực chất của các khoản tín dụng, có ý kiến cho rằng có hiện tượng dùng vốn vay để đảo nợ, đầu tư vào chứng khoán hoặc đầu tư vào bất động sản, thậm chí có doanh nghiệp vay vốn hỗ trợ lãi suất thấp tại ngân hàng này và gửi sang ngân hàng khác để hưởng chênh lệch, có vốn gửi vào ngân hàng thương mại để hưởng lãi suất cao nhưng vẫn vay vốn VND để hưởng hỗ trợ lãi suất...
UB Kinh tế đã chính thức đề nghị nên dừng chính sách hỗ trợ lãi suất vay vốn ngắn hạn theo Quyết định 131 đúng thời hạn đã được công bố. “Hiện nay, nền kinh tế cơ bản đã vượt qua thời điểm khó khăn nhất trong khi những vấn đề phát sinh đang gây rất nhiều khó khăn cho chính sách tiền tệ trong việc duy trì, bảo đảm ổn định cân đối vĩ mô của nền kinh tế, nhất là cán cân thanh toán, cung cầu tiền tệ, ổn định lãi suất và tỷ giá”- Chủ nhiệm UB Kinh tế Hà Văn Hiền nói.
Về “tương lai” của các gói kích cầu, quan điểm của UB Kinh tế là cần tiếp tục thực hiện các chính sách kích thích kinh tế nhưng tập trung cho các mục tiêu trung và dài hạn, cho mục tiêu tái cấu trúc nền kinh tế...