Khắc phục mọi khó khăn, triển khai Chương trình phục hồi kinh tế nhanh hơn, hiệu quả, thực chất
Tiếp tục phiên chất vấn và trả lời chất vấn, Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Phạm Bình Minh đã thay mặt Chính phủ giải trình thêm một số nội dung và trực tiếp trả lời chất vấn của các đại biểu Quốc hội.
Giải trình về việc triển khai thực hiện Nghị quyết số 43/2022/QH15 của Quốc hội, Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ nêu rõ, ngay sau khi Quốc hội ban hành Nghị quyết, Chính phủ đã ban hành Nghị quyết số 11/NQ-CP ngày 30.1.2022 với các nhiệm vụ, giải pháp cụ thể.
Đến nay, Chính phủ đã ban hành 6 Nghị định để thực hiện chính sách miễn, giảm, gia hạn thời hạn nộp thuế, tiền thuê đất, chính sách cho vay, hỗ trợ lãi suất; Thủ tướng Chính phủ đã ban hành 3 Quyết định về hỗ trợ tiền thuê nhà đối với người lao động, cho vay học sinh, sinh viên và các cơ sở giáo dục mầm non, tiểu học ngoài công lập; đã thông báo tổng mức vốn 149.201 tỷ đồng, danh mục và mức vốn dự kiến cho 113 nhiệm vụ, dự án cụ thể. Cơ chế, chính sách để thực hiện Chương trình đã cơ bản hoàn thành. Chính phủ cũng đã trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội: dự kiến danh mục, mức vốn bố trí cho nhiệm vụ, dự án; phương án điều chỉnh linh hoạt nguồn vốn đầu tư công của Chương trình và Kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021 - 2025. Việc triển khai Chương trình được chỉ đạo quyết liệt; nội dung này được đưa vào Phiên họp Chính phủ thường kỳ hằng tháng và Thủ tướng Chính phủ đã có 3 công điện để chỉ đạo, đôn đốc việc thực hiện.
Về kết quả, đến hết tháng 5.2022 đã thực hiện khoảng 33,5 nghìn tỷ đồng, trong đó, miễn, giảm thuế, phí 22,6 nghìn tỷ đồng (đạt khoảng 35% kế hoạch); Ngân hàng Chính sách xã hội đã giải ngân 4.869 tỷ đồng cho 4/5 chương trình tín dụng chính sách của Chương trình; các địa phương đã hỗ trợ tiền thuê nhà cho 2.431 người theo Nghị quyết số 11/NQ-CP.
Tiếp thu ý kiến của các đại biểu Quốc hội, Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ khẳng định, thời gian tới, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ tập trung chỉ đạo các bộ, cơ quan khắc phục mọi khó khăn, triển khai Chương trình nhanh hơn và hiệu quả, thực chất, trong đó, hoàn thành, ban hành 4 văn bản trong tháng 6.2022, gồm: hướng dẫn thực hiện cơ chế đặc thù về chỉ định thầu đối với các gói thầu; phân cấp cho UBND cấp tỉnh làm cơ quan chủ quản thực hiện các dự án, dự án thành phần đầu tư các đoạn tuyến đường bộ cao tốc theo hình thức đầu tư công; hướng dẫn việc sử dụng Quỹ Viễn thông công ích để tiếp tục thực hiện Chương trình “Sóng và máy tính cho em”, hỗ trợ đầu tư phát triển hạ tầng viễn thông, internet; sửa đổi Thông tư hướng dẫn về chi và quản lý Quỹ phát triển khoa học công nghệ của doanh nghiệp.
Giải ngân vốn đầu tư công là nhiệm vụ chính trị trọng tâm năm 2022
Về đầu tư công, Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ nêu rõ, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ đã chỉ đạo quyết liệt giải ngân vốn đầu tư công, nhất là trong yêu cầu phục hồi nhanh, phát triển bền vững kinh tế - xã hội; đã có nhiều văn bản chỉ đạo, tổ chức hội nghị trực tuyến toàn quốc và thành lập 6 Tổ công tác của Thủ tướng Chính phủ để kiểm tra, đôn đốc công tác giải ngân vốn đầu tư công. Đến ngày 31.5.2022, đã giải ngân 22,37% kế hoạch (trong đó, vốn trong nước đạt 23,53%; vốn ODA đạt 6,26%).
Cũng theo Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ, trong tháng 5.2022, 6 Tổ công tác đã làm việc và kiểm tra thực tế tình hình giải ngân tại các bộ, cơ quan, địa phương. Quá trình làm việc đã xác định rõ nguyên nhân chậm giải ngân, trong đó, tổ chức thực hiện được xác định là khâu yếu; trên cơ sở đó, Tổ trưởng các tổ công tác đã chỉ đạo, yêu cầu thực hiện các giải pháp để phấn đấu hoàn thành giải ngân vốn đầu tư công trong thời gian tới. Qua làm việc, hầu hết các bộ, cơ quan, địa phương đều cam kết sẽ có giải pháp mạnh mẽ, cụ thể hơn để hoàn thành giải ngân trên 95% kế hoạch vốn được giao trong năm 2022.
"Tuy nhiên, đúng như ý kiến của các vị đại biểu Quốc hội, giải ngân vốn đầu tư công vẫn còn chậm; 41/51 bộ, ngành, cơ quan trung ương và 18/63 địa phương có tỷ lệ giải ngân đạt dưới 20%. Thời gian tới, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ tiếp tục chỉ đạo các bộ, cơ quan, địa phương phải xác định giải ngân vốn đầu tư công là một nhiệm vụ chính trị trọng tâm của năm 2022, cần quyết liệt trong chỉ đạo, điều hành, thực hiện đồng bộ các giải pháp đẩy nhanh giải ngân vốn đầu tư công", Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ nhấn mạnh.
Cụ thể, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ sẽ chỉ đạo khẩn trương rà soát, hoàn thiện các cơ chế, chính sách, kịp thời tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, nhất là về thủ tục đầu tư, đất đai, xây dựng; đẩy mạnh phân cấp, phân quyền, đơn giản hóa thủ tục hành chính và tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin. Đẩy nhanh tiến độ giải phóng mặt bằng và thi công; giải quyết kịp thời các vấn đề liên quan đến đất đai, nguyên vật liệu; rà soát, điều chỉnh kế hoạch vốn giữa các dự án để giải ngân nhanh, hiệu quả. Đề cao trách nhiệm người đứng đầu về kết quả giải ngân và hiệu quả đầu tư các dự án. Tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra, siết chặt kỷ luật, kỷ cương hành chính, đạo đức công vụ, xử lý nghiêm các vi phạm và các chủ đầu tư, ban quản lý dự án, nhà thầu cố tình gây khó khăn, cản trở, làm chậm giải ngân vốn đầu tư công.
Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ cũng đề nghị các Đoàn đại biểu Quốc hội, HĐND các địa phương tăng cường giám sát công tác giải ngân vốn đầu tư công tại cơ quan, đơn vị, địa phương mình; kịp thời có ý kiến với UBND cấp tỉnh để thúc đẩy giải ngân, phấn đấu hoàn thành 100% kế hoạch giải ngân vốn tại cơ quan, đơn vị, địa phương mình trong năm 2022.