Đam mê tự thuở lên mười
Về thị trấn Lim trước hội, trong những ngày đầu xuân, chúng tôi tình cờ gặp liền anh Nguyễn Hữu Thoa tại tư gia của cựu chiến binh Thành cổ Quảng Trị yêu quan họ Nguyễn Văn Ấp. Ông Ấp giới thiệu, giọng trân trọng: “Anh Thoa đây là Phó chủ nhiệm CLB Quan họ người cao tuổi huyện Tiên Du, đã có ngót chục năm làm thầy truyền dạy quan họ miễn phí cho bao thế hệ vùng Lim và một số địa phương lân cận đấy”. Liền anh Nguyễn Hữu Thoa năm nay 65 tuổi, dáng người nhỏ nhắn, giọng khiêm tốn: “Tôi chỉ là người mê quan họ, dạy lại cho người yêu quan họ những gì mình hay, mình biết. Những kiến thức về quan họ mình tích lũy được mấy chục năm qua mà không được truyền lại thì có lỗi với các thế hệ nghệ nhân lắm”.
Ông Nguyễn Hữu Thoa (bên phải) cùng các liền anh, liền chị quan họ |
Ông Nguyễn Hữu Thoa sinh ra và lớn lên ở làng Lũng Giang, một trong 49 làng quan họ cổ vùng Kinh Bắc, nay thuộc thị trấn Lim, huyện Tiên Du, Bắc Ninh. Tuổi thơ của ông gắn liền với gốc đa, giếng nước, sân đình, với lời ru của bà, của mẹ vốn là những làn điệu quan họ cổ thân thương. Thuở lên chín, lên mười, cậu bé Thoa thường theo mẹ tới đình làng, dự lễ hội để nghe các liền anh, liền chị hát giao duyên. Những giai điệu mượt mà, da diết ngấm dần vào ông như một phần máu thịt. Cứ thế, tình yêu, niềm đam mê với những làn điệu quan họ lớn dần… Năm 16 tuổi, chàng thanh niên Nguyễn Hữu Thoa xung phong vào đội văn nghệ của tỉnh đoàn, mang lời ca, tiếng hát về quê hương đất nước, cả những khát khao, nhiệt huyết của tuổi trẻ quê hương quan họ tới các vùng miền để động viên bà con tăng gia sản xuất.
Trở lại quê nhà, qua những năm chiến tranh cho đến thời bao cấp đầy gian khó, ông Thoa vẫn vẹn nguyên tình yêu với quan họ, dẫu có năm hội làng thiếu những đêm hát canh. Ông Thoa tự hào, người làng Lũng Giang ai cũng biết hát quan họ. Từ lớp người cao tuổi cho đến những cháu đang tuổi cắp sách đến trường, ai cũng biết đối đáp đôi câu. Các cụ trong làng truyền nhau rằng, uống nước giếng Ứng làng Lũng Giang thì không thể không biết hát quan họ. Vừa chơi quan họ, vừa ý thức sưu tầm từ các nghệ nhân lớp trước, hiện vốn liếng của ông Thoa ngót nghét 400 bài quan họ cổ của gần 200 làn điệu và xấp giấy khen với đủ loại giải thưởng tại các cuộc thi hát quan họ do huyện, tỉnh tổ chức.
Giữ cái duyên, cái tình quan họ
Trước khi mở lớp học quan họ bên đồi Lim, ông Nguyễn Hữu Thoa cùng ông Nguyễn Văn Đặng đã mở lớp dạy hát quan họ miễn phí ở xã Phú Lâm, huyện Tiên Du. Sau một thời gian, phong trào hát quan họ ở Phú Lâm phát triển mạnh và thành lập được một số câu lạc bộ hát quan họ… Song song với dạy hát quan họ tại thị trấn Lim, ông Thoa còn tham gia dạy quan họ theo lối cổ cho sinh viên năng khiếu của Trường Trung cấp Văn hóa - Nghệ thuật tỉnh Bắc Ninh trong nhiều khóa. |
Từ những ngày đầu tham gia CLB Quan họ người cao tuổi huyện Tiên Du, ông Thoa nhận thấy khá nhiều người trong làng, ngoài xã mê hát quan họ mà chưa có ai đứng ra dạy bài bản. Vì thế, ông Thoa cùng các thành viên chủ chốt của CLB đứng ra mở lớp và đích thân dạy học hát miễn phí. Từ lớp học đầu tiên mở năm 2006, đến nay thường xuyên có khoảng 50 học viên tham gia học hát, thuộc đủ ngành nghề, lứa tuổi. Từ bác nông dân chân lấm tay bùn, cho đến các cô cậu học sinh, sinh viên. Cá biệt, có những học viên tuổi đã ngoại thất tuần mà vẫn đều đặn đến lớp, say mê tập hát.
Cách dạy hát của ông Thoa cũng khác các trường chuyên nghiệp và chỉ dạy những câu hát cổ. Ông bảo, vì dạy cho đối tượng ở nhiều lứa tuổi khác nhau, người có năng khiếu, có giọng, người lại chỉ có… niềm yêu thích quan họ, nên ngoài phần cơ bản thì cũng phải “tùy cơ ứng biến” mà dạy. Học viên tiếp thu nhanh thì ông tăng thêm bài hát để tự tập luyện; ngược lại, thầy sẽ trực tiếp kèm cặp để hát được những câu, những điệu cơ bản. Mỗi buổi học, học viên đều phải dành phần lớn thời gian chép lời bài hát. Sau khi chép xong lời thơ, thì chép đến đoạn luyến láy. Ông Thoa bảo, chép tay dẫu có hơi lâu nhưng sẽ giúp mọi người nhanh thuộc và nhớ lâu hơn. Sau đó, ông hát mẫu một lần rồi cho mọi người học từng câu. Ông cũng giải thích cặn kẽ ý nghĩa của bài hát, giúp học viên thêm hiểu, thêm yêu và đưa được tình cảm của mình vào mỗi khi cất lời hát. Hoàn thành khóa học, học viên sẽ hát được ít nhất 150 câu đối đáp, theo các làn điệu…
Gần 10 năm dạy hát miễn phí bên đồi Lim với hàng trăm học trò đã để lại trong ông Nguyễn Hữu Thoa nhiều kỷ niệm xúc động. Đáng nhớ nhất là vào dịp Tết gần đây, một học viên nữ ngoài 70 tuổi ở làng Ngang Nội đem đến một phong bì tiền và mấy mớ rau muống, gọi là cảm ơn thầy. Ông cười và nói với người học trò đặc biệt: “Rau muống làng Ngang tiến vua thì ngon nổi tiếng rồi, tôi xin nhận, còn số tiền này bác coi như tôi đã nhận nhưng xin được gửi lại để bác bồi dưỡng sức khỏe”. Bà già mếu máo: “Thế là thầy lại không nhận của em rồi”. Ông Nguyễn Văn Ấp kể thêm, ông Thoa dạy miễn phí trong nhiều năm bất kể ngày nắng ngày mưa, học viên thương thầy lắm, bàn nhau góp tiền trả công, nhưng khi đem đến thì thầy từ chối và nói rằng: Các anh, các chị mê hát quan họ, chăm chỉ học để hát hay, hát đúng, giữ cái tình, cái duyên quan họ thì đã là trả công tôi rồi.
Với thầy Nguyễn Hữu Thoa, dạy hát làm sao cho người học biết ca đủ lối, đủ câu để có thể hát đây, hát đó, bổ sung vào đội ngũ ca hát quan họ từ thế hệ này tiếp thế hệ khác, thế đã là niềm hạnh phúc lớn.