Rủi ro lớn nhưng vẫn đầu tư
Bất chấp việc tiền điện tử chưa được pháp luật Việt Nam quy định là phương tiện thanh toán và hợp pháp hóa, nhiều nhà đầu tư vẫn lao vào như "thiêu thân". Kết quả khảo sát người tiêu dùng toàn cầu của trang Statista cho thấy, Việt Nam đứng thứ hai về mức độ phổ biến tiền ảo với 21%, chỉ sau Nigeria.

Lý giải nguyên nhân hình thành làn sóng đầu tư mới này, TS. Nguyễn Trí Hiếu, chuyên gia tài chính - ngân hàng cho biết, do giá trị đồng Bitcoin cũng như những đồng tiền kỹ thuật số khác thời gian qua tăng đột biến. Riêng đồng Pi tuy mới xuất hiện nhưng đã thu hút được một cộng đồng không nhỏ tham gia với hy vọng ở tương lai gần sẽ có những giao dịch giá trị lớn như đồng Bitcoin. Hiện tại đồng Pi có giá trị chưa lớn nhưng ưu điểm là có thể "đào" trên điện thoại di động mà không cần những dàn máy tính đồ sộ, cấu hình cao, bởi vậy đang trở thành trào lưu đầu tư hấp dẫn, đặc biệt với giới trẻ.
Theo TS. Cấn Văn Lực, chuyên gia Kinh tế trưởng Ngân hàng TMCP Đầu tư và Phát triển Việt Nam (BIDV), tính đến nay, trên thế giới ghi nhận sự xuất hiện của 4.195 loại tiền kỹ thuật số (hay tiền ảo) với tổng giá trị vốn hóa gần 1.400 tỷ USD. Trong đó, giá trị vốn hóa của 5 đồng tiền kỹ thuật số phổ biến nhất đạt gần 1.200 tỷ USD (chiếm gần 90% toàn thị trường), riêng Bitcoin chiếm đến 67%.
Cũng theo ông Lực, tiền ảo có 5 rủi ro chính. Thứ nhất, tiền ảo chưa được coi là tiền tệ chính thống, không có chức năng chính của tiền tệ là phương tiện trao đổi, phương tiện cất giữ giá trị và đơn vị hạch toán để niêm yết giá và ghi các khoản nợ. Thứ hai, lượng cung của Bitcoin có giới hạn, thêm vào đó giá cả phụ thuộc chủ yếu vào tâm lý, niềm tin của nhà đầu tư và tình trạng đầu cơ thổi giá nên bong bóng tài sản này có thể nổ bất kỳ lúc nào. Thứ ba là rủi ro về pháp lý khi tiền ảo không được công nhận tại nhiều quốc gia, kể cả làm phương tiện thanh toán. Thứ tư, tiền ảo có thể trở thành công cụ cho các mục đích tài chính bất hợp pháp như rửa tiền, buôn lậu… Cuối cùng, vì tất cả hoạt động đều được thực hiện trên không gian mạng nên rất dễ gặp trục trặc kỹ thuật dẫn đến tình trạng mất tiền khi sàn giao dịch bị lỗi, bị hack, bị đánh sập như sàn Mt.Gox (2011), Bitstamp (2015), Bitfinex (2016), Bitconnect (2018)… Cùng với đó, hàng trăm nhà đầu tư bị mất trắng nhưng chưa thể kiện hay lấy lại tiền vì chưa có hành lang pháp lý dành cho những khoản đầu tư này.
Tăng cường cảnh báo người dân
Trước tình trạng cơn sốt đầu tư tiền ảo ngày càng tăng nhiệt, Bộ Tài chính đã có thông báo cảnh báo về rủi ro của việc đầu tư, mua bán tiền ảo và tài sản ảo bất hợp pháp. Cơ quan này cho biết, trong thời gian qua, Ủy ban Chứng khoán Nhà nước thường xuyên phối hợp với các cơ quan công an về các vụ việc liên quan đến các sàn giao dịch, tiền ảo, chứng khoán có tính chất tương tự đã xảy ra tại nhiều tỉnh, thành phố trên cả nước và đang có xu hướng diễn ra thường xuyên hơn như Sàn giao dịch Rforex (tại trang web www.rforex.com) tại quận Ba Đình, thành phố Hà Nội; Sàn giao dịch Emrfx (www.emrfx.com) tại tỉnh Nghệ An... Theo đó, Bộ Tài chính khẳng định, hiện tại, chỉ có Sở Giao dịch Chứng khoán TP. Hồ Chí Minh và Sở Giao dịch Chứng khoán Hà Nội được phép tổ chức thị trường giao dịch chứng khoán tại Việt Nam.
Ngoài ra, Bộ Tài chính đã thành lập tổ nghiên cứu về tài sản ảo, tiền ảo nhằm triển khai công tác nghiên cứu, đề xuất các nội dung chính sách, cơ chế quản lý theo chức năng, nhiệm vụ của Bộ có liên quan đến tài sản ảo, tiền ảo. Bộ cũng sẽ tăng cường cảnh báo cho người dân về những rủi ro, nguy cơ và hệ lụy của việc tham gia mua bán, giao dịch, đầu tư, kinh doanh tài sản ảo, tiền ảo bất hợp pháp.
Để tránh các rủi ro không đáng có, giới chuyên gia cũng cảnh báo người dân và nhà đầu tư cần xác định rõ mình muốn gì, mức độ chấp nhận rủi ro đến đâu, cần trang bị kiến thức về các loại tiền ảo và phải rất thận trọng khi xem xét loại tài sản ảo này. Đồng thời, luôn tuân thủ 3 nguyên tắc cơ bản trong đầu tư tài chính là: Đa dạng hóa, không nên dùng đòn bẩy quá nhiều và tránh tâm lý bầy đàn.
TS. Nguyễn Trí Hiếu cho rằng, tiền ảo không phải là đồng tiền pháp định, chỉ được tạo dựng ra dựa trên một thuật toán, nhờ vào cung - cầu mà người ta định ra giá trị. Các nhà đầu tư cần cân nhắc kỹ trước khi tham gia đầu tư vì đó là một khối tài sản không dựa trên một cơ sở pháp lý nào, thậm chí là không nên đầu tư để tránh “tiền mất tật mang”.
Về phía Chính phủ, Ngân hàng Nhà nước và các bộ ngành, cơ quan quản lý, TS. Cấn Văn Lực cho rằng cần sớm hoàn thiện hành lang pháp lý cho các mô hình kinh doanh mới trong nền kinh tế số và tài chính, tiền tệ số. Đồng thời cần xác định quan điểm và có cách tiếp cận phù hợp cũng như tăng cường hợp tác quốc tế trong quản lý tiền ảo và giao dịch loại tiền này. Hơn hết là chú trọng phổ cập kiến thức cho người dân và doanh nghiệp về dịch vụ tài chính ngân hàng, trong đó có hoạt động tài chính số, tiền ảo và thanh toán không dùng tiền mặt thông qua chương trình giáo dục tài chính như là một trụ cột trong Chiến lược tài chính toàn diện đến năm 2030 do Chính phủ ban hành tháng 1.2020.