Báo điện tử lenta.ru ngày 5.7.2021 đưa tin về bước nhảy vọt của ngành khoa học vũ trụ Trung Quốc sau khi phá vỡ nhiều kỷ lục của Liên Xô trước đây[1], trở thành một trong 3 siêu cường về vũ trụ sau Mỹ và Nga. Đó là thành quả của cả một quá trình đầu tư dài hạn vào khoa học công nghệ của Trung Quốc hướng tới mục tiêutrở thành trung tâm của cuộc cách mạng công nghiệp kỹ thuật cao.
Báo Thanh Niên ngày 17.7.2021[2]đưa tin, tuy không đạt được mục tiêu chi 2,5% GDP cho nghiên cứu và phát triển công nghệ (R&D) vào năm 2020, nhưng Trung Quốc đã tăng gấp đôi tổng chi tiêu nội địa cho R&D lên hơn 340 tỷ USD, tương đương 2,23% GDP và Trung Quốc sẽ vượt Mỹ trong chi tiêu cho R&D vào năm 2025 với mức tăng 16% hằng năm kể từ năm 2000, trong khi Mỹ chỉ tăng 3%/năm và sẽ tăng ít nhất 7% mỗi năm trong 5 năm tới. Còn theo Bộ Khoa học và Công nghệ, tỷ lệ chi cho khoa học công nghệ ở Việt Nam, tính cả khu vực nhà nước và tư nhân, chỉ mới khoảng 0,44% GDP, kém xa Singapore (2,22%), Malaysia (1,44%) và Thái Lan (0,78%)...
Nhận thức được sự vượt trội của nghiên cứu, ứng dụng khoa học công nghệ trong phát triển kinh tế và bảo đảm an ninh quốc phòng, trong báo cáo về kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 5 năm giai đoạn 2021 - 2025 tại Kỳ họp thứ Nhất, Quốc hội Khóa XV, Chính phủ đã xác định sẽ thúc đẩy phát triển mạnh mẽ khoa học và công nghệ để tạo bứt phá cho nền kinh tế trong bối cảnh cuộc Cách mạng Công nghiệp lần thứ Tư, nhất là trong nghiên cứu cơ bản, ứng dụng công nghệ lõi, công nghệ cho một số sản phẩm, ngành và lĩnh vực then chốt, trọng điểm quốc gia, ưu tiên công nghệ có khả năng ứng dụng cao, công nghệ số, công nghệ thông tin, trí tuệ nhân tạo, cơ điện tử, tự động hóa, điện tử y sinh, sinh học, năng lượng sạch, công nghệ môi trường. Để thực hiện, Chính phủ sẽ cơ cấu lại toàn diện các cơ sở nghiên cứu khoa học và công nghệ công lập, đẩy mạnh nghiên cứu khoa học, công nghệ trong doanh nghiệp, khuyến khích các tập đoàn đa quốc gia đặt các cơ sở R&D tại Việt Nam.
Tuy xác định khoa học công nghệ là một trong các khâu đột phá nhưng trong Kế hoạch đầu tư công trung hạn 5 năm 2021 - 2025 vừa được trình Quốc hội sáng 24.7 thì nguồn lực đầu tư công cho khoa học công nghệ bố trí lại chưa tương xứng, dự kiến chỉ đạt 1,8% tổng chi đầu tư thuộc ngân sách Trung ương, trong đó đầu tư cho 15 phòng thí nghiệm trọng điểm của Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam, Khu công nghệ cao Hòa Lạc và nâng cao năng lực nghiên cứu của các trường, viện, các phòng thí nghiệm trọng điểm quốc gia. Cần phải nói rõ là tổng mức vốn kế hoạch đầu tư công trung hạn nguồn ngân sách nhà nước giai đoạn 2021 - 2025 dự kiến là 2.870 nghìn tỷ đồng, trong đó vốn ngân sách trung ương là 1.500 nghìn tỷ đồng. Vậy nên 1,8% 1,8% tổng chi đầu tư thuộc ngân sách trung ương sẽ chỉ vào khoảng 27 nghìn tỷ đồng, bằng khoảng 1,2 tỷ USD cho cả giai đoạn 5 năm, tương đương với 5.400 tỷ đồng hay 240 triệu USD mỗi năm. Với con số này có lẽ chưa đáp ứng được nhu cầu của các nhà khoa học.
Với quy mô của nền kinh tế và ngân sách nhà nước như hiện nay, nhất là khi thực hiện phương châm Nhà nước làm, hay chỉ đầu tư vào các lĩnh vực mà khu vực tư không làm, nên chăng phải đầu tư mạnh hơn nữa cho khoa học và công nghệ, đồng thời bảo đảm các nguyên tắc tập trung, không dàn trải, có trọng tâm, trọng điểm, lựa chọn thứ tự ưu tiên, bảo đảm sử dụng vốn hiệu quả. Ví dụ, dựa trên khả năng hấp thụ thực tế của các giới khoa học, cố gắng cân đối chi đầu tư cho khoa học và công nghệ ở mức 2 - 3% tổng chi đầu tư ngân sách trung ương, khoảng 2 tỷ USD trong 5 năm để tạo chuyển biến đột phá, đáp ứng yêu cầu của Chiến lược khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo giai đoạn 2021 - 2030, đưa Việt Nam bắt kịp cuộc Cách mạng Công nghiệp 4.0, có tính đến bối cảnh trong nước và thế giới sau đại dịch Covid-19. Suy cho cùng, phân bổ ngân sách nhà nước là vấn đề quan trọng của đất nước mà Quốc hội phải xem xét, thảo luận và quyết định theo hướng có lợi nhất cho quốc gia, dân tộc.
TS Trần Văn
Nguyên Phó Chủ nhiệm Uỷ ban Tài chính - Ngân sách