Niềm vui từ những ngôi trường mới
Nhất quán quan điểm “Giáo dục và Đào tạo là quốc sách hàng đầu”, tỉnh đã ban hành nhiều cơ chế, chính sách, dành nguồn lực, kinh phí cho sự nghiệp giáo dục, tạo điều kiện để mọi học sinh, sinh viên, trẻ mầm non ở mọi vùng miền trong tỉnh, nhất là những khu vực miền núi, hải đảo được thụ hưởng thành quả của sự phát triển, được học tập trong môi trường tốt nhất.
Giai đoạn 2021 - 2024, toàn tỉnh đã đầu tư cho giáo dục với tổng kinh phí hơn 1.433 tỷ đồng. Một số ngôi trường vừa mới được đầu tư đồng bộ, hiện đại, dự kiến sẽ đưa vào sử dụng trong năm học mới là: Trường THPT Ngô Quyền (TP. Hạ Long), Trường THPT Trần Phú (TP. Móng Cái); Trường Tiểu học Đông Ngũ 1 (huyện Tiên Yên); Trường Tiểu học Hạ Long 1 (huyện Vân Đồn)...
Năm học 2024 - 2025 đã cận kề. Hiện, công tác chuẩn bị đang được ngành giáo dục và đào tạo tỉnh tích cực triển khai với nhiều giải pháp thiết thực. Toàn ngành đang nỗ lực chuẩn bị các điều kiện về đội ngũ, kinh phí, cơ sở vật chất, trang thiết bị đảm bảo lộ trình thực hiện Chương trình giáo dục phổ thông 2018. Trường lớp được xây mới khang trang, hiện đại, điều kiện cơ sở vật chất được trang bị đầy đủ, đồng bộ đã tạo cơ sở để các nhà trường đẩy mạnh đổi mới, sáng tạo, nâng cao chất lượng dạy và học.
Hòa chung niềm vui từ những ngôi trường mới trên địa bàn tỉnh, năm học 2024 - 2025 này, thầy và trò Trường THPT Ngô Quyền (TP. Hạ Long) vui mừng khi được chuyển vào giảng dạy và học tập tại ngôi trường rộng rãi, khang trang theo tiêu chí trường chất lượng cao của tỉnh. Cô Đặng Thị Thu Minh, Hiệu trưởng Trường THPT Ngô Quyền chia sẻ, với trang thiết bị được trang sắm, nhà trường sẽ tổ chức quản lý, sử dụng khai thác phát huy tối đa cơ sở vật chất thiết bị dạy học chống lãng phí sau đầu tư. Cùng với đó, tiếp tục tăng cường công tác quản lý chất lượng, đổi mới phương pháp dạy học và kiểm tra, đánh giá; tăng cường ứng dụng chuyển đổi số, công nghệ số trong dạy và học... Đồng thời, nâng cao chất lượng đội ngũ giáo viên và cán bộ quản lý giáo dục đáp ứng yêu cầu thực hiện chương trình Giáo dục phổ thông 2018; quan tâm, đầu tư trong công tác bồi dưỡng học sinh trên cơ sở giáo dục toàn diện, nâng cao chất lượng thi học sinh giỏi và thi tốt nghiệp.
Kéo gần khoảng cách giáo dục giữa các vùng miền
Không chỉ tại các địa bàn thành phố, việc đầu tư xây mới, nâng cấp, cải tạo các công trình trường mới tại các địa phương vùng đồng bào DTTS, miền núi đã cho thấy rõ sự quan tâm, ưu tiên đặc biệt của tỉnh cho sự nghiệp giáo dục. Qua đó, đáp ứng ngày càng tốt hơn yêu cầu phát triển giáo dục, góp phần đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao.
Những năm gần đây, Trường THCS và THPT Hoành Mô (Bình Liêu) có nhiều chuyển biến mạnh mẽ về chất lượng giáo dục. Từ một ngôi trường thiếu nhiều phòng học bộ môn, thiếu sân chơi, bãi tập cho học sinh, không gian lớp học chật chội, thiếu nhà công vụ cho giáo viên…, đến nay, với sự quan tâm của tỉnh và huyện, nhà trường đã có cơ sở vật chất mới to đẹp với đầy đủ hệ thống phòng học, phòng chức năng, khu bán trú cho học sinh rộng rãi, khang trang.
Cô giáo Bùi Thị Thảo, Phó Hiệu trưởng nhà trường cho biết: Nhà trường hiện có 21 phòng học bảo đảm cho 21 lớp học của 2 khối THCS và THPT học chương trình chính khóa trong buổi sáng và buổi chiều dành thời gian ôn luyện. Với khu bán trú 10 phòng ở được xây mới đáp ứng tốt điều kiện sinh hoạt, học tập của học sinh. Vì vậy, trong năm học này ngoài nhiệm vụ duy trì chất lượng giáo dục, chúng tôi tập trung thực hiện tốt chương trình Giáo dục phổ thông 2018 đối với 2 khối lớp quan trọng là khối 9 và 12 để nâng cao chất lượng tuyển sinh vào lớp 10 và chất lượng tốt nghiệp THPT.
Với mục tiêu hỗ trợ, đầu tư mỗi huyện một trường học công lập theo tiêu chí chất lượng cao ở mỗi cấp học giáo dục phổ thông; mỗi thành phố, thị xã một trường THPT công lập theo tiêu chí chất lượng cao không chỉ tạo nền tảng quan trọng nâng cao chất lượng giáo dục của tỉnh mà còn để mỗi người dân Quảng Ninh đều được hưởng thành quả tăng trưởng bao trùm, kéo gần khoảng cách giáo dục giữa các vùng miền, địa phương trên địa bàn tỉnh.